Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mong muốn các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương có cơ hội vươn tầm, nâng cao giá trị cạnh tranh.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mong muốn các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương có cơ hội vươn tầm, nâng cao giá trị cạnh tranh.
Chương trình OCOP là một trong những động lực khuyến khích nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng.
Toàn tỉnh hiện có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia. Đây chính là những thành quả bước đầu, tạo tiền đề để Đồng Nai tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP.
Tuy nhiên, do chương trình còn khá mới mẻ nên bước đầu triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Công tác quản lý của các cơ quan, ban, ngành, địa phương vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất còn nhỏ, vốn ít; kiến thức về quản lý điều hành, năng lực lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Một số sản phẩm sau khi đưa vào chương trình OCOP vẫn còn gặp khó khăn về đầu ra, giá cả thiếu ổn định, mẫu mã hàng hóa chưa hấp dẫn… Phần lớn sản phẩm OCOP có thị trường tiêu thụ ở địa phương. Số lượng sản phẩm “chen chân” được vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi… chưa được như kỳ vọng.
Do đó, để các sản phẩm OCOP thực sự được nâng tầm, vượt qua “lũy tre làng” tiếp cận các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu, đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các kênh bán lẻ hiện đại, nhà phân phối lớn… rất cần các chủ thể OCOP phát triển hơn nữa về nội lực, tư duy trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại… đối với các sản phẩm OCOP.
Các chủ thể OCOP cần từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở nhiều thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm có các khu, cụm công nghiệp về chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị cạnh tranh; tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn đối với các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP.
Song song với đó, công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu của chương trình OCOP đến người dân là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục để góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa địa phương. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương, hướng tới phát triển các sản phẩm OCOP tại những “sân chơi”, thị trường lớn và bền vững.
Hoàng Hải