Đồng Nai có nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua. Số lượng phương tiện giao thông lại đứng vào tốp đầu của cả nước. Do đó, dù tỉnh triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.
Đồng Nai có nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua. Số lượng phương tiện giao thông lại đứng vào tốp đầu của cả nước. Do đó, dù tỉnh triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh còn tăng so với cùng kỳ. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ngoài vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông không đảm bảo, áp lực từ phương tiện giao thông tăng cao thì đa phần có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân dễ trở thành thói quen gây mất an toàn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nâng cao mức độ, đa dạng hình thức xử phạt để xóa bỏ thói quen nguy hiểm này.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020 mới đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với những mức phạt “kịch khung” thì người dân mới bắt đầu dè chừng.
Việc xử phạt nghiêm khắc không những góp phần nâng cao ý thức mà còn tạo nên sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Về lâu dài sẽ tạo động lực, cơ sở quan trọng nhằm ngăn ngừa những vi phạm giao thông tràn lan.
Hiện nay, các mức xử phạt vi phạm giao thông chủ yếu ở hình thức “nóng” như: phạt tiền, tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn mà thiếu những quy định “mềm” nên chưa gây được áp lực lớn đối với người tham gia giao thông để họ phải e sợ. Do đó, ngoài các hình thức phạt “nóng”, pháp luật cần buộc những người vi phạm giao thông tham gia lao động công ích, trợ giúp cơ quan chức năng điều tiết giao thông… Các hình thức xử phạt nghiêm khắc kết hợp với sự giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, bài bản sẽ giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn tác hại từ các hành vi bất tuân pháp luật giao thông của mình.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm an toàn giao thông của các cơ quan chức năng cũng cần được thực hiện thường xuyên và cương quyết. Tránh tình trạng “xin” - “cho” hoặc không đủ lực lượng xử lý trên các tuyến đường khiến vi phạm giao thông ngày càng ngang nhiên, nghiêm trọng.
Thực tế đã chứng minh, sau khi lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử lý các hành vi gây mất an toàn giao thông thì số vụ tai nạn giao thông thời điểm đó giảm hẳn. Muốn có được kết quả này mang tính lâu dài và bền vững, lực lượng chức năng cần giữ vững chức trách, nhiệm vụ khi thực thi công vụ để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp cũng như luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết.
Tai nạn giao thông không phải là hiểm họa trên trời rơi xuống mà đến từ chính những hành động của người đang tham gia giao thông. Nếu mỗi người khi ra đường cùng có ý thức chấp hành pháp luật, biết giữ an toàn cho mình và cho những người xung quanh thì sẽ góp phần ngăn ngừa tai nạn rủi ro xảy ra.
Thanh Hải