Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được điều đó, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy tình yêu và đam mê, thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Bạn đọc tìm mua sách tại Hội sách tuổi thơ hè năm 2020 diễn ra tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: My Ny |
Đặc biệt, từ ngày 1-7-2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực. Với những quy định mới phù hợp với xu thế hiện nay, Luật Thư viện đã và đang tạo ra kỳ vọng góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
* Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Những năm qua, ngành thư viện toàn tỉnh được sự quan tâm của Sở VH-TTDL nên đã tổ chức tốt nhiều hoạt động phục vụ bạn đọc, mở rộng thêm nhiều điểm đọc mới, đưa sách, báo đến tận nơi, vừa phục vụ tại chỗ vừa phục vụ lưu động. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thư viện đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật tin tức, giới thiệu sách mới, tin địa chí đăng lên website của thư viện và mạng xã hội (Facebook, YouTube...). Sưu tầm, chọn lọc hình ảnh các hoạt động của thư viện, thực hiện 4 clip gửi về Vụ Thư viện để tuyên truyền với chủ đề Cùng bạn đọc sách - truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Thư viện tỉnh, hệ thống thư viện công cộng thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, hệ thống máy chủ đã hết thời gian bảo hành nên thường xuyên xảy ra các sự cố, ảnh hưởng đến các hoạt động trong công tác nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc trên địa bàn tỉnh.
Học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa đến tham quan, tìm hiểuvà đọc sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: My Ny |
Đối với thư viện các huyện, thành phố, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị từ năm 2005 hiện đã xuống cấp. Máy tính phục vụ độc giả còn thiếu nên có ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu tra cứu tài liệu. Riêng các phòng đọc sách ở phường, xã, tuy có hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao. Hầu hết các phòng đọc ở cơ sở chưa bố trí được chỗ đọc sách hợp lý; chưa có nguồn kinh phí để bổ sung sách thường xuyên, chủ yếu trông chờ vào các đợt luân chuyển sách của hệ thống thư viện. Ngoài ra, cán bộ phụ các phòng đọc này đa phần là kiêm nhiệm…
Đầu tháng 8 tới, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức Hội thi vẽ tranh và kể chuyện theo sách hè tỉnh Đồng Nai năm 2020. Với chủ đề Những trang sách yêu thương và Thiếu niên Đồng Nai làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, hội thi dành cho đối tượng học sinh tiểu học và THCS tham gia. Các học sinh sẽ thi vẽ tranh tập thể, kể chuyện theo sách song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là một trong những hoạt động nhằm tạo sân chơi lành mạnh, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi tỉnh nhà trong dịp hè. |
Với công tác phát triển văn hóa đọc cho người mù, ông Nguyễn Thành Nuôi, Phụ trách mảng Lao động sản xuất, giáo dục Hội Người mù tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 937 hội viên. Trong đó có 437 hội viên được tham gia các lớp xóa mù chữ và nâng cao kỹ năng sử dụng chữ Braille dành cho người mù. Công tác dạy chữ nổi cho người mù gặp muôn vàn khó khăn, bởi chữ của người mù được dạy và học thông qua xúc giác của những đầu ngón tay. Dụng cụ học của người mù chủ yếu là: bảng viết, giấy viết, dùi viết, đầu sách… Các sản phẩm này giá thành cao hơn so với những dụng cụ học của người bình thường. Nếu đã học nhưng không sử dụng thường xuyên thì người đã học thường sẽ quên cách sử dụng.
“Hiện nay ấn phẩm văn hóa dành cho người mù vẫn còn khá hạn chế. Cứ 2 tháng/ lần, Trung ương Hội Người mù Việt Nam mới xuất bản tập san Đời mới cấp đến mỗi huyện hội, thành hội (1 cuốn tập san và 1 CD). Còn các ấn phẩm chữ nổi khác thì giá thành cao nên việc mua sắm rất hạn chế. Tỉnh hội không thể trực tiếp in ấn tài liệu, ấn phẩm gửi đến các hội cơ sở vì thiếu máy móc, trang thiết bị chuyên dùng nên. Nếu muốn in ấn gì đều trông chờ vào các cơ sở tại TP.HCM và Hà Nội” - ông Nuôi chia sẻ.
Theo các thư viện trên địa bàn tỉnh, khó khăn nhất lớn nhất trong phát triển văn hóa đọc cho người khiếm thị là sách chữ nổi khan hiếm, giá thành cao. Để tổ chức một kho sách chữ Braille rất khó, phải đi vận động, trông chờ vào các nguồn khác. Trong khi đó, việc đi lại của người khiếm thị còn gặp nhiều khó khăn, nhân lực thư viện còn hạn chế, không thể dàn trải, kinh phí hạn hẹp, cho nên việc đi sâu, đi sát, thường xuyên nhằm đáp ứng văn hóa đọc cho đối tượng này vẫn chưa thực hiện được.
* Động lực cho văn hóa đọc...
Nhằm phát huy vốn văn hóa đọc, từ giữa tháng 3-2020, lần đầu tiên, Sở VH-TTDL phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 3 ngàn bài dự thi của học sinh các khối tiểu học, THCS và THPT gửi về. Đến thời điểm này, có hơn 200 bài lọt vào vòng sơ khảo, chung khảo. Ban tổ chức chấm bài, trao giải cuộc thi (21 giải vòng sơ khảo) vào tháng 8 tới; đồng thời gửi các bài đoạt giải cấp tỉnh về Vụ Thư viện - Bộ VH-TTDL để tham gia vòng chung kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc.
Người mù sử dụng chữ Braille để đọc sách và tạp chí. Ảnh: Võ Tuyên |
Theo ông Trần Trọng Tá, Phó trưởng phòng VH-TTDL (Sở VH-TTDL), lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, kinh nghiệm chưa có nhưng số lượng và chất lượng bài gửi về khá tốt. Có nhiều bài dự thi được thu bằng đĩa CD, thực hiện bằng các clip… thể hiện sự cảm nhận của học sinh trong văn hóa đọc truyền thống. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để các ngành phối hợp tổ chức cuộc thi này trong những năm sau. “Từ cuộc thi này, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, đề ra thể lệ mới hơn (thi từ cấp huyện, cấp tỉnh) hấp dẫn hơn để tạo động lực, thu hút học sinh tham gia” - ông Tá nhấn mạnh.
Việc Luật Thư viện có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua đã và đang tạo nhiều kỳ vọng cho phát triển văn hóa đọc hiện nay. Luật Thư viện có nhiều điểm mới, rất sát thực tế hoạt động của thư viện như: Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số... Đặc biệt với những người khiếm thị, luật đã có quy định rõ họ có quyền sử dụng tài nguyên thông tin và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác.
“Theo Luật Thư viện, việc mở các phòng đọc tài liệu hay tổ chức các đợt thư viện lưu động dành cho người khiếm thị sẽ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc cho người khiếm thị. Đó là cách để đảm bảo quyền bình đẳng trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu và cống hiến sức lực của người khiếm thị cho xã hội, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Tàn nhưng không phế” - ông Nguyễn Thành Nuôi chia sẻ.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, H.Xuân Lộc hào hứng đọc sách do các đơn vị trao tặng |
Chị Đỗ Thị Ngọc Dung, quản lý Thư viện TP.Biên Hòa cho biết, những quy định cụ thể với các tiêu chuẩn rõ ràng của Luật Thư viện hiện nay chính là định hướng cho sự phát triển hoạt động thư viện thời gian tới. Bên cạnh đó, luật còn yêu cầu các thư viện và những người làm công tác thư viện phải luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, để nắm rõ và triển khai thực hiện đúng quy định của luật, Thư viện tỉnh đã đăng ký tham gia lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thư viện do Bộ VH-TTDL tổ chức. Sau đó, Thư viện tỉnh sẽ mở các lớp tập huấn lại cho cán bộ, người làm công tác thư viện ở cơ sở. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, không chỉ phổ biến trong hệ thống thư viện mà đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Một khi luật càng được nhiều người biết đến, tìm hiểu và thực hiện thì cơ hội mở rộng, lan tỏa tri thức trong cộng đồng ngày càng cao. Qua đó, thúc đẩy phong trào đọc sách, phục vụ nhân dân học tập suốt đời.
Ly Na - Võ Tuyên
Ông Trần Trọng Tá, Phó trưởng phòng VH-TTDL (Sở VH-TTDL):
Nhiều biện pháp phát triển văn hóa đọc
Văn hóa đọc chính là nền tảng của tri thức, vì vậy việc duy trì và phát triển văn hóa đọc là cần thiết, đặc biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số như hiện nay. Trong những năm qua, ngành Văn hóa đã thực hiện việc giao chỉ tiêu bổ sung, luân chuyển sách trong hệ thống thư viện ở các cấp, đặc biệt là hệ thống thư viện, phòng đọc tại trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng cấp xã.
Đồng thời, ngành tiếp tục quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thư viện thông qua việc liên kết đào tạo cử nhân thư viện thông tin cho công chức, viên chức cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bổ sung nguồn lực cho các địa phương, hệ thống các trường học, đảm bảo theo quy định của Luật Thư viện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020), sao cho phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc duy trì, phát huy môi trường đọc sách từ thư viện trường học, thư viện tư nhân cũng như vận động người dân hình thành tủ sách gia đình là cách để người trẻ tiếp cận và hình thành văn hóa đọc là giải pháp mà ngành quan tâm và khuyến khích người dân tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh:
Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thư viện
Trong bối cảnh công nghệ thông tin trở nên phổ biến, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng gặp không ít thách thức. Luật Thư viện có hiệu lực sẽ là cơ sở để thư viện có định hướng mới trong phát triển văn hóa đọc. Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng hoạt động thư viện, đa dạng hóa loại hình và hình thức phục vụ nhằm phát huy giá trị của không gian thư viện. Tăng cường công tác luân chuyển tài liệu, xây dựng lịch luân chuyển, nội dung sách luân chuyển phù hợp với đối tượng bạn đọc; nâng cao chất lượng hoạt động thông tin - thư mục; nâng cao chất lượng các cơ sở dữ liệu...
Ngoài ra, Thư viện sẽ chú trọng hơn trong công tác chuyên môn, nguồn nhân lực thư viện, phòng đọc sách, báo cơ sở; đẩy mạnh luân chuyển, trao đổi sách giữa các thư viện; xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số… góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng, nhất là người trẻ ở vùng nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Thiên Các (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa):
Hình thành văn hóa đọc phụ thuộc rất lớn vào gia đình
Gần đây, qua phương tiện thông tin, tôi biết có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; tăng cường luân chuyển sách; ra mắt kênh Cùng bạn đọc sách… và mới đây nhất, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Đó là những hoạt động rất thiết thực, tôi cho rằng cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thì sự định hướng của gia đình trong phát triển văn hóa đọc cho con trẻ là rất quan trọng. Theo tôi, để cuốn hút con trẻ vào việc đọc sách là thái độ tích cực của cha mẹ. Nếu người lớn coi trọng những giây phút trải nghiệm với con bên trang sách, thì việc đọc sẽ trở nên dễ dàng và thú vị. Đọc sách cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để các thành viên trò chuyện, chia sẻ cùng nhau.
Ông Nguyễn Anh Mão, Chủ tịch Hội Người mù H.Tân Phú:
Mong được trang bị những ấn phẩm văn hóa dành cho người mù
Trước hết phải nói rằng những người mù hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ phải mưu sinh kiếm sống hằng ngày bằng nhiều nghề như: bán vé số, xoa bóp bấm huyệt, làm nông nghiệp… thêm vào đó là sinh hoạt hằng ngày của người mù không dễ dàng như người bình thường. Do vậy mà việc họ phải dành ra thời gian dài, đi xa nhà đến nơi lạ để học chữ là trở ngại lớn đối với hội viên.
Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo điều kiện tổ chức các lớp ngay tại địa phương để người mù theo học dễ dàng. Thêm vào đó, ấn phẩm dành cho người mù hiện nay còn quá ít, chủ yếu qua đường cấp phát miễn phí từ Hội cấp trên đến Huyện hội. Giá thành các loại ấn phẩm này rất cao nên đơn vị khó mua sắm thêm. Huyện hội rất mong được tạo điều kiện, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc để người mù chủ động, có nhiều ấn phẩm văn hóa mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người mù.
Em Trần Hữu An Phước, lớp 5 Trường tiểu học An Hảo (P.An Bình, TP.Biên Hòa):
Mong có nhiều cuộc thi đọc sách, kể chuyện theo sách
Thời gian học ở lớp, đi học thêm và làm bài tập về nhà đã chiếm phần lớn thời gian trong ngày của con. Do đó, con cũng như nhiều bạn ở lớp ít có thời gian đọc sách hơn. Tuy nhiên, vào ngày nghỉ cuối tuần, con vẫn thường cùng cha mẹ đi nhà sách, thi thoảng đến thư viện mượn sách lịch sử, văn hóa, sách truyện thiếu nhi để tham gia một số cuộc thi do trường và thành phố tổ chức. Con thấy đọc sách giúp cho trí tưởng tượng của con bay bổng hơn, con học được nhiều điều hay, có ý nghĩa hơn. Con mong tủ sách thiếu nhi ở trường và thư viện sẽ ngày càng có nhiều sách hay để con có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều thú vị. Bên cạnh đó, con cũng mong muốn mỗi năm sẽ có nhiều dịp triển lãm về sách, nhiều cuộc thi đọc sách, kể chuyện theo sách để chúng con rèn luyện thêm những kỹ năng sống, giao lưu gặp gỡ bạn bè.
Văn Truyên - My Ny (ghi)