Trước đây, nói về phát triển nông nghiệp bền vững chủ yếu là các giải pháp đồng bộ trong sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất cũng như tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa tăng hiệu quả sản xuất nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái môi trường.
Trước đây, nói về phát triển nông nghiệp bền vững chủ yếu là các giải pháp đồng bộ trong sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất cũng như tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa tăng hiệu quả sản xuất nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái môi trường. Nông nghiệp bền vững phải thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Trong tình hình dân số thế giới ngày càng tăng; tình trạng biến đổi khí hậu, nước dâng, thiên tai diễn biến phức tạp; tốc độ đô thị hóa cao; dịch bệnh diễn biến bất thường... quan niệm về phát triển nông nghiệp bền vững cần được mở rộng hơn. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong giai đoạn phát triển mới, cần có cái nhìn mới hơn về sản xuất nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp phải gắn với thương mại, với công nghiệp, với khoa học và tri thức để thích ứng được với những thay đổi trên. Điều quan trọng là phải thay đổi về nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới là tạo được lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.
Nội dung này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi định hướng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian tới tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua. Đó là sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển chung của nền kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất lương thực một cách hợp lý và giải quyết bài toán hạ tầng nông nghiệp; công nghiệp chế biến. Các nhà khoa học cần chú trọng đến những giải pháp khoa học - công nghệ, nhất là năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu bằng nghiên cứu giống mới, tưới tiết kiệm, những mô hình mới…, nhằm góp phần tăng trưởng sản xuất nhanh, ổn định. Đi đôi với tăng cường năng lực sản xuất, phải chú ý thích đáng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội với tinh thần “quan tâm đến toàn xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cụ thể hóa định hướng chung về phát triển nông nghiệp của Chính phủ, Đồng Nai đã triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025. Nhiệm vụ của chương trình trên là đánh giá các nguồn lực liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; đánh giá thực trạng và các dự báo liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững để có giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2025 với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sự phát triển của xã hội và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp phải phát huy những điều kiện thuận lợi hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Lê Quyên