Để tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt, nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Để tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt, nhiều giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Đồ họa biểu thị cơ cấu sản lượng điện và kết quả thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh - Nguồn: PC Đồng Nai. (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Một số giải pháp hiệu quả như: chuyển sang sử dụng thiết bị, sản phẩm tiết kiệm điện; phát triển năng lượng tái tạo; kêu gọi người dân, doanh nghiệp (DN), các cơ quan công sở nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm; phát huy sáng kiến cải tiến giúp giảm tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất đang được ngành điện, chính quyền các cấp quan tâm.
* Nhiều cải tiến tiết kiệm hữu ích
Tiết kiệm điện trong sản xuất để góp phần giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm là mục tiêu hướng đến của các DN. Thời gian gần đây, nhiều DN đã chủ động đổi mới dây chuyền công nghệ, cải tiến thiết bị sản xuất, thay đổi thiết bị tiêu dùng để giảm tiêu tốn điện năng.
Là DN lớn chuyên gia công sản xuất giày cho thương hiệu Nike, trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) tiêu thụ hàng chục ngàn kWh điện. Để tiết giảm chi phí điện năng, công ty chuyển sang sử dụng hoàn toàn bóng đèn Led; lắp đặt quạt thông gió, hệ thống làm mát từ dưới sàn ở các xưởng; đầu tư thiết bị hiện đại để thay thế những máy móc cũ kỹ và hao tốn điện, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng. Cùng với đó, khuyến khích người lao động đưa ra sáng kiến, cải tiến góp phần tiết kiệm điện. Giải pháp bọc bồn sấy, máy ép bằng tấm cách nhiệt cũng giúp tiết kiệm khoảng 1 ngàn kWh điện/tháng được công ty áp dụng thành công và nhân rộng tại nhiều nhà máy sản xuất trong và ngoài nước.
Chị Tăng Ngọc Tiên, Quản lý kỹ thuật xưởng của công ty, người nghĩ ra giải pháp này chia sẻ, các máy ép ở khu vực bồn sấy UV-SPRAY (một công đoạn trong ép đế giày) luôn tỏa ra lượng nhiệt lớn, vừa tiêu tốn điện năng vừa gây nóng cho công nhân khi làm việc. Nhận thấy điều này, chị mạnh dạn đề xuất mua tấm cách nhiệt bọc kín các bồn. Ngay lần đầu thử nghiệm, giải pháp đã mang lại kết quả khả quan, hạn chế tối đa nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh. Không những vậy, khi nhiệt độ trong bồn vượt ngưỡng an toàn, công tắc nguồn sẽ tự động ngắt nguồn điện, lượng nhiệt bên trong máy còn lại đủ cho hoạt động khoảng 30 phút, vì thế mà tiết kiệm được đáng kể lượng điện năng. “So với trước, khi áp dụng cải tiến tấm cách nhiệt, nhiệt độ trong xưởng giảm được 2-3OC, cùng với đó, công ty tiết kiệm 1 ngàn kWh điện/tháng” - chị Tiên chia sẻ.
Là nhân viên kỹ thuật và môi trường tại Công ty CP Vinacafé Biên Hòa nhiều năm, anh Đỗ Văn Hà đã nghĩ ra ý tưởng thay đổi van lò hơi giúp hạn chế xì hơi trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, giúp công ty tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm.
Anh Hà chia sẻ, trước đây khi chưa có van cải tiến, một lượng lớn nhiệt năng cung cấp cho lò sấy bị xì ra bên ngoài, vừa gây nóng cho môi trường làm việc của người lao động vừa tốn điện năng. Sau một thời gian nghiên cứu, anh Hà đề xuất giải pháp cuốn dây thép quanh các khe hở, thay đổi van, giúp bảo toàn gần 100% hơi trong lò, giảm thời gian và nhiên liệu trong quá trình rang xay cà phê.
Nhân viên ngành điện kiểm tra nguồn đấu điện năng lượng mặt trời tại một công ty ở Khu công nghiệp Tam Phước. (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hoàng Lộc |
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình tiết kiệm điện cũng được người dân triển khai. Anh Thái Văn Nam, chủ 10ha thanh long tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) cho biết, để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận, anh chuyển sang sử dụng đèn Led thay cho đèn sợi đốt, đèn compact giúp cây ra hoa trái vụ. “Bóng đèn Led giúp tiết kiệm được gần 2/3 chi phí tiền điện mà vẫn đảm bảo năng suất” - anh Nam cho hay. Cùng với đó, anh Nam chuyển sang lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm lượng nước, giảm chi phí điện bơm nước.
Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng không ngừng nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm cải tiến giúp giảm điện năng tiêu thụ như: máy lạnh, tivi, tủ lạnh, máy giặt, bóng đèn tiết kiệm điện. Các sản phẩm tiết kiệm điện ngày càng được người dùng ưu tiên lựa chọn.
* Phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Đồng Nai là địa phương có sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất cả nước, khoảng 14 tỷ kWh/năm, trung bình mỗi năm tăng trưởng hơn 7%. Thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 865 ngàn khách hàng sử dụng điện lưới quốc gia, khoảng 75% sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp và xây dựng, 17% cho sinh hoạt, gần 4% cho tưới tiêu.
Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hằng năm, PC Đồng Nai xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, phương án cung cấp điện. Trong đó có đầu tư cải tạo và xây dựng mới các công trình đường lưới điện 110kV, nâng cấp các trạm biến áp; xây dựng phương án vận hành, hoán chuyển các máy biến áp để hạn chế tình trạng quá tải gây mất điện; phối hợp với Sở Công thương, các đoàn thể và địa phương tuyên truyền người dân bảo vệ hành lang lưới điện cao áp, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Từ những giải pháp trên, mỗi năm có hàng trăm triệu kWh điện được tiết kiệm. Riêng 5 tháng đầu năm 2020, Đồng Nai thực hiện tiết kiệm 116 triệu kWh điện, tương đương 2,4% tổng sản lượng điện thương phẩm.
Một trong những giải pháp đảm bảo an ninh nguồn năng lượng, bảo vệ nguồn tài nguyên và tiết kiệm chi phí đang được đề cập nhiều là phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: phát triển điện mặt trời, điện gió, phát điện từ nguồn chất thải sinh hoạt và chăn nuôi.
Đánh giá về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC tỉnh cho rằng, tỉnh có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời. Đó là bức xạ mặt trời đạt trung bình khoảng 1,85 ngàn kWh/m2/năm, tổng số giờ nắng trung bình khoảng 2,5 ngàn giờ/năm. Cũng theo ông Thành, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt. Việc phát triển điện mặt trời không chỉ tiết kiệm tiền điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm áp lực cung cấp cho ngành điện. Tính đến tháng 6-2020, PC Đồng Nai đã ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với gần 2 ngàn khách hàng, tổng công suất lắp đặt là 40,5 ngàn kWp, sản lượng phát lên lưới hơn 8,8 triệu kWh.
Cũng liên quan đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo, ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cho rằng, Đồng Nai hoàn toàn có thể phát triển điện từ rác thải. Hiện tại, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương phát sinh chất thải (sinh hoạt, công nghiệp, y tế) lớn nhất cả nước. Quá trình đốt rác thải tại các khu xử lý chất thải tập trung phát ra lượng nhiệt lớn. Nhiệt và khí tạo ra phải qua công đoạn lọc vừa tốn kém chi phí vừa lãng phí nguồn năng lượng. Theo ông Dũng, để phát triển điện từ rác thải, trước tiên cần đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn; đồng bộ các khâu thu gom, phân loại và lựa chọn công nghệ để phát điện; quản lý chặt chẽ hoạt động thu gom phế liệu vì rác thải nhựa là nguồn phát điện chủ yếu; Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đầu tư công nghệ đốt rác phát điện và có cơ chế thu mua điện từ hoạt động đốt rác. Đối với chất thải chăn nuôi cũng tương tự, đó là tận dụng khí biogas từ các trang trại chăn nuôi để phát điện.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp hiệu quả giảm bớt áp lực đầu tư hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng cho ngành điện; góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Các nguồn năng lượng đang được khuyến khích đầu tư phát triển là điện mặt trời, điện gió, điện khí, điện than. Bên cạnh đó, ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: thay đổi công nghệ, thiết bị sản xuất và thay đổi thói quen tiêu dùng; phát triển lưới truyền tải, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia nhằm bảo cung cấp điện đầy đủ cho khách hàng.
Hoàng Lộc