Để vững vàng trong hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết toàn cầu, các doanh nghiệp trong tỉnh cần có kế hoạch phát triển về năng lực tài chính, nhân sự để cạnh tranh sòng phẳng...
Để vững vàng trong hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cần có kế hoạch phát triển tiềm năng về năng lực tài chính, nhân sự để cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Trong ảnh: Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
[links()]Trong đó, DN cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh về cả hàng hóa lẫn dịch vụ. Đây được xem như yêu cầu sống còn của DN trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
* Đổi mới công nghệ phải theo chuẩn
Phần lớn DN trong nước ở Đồng Nai hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, do đó tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến quản trị nhân sự, đầu tư, đặc biệt là nguồn lực về tài chính... còn hạn chế. Vì vậy, hoạt động đổi mới, cập nhật công nghệ ở các DN nhỏ và vừa vẫn còn thiếu bài bản, chưa thật sự đồng bộ và diễn ra mạnh mẽ.
Theo khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019, các lý do chính thúc đẩy các DN tư nhân trong nước lựa chọn tự động hóa trong quá trình sản xuất gồm: giảm chi phí, tiếp cận thị trường, yêu cầu của nhà cung cấp, yêu cầu của khách hàng, đối thủ áp dụng tự động hóa, tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, lý do được các DN tư nhân trong nước lựa chọn nhiều nhất là “giảm chi phí” với 45% DN tham gia cuộc khảo sát lựa chọn. Lý do phổ biến thứ hai và thứ ba là “tiếp cận thị trường” (26% DN trong nước lựa chọn) và “tham gia chuỗi cung ứng” (23% DN trong nước lựa chọn)… |
Đổi mới công nghệ rất quan trọng đối với mỗi DN. Có đổi mới, cập nhật tiến bộ khoa học - công nghệ sẽ giúp DN nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hợp lý nguyên vật liệu… Qua đó có thể mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, tạo ra hiệu quả toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, đặc biệt là trước sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới, thay đổi trong sản xuất, mà vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, “bị loại” khỏi thị trường luôn có nhiều thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ từng phút.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, hiện nay các thị trường lớn của công ty là Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… Để đón đầu xu thế hội nhập, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA…, công ty chi khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm để ứng dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất nhằm đảm bảo tăng năng suất, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng lớn khi có cơ hội.
Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa cũng đã khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 nhằm đầu tư chế biến sâu cho dòng sản phẩm này ngay trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán), muốn đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, kỹ thuật hiện đại, đây được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của DN nhỏ và vừa. Mỗi năm Ca cao Trọng Đức dành khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư đổi mới, cập nhật công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Trong ảnh: Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Quân |
Đặc biệt, sau khi sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, công ty đã đầu tư hệ thống thiết bị nghiền bột ca cao siêu mịn theo công nghệ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để nâng cao giá trị cho sản phẩm bột ca cao của công ty.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều DN của Đồng Nai đã tiến hành đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển theo xu thế hội nhập, nâng cao chất lượng, cũng như tạo nên giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương. Thông qua đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, các DN có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm…
Theo bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa), công ty đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 1 khoảng 400 tỷ đồng, đạt công suất gần 30 ngàn tấn sữa/năm với dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn của châu Âu. Diện tích khuôn viên nhà máy khoảng 4 hécta, trong đó hơn 1 hécta dành cho xưởng chế biến, khu phụ trợ, nhà văn phòng...
Tương tự, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ, để không ngừng nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mỗi năm công ty đều chi khoảng 7-8 tỷ đồng cải tiến trang thiết bị, máy móc, cập nhật công nghệ mới vào sản xuất.
* Chú trọng công nghệ xanh, sạch
Bên cạnh đổi mới khoa học - công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng trong kinh doanh, ngày càng có nhiều DN trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng quan tâm, hướng đến sự phát triển bền vững thông qua sản xuất sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xanh, sạch, an toàn, chất lượng.
Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát về các yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân trong nước triển khai tự động hóa. Nguồn: Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019. Đồ họa: Hải Quân |
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), bên cạnh lộ trình chuẩn hóa chất lượng sản phẩm thông qua việc chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, trang thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, thì công ty còn hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch.
“Bibica đang giảm dần việc sử dụng các loại bao bì ny-lông để đóng gói sản phẩm và thay bằng bao bì giấy thân thiện với môi trường hơn. Xu hướng sản xuất xanh, sạch là yếu tố ngày càng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn, làm gia tăng giá trị hàng hóa” - ông Phan Văn Thiện cho hay.
Việc “xanh hóa” sản xuất mang lại cho DN rất nhiều lợi ích như: sử dụng nguyên liệu, năng lượng, nước có hiệu quả; tái sử dụng thành phẩm có giá trị; giảm chi phí xử lý và thải bỏ chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh một DN xanh.
Tuy rằng, các DN, nhất là các DN có quy mô nhỏ và vừa hay siêu nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình vận hành, năng lực tài chính mới có thể áp dụng thành công các mô hình sản xuất xanh, sạch nhưng thời gian qua, các DN Việt đã có những cố gắng, sự thay đổi nhất định trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch vừa có lợi cho sức khỏe cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Dinh Dưỡng - Nutriworld (H.Thống Nhất) chuyên cung cấp các sản phẩm nấm mèo đóng gói cho hay, công ty của ông luôn chú trọng sử dụng các phương pháp sơ chế tự nhiên, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động hóa chất vào quá trình sản xuất, đóng gói. Ngoài ra, công ty còn đầu tư dây chuyển đóng gói bao bì giấy để dần thay thế cho các loại bao bì ny-lông khó phân hủy, giảm thiểu tác hại đến môi trường, qua đó hướng đến tiêu chí sản xuất xanh, sạch, an toàn.
Hải Quân