Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt các nguồn năng lượng cơ bản quan trọng, trong đó có điện. Trong giai đoạn 2020-2025, dự báo nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng cao, bình quân 10%/năm, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt các nguồn năng lượng cơ bản quan trọng, trong đó có điện. Trong giai đoạn 2020-2025, dự báo nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng cao, bình quân 10%/năm, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân. Trong khi đó, tình hình cung ứng điện ngày càng căng thẳng, nhiều dự án cấp điện khó đi vào hoạt động đúng tiến độ đề ra.
Nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng, từ Trung ương đến địa phương mà mới nhất và mang tính nền tảng nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn này, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.
Xuất phát từ yêu cầu của Thủ tướng, chủ trương tiết kiệm điện đã và đang được thực hiện rộng rãi trên cả nước. Tiết kiệm điện bắt nguồn từ các cơ quan công quyền, doanh nghiệp đến tận mỗi gia đình, mỗi người dân. Ở khối hành chính và các cơ quan công quyền, chỉ tiêu tiết kiệm điện được giao “cứng” nhằm nâng tỷ lệ điện năng tiết kiệm lên so với hiện nay. Chính phủ yêu cầu khối hành chính sự nghiệp đảm bảo hằng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm và khối chiếu sáng công cộng là 20%. Với các doanh nghiệp, Chính phủ cũng khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện năng.
Về giải pháp cụ thể, tùy từng cấp, ngành, địa phương, sẽ có rất nhiều giải pháp cụ thể được sáng tạo nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Đơn cử, Chính phủ nên có những chính sách giảm thuế cho các sản phẩm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm tiêu tốn ít điện năng. Ngoài ra, cần phải có kiểm toán năng lượng, giám sát mức độ tiêu thụ, có các công cụ kiểm soát mức tiêu thụ điện… Bên cạnh đó, thường xuyên ban hành và đổi mới các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân có các giải pháp tiết kiệm năng lượng mới mẻ và hiệu quả, có thể triển khai áp dụng rộng rãi cho cộng đồng.
Ở góc độ từng người dân, từng hộ gia đình, tiết kiệm điện không chỉ là chủ trương chung được Chính phủ khuyến khích, đó còn là hành động văn minh. Trên thực tế, chọn lựa giữa việc “phung phí” hay “tiết kiệm” năng lượng, hoàn toàn là do quyết định của mỗi người và chưa có quy định hay chế tài nào “buộc” người dân phải tiết kiệm. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, sự ý thức này là rất cần thiết cho gia đình, cộng đồng và thể hiện trách nhiệm với các thế hệ tương lai.
Vi Lâm