Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao là mục tiêu Đồng Nai hướng tới.
Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao là mục tiêu Đồng Nai hướng tới. Tỉnh cũng đã hình thành được những vùng chuyên canh lớn cho các mặt hàng nông sản chủ lực.
Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây ăn trái, các loại cây công nghiệp lâu năm của Đồng Nai hiện nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Tuy nhiên, thực chất đa số các vùng chuyên canh sản xuất lớn của Đồng Nai mới chỉ đạt về mặt diện tích, quy mô nhưng chưa thật sự đạt những tiêu chí căn cơ của sản xuất lớn là chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến xây dựng chuỗi liên kết.
* Bước đầu hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn
Hiện tổng diện tích cây ăn trái của Đồng Nai đạt trên 63,7 ngàn ha, cây công nghiệp lâu năm đạt trên 106 ngàn ha. Đồng Nai cũng đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực với hơn 50 ngàn hécta như: tiêu, ca cao, xoài, bưởi, sầu riêng...
Hiện một số vùng chuyên canh cây trồng như: ca cao, điều, cà phê… đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nói về lợi ích của việc hình thành vùng chuyên canh cây ca cao, ông Nguyễn Quý Tuân, Giám đốc HTX Ca cao - điều Định Quán (xã Gia Canh, H.Định Quán) so sánh, trước đây địa phương từng phát triển cây ca cao nhưng rồi chặt bỏ hàng loạt vì sâu bệnh, năng suất kém. Nhưng khi có doanh nghiệp đầu tư vùng chuyên canh, bao tiêu hạt ca cao đưa vào chế biến và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là xử lý dịch bệnh trên cây ca cao, lợi nhuận cây trồng này ngày càng tăng. Nhờ đó, diện tích ca cao không ngừng được nhân rộng tại địa phương.
Với diện tích hơn 4,7 ngàn ha, H.Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đồng Nai. Địa phương này cũng dẫn đầu trong việc hình thành được vùng chuyên canh lớn cho cây hồ tiêu. Ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết thời gian qua, hồ tiêu rớt giá, gặp khó khăn về đầu ra nhưng nông dân ở địa phương vẫn nỗ lực giữ vùng nguyên liệu hồ tiêu. Nông dân cũng tích cực chuyển đổi sang hướng canh tác tiêu sạch theo mô hình cánh đồng lớn có HTX, doanh nghiệp bao tiêu, sơ chế để xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính.
Nông dân thu hoạch chôm chôm tại vùng chuyên canh chôm chôm xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) |
Ngoài ra, Đồng Nai cũng đang tập trung hình thành các vùng chuyên canh đặc sản cây ăn trái với quy mô lớn hàng trăm, thậm chí cả ngàn ha. Trong đó, một số loại cây ăn trái của Đồng Nai như: chuối, sầu riêng, chôm chôm… đang đứng đầu trong các tỉnh Đông Nam bộ cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Cụ thể, vùng chuyên canh xoài quy mô hàng ngàn ha ở H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu; vùng chuyên canh cả ngàn ha chôm chôm ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh); vùng chuyên canh chuối cấy mô xuất khẩu ở H.Trảng Bom; vùng chuyên canh sầu riêng ở H.Xuân Lộc…
* Vẫn chưa “thoát” tính nhỏ lẻ, manh mún
Mục tiêu hình thành những vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn nhằm chuẩn hóa về quy trình sản xuất đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở nhiều vùng chuyên canh của Đồng Nai vẫn theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Xã Bình Lộc (TP. Long Khánh) nổi tiếng khi sớm hình thành được vùng chuyên canh cây chôm chôm. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Đồng Nai được cấp chứng nhận sản xuất chôm chôm theo quy trình VietGAP. Nhưng xét về chất, vùng chuyên canh chôm chôm Bình Lộc vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân trồng chôm chôm tại xã Bình Lộc nhận xét, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất này với quy mô cả ngàn ha. Giai đoạn trước, HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc từng có đơn hàng xuất khẩu trái chôm chôm Java đi Pháp và có doanh nghiệp đặt bao tiêu với sản lượng lớn để xuất khẩu. “Nhưng vùng chuyên canh này lại không đáp ứng được yêu cầu chỉ trồng thuần giống chôm chôm Java. Nông dân vẫn mạnh ai nấy làm và chuyển đổi vì chưa thực sự liên kết lại với nhau để xây dựng được vùng chuyên canh cung cấp cho thị trường xuất khẩu khó tính nhưng giàu tiềm năng trên. Theo đó, trái chôm chôm đặc sản này vẫn trong vòng luẩn quẩn mua đứt bán đoạn cho thương lái với đầu ra còn nhiều bấp bênh” - ông Hải nói.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) |
Nói về điểm yếu của trái cây Việt khi tham gia thị trường xuất khẩu, ông Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu (Q.1, TP.HCM) nhận xét, hạn chế lớn nhất là cả chất lượng và sản lượng trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu. Ví dụ trong một lô hàng xuất khẩu thanh long, khi đơn vị mua hàng lấy ngẫu nhiên khoảng 20 trái thanh long để kiểm tra chất lượng, chênh lệch giữa các trái này là rất lớn từ màu sắc, kích cỡ cho đến độ ngọt… nên bị đánh giá thấp. Theo ông Lãm: “Nguyên nhân trái thanh long không đạt yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu là do nông dân chưa theo cùng một quy trình chuẩn trong sản xuất mà còn dựa quá nhiều vào kinh nghiệm riêng của bản thân”.
* Thiếu liên kết bền vững
Nhiều vùng chuyên canh cây trồng của Đồng Nai chưa phát huy được hiệu quả, nông dân vẫn mỗi người làm một kiểu do chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, có doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều vùng chuyên canh lớn của Đồng Nai chưa hình thành được quy mô sản xuất hàng hóa lớn, đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), doanh nghiệp đang đầu tư vào vùng chuyên canh chuối xuất khẩu ở H.Trảng Bom khuyến cáo, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nông dân muốn có đầu ra bền vững, nông sản đạt chuẩn xuất khẩu phải tham gia vào chuỗi liên kết. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, làm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra thì lúc nào cũng bán được hàng.
Ông Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu góp ý thêm, liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp vẫn khó hình thành hoặc xây dựng được cũng dễ dàng đổ vỡ vì mỗi bên chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Cụ thể, nông dân thì muốn bán được tất cả nông sản họ làm ra. Doanh nghiệp thì chỉ muốn mua những sản phẩm họ bán hoặc xuất khẩu được. Để trái cây Việt Nam có đầu ra bền vững, bán được với giá trị cao, cả doanh nghiệp và nông dân đều phải nghĩ đến lợi ích chung, cùng chung tay tổ chức được những chuỗi liên kết mạnh, khép kín từ nông trại đến tận bàn ăn của khách hàng.
Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Đồng Nai đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh với diện tích cây trồng lớn góp phần đưa sản lượng nông sản tăng nhanh. Song, hạn chế của các vùng chuyên canh hiện nay là sản xuất vẫn trên nền tảng manh mún, nhỏ lẻ; nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác làm hiệu quả là đầu tư trồng mà chưa nghĩ đến việc tham gia chuỗi liên kết. Giải bài toán khó này, Đồng Nai cần có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết với nông dân cùng xây dựng được những vùng chuyên canh đúng nghĩa, đạt cả về chất lượng và sản lượng. |
Bình Nguyên