Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai đã bước đầu thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư vốn lớn, máy móc, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới,...
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) của Đồng Nai đã bước đầu thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư vốn lớn, máy móc, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới, đồng thời giải quyết được bài toán hậu cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ.
Công nhân của Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (TP.Biên Hòa) trong giờ sản xuất. Ảnh: Hoàng Lộc |
Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án để hỗ trợ DN trong tỉnh, nhất là các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao hoạt động chế biến sâu, sản xuất xanh, sạch…
* Nhiều hoạt động hỗ trợ
Đồng Nai luôn khẳng định đồng hành, hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, điều này đã thực hiện lâu dài từ trước đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ chứ không phải chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn. Từ năm 2016, tỉnh cũng đã ban hành quyết định về Chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích và hỗ trợ DN đang hoạt động thực hiện chuyển đổi công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; đưa ra các tiêu chí, yêu cầu bắt buộc về môi trường và xây dựng đối với các dự án đầu tư mới…
Hiện tỉnh cũng đang tập trung triển khai đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, nhất là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này. Ngoài ra, còn có đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh chia sẻ, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các mô hình sản xuất xanh, sạch trên địa bàn tỉnh, cũng như phát triển trào lưu thân thiện với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng...
* Cần có thêm sự đồng hành
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM nhận định, điểm mạnh của phần lớn các DN trong nước là tính năng động, linh hoạt trong phân khúc nhỏ của thị trường, trong các thị trường “ngách”... Bên cạnh đó, việc tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin của DN nhỏ và vừa ngày càng được chú trọng, có hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh tuy có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn thấp về quy mô.
Do đó, bên cạnh việc DN cần chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư đổi mới công nghệ, thì sự trợ giúp về thị trường, thông tin đối tác, hỗ trợ nguồn vốn để đổi mới dây chuyền sản xuất... từ Nhà nước, chính quyền địa phương là những giải pháp để DN từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ, để nâng cao tỉ trọng xuất khẩu, cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh thì 2 yếu tố cần được lưu ý nhiều là chất lượng sản phẩm và thị trường. Do đó, các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, năng lực sản xuất, kinh doanh và nâng cao nhận thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…
Lam Phương