Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó, phục hồi và tăng trưởng

08:07, 06/07/2020

6 tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian đặc biệt do có quá nhiều biến động khó lường của mọi ngành kinh tế dưới sức ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới, ngưng các chuyến bay, tạm dừng các hoạt động chuyên chở hàng hóa... khiến giao thương ngưng trệ, xuất nhập khẩu nhiều giai đoạn bị "tê liệt", các ngành dịch vụ "đóng băng".

6 tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian đặc biệt do có quá nhiều biến động khó lường của mọi ngành kinh tế dưới sức ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới, ngưng các chuyến bay, tạm dừng các hoạt động chuyên chở hàng hóa... khiến giao thương ngưng trệ, xuất nhập khẩu nhiều giai đoạn bị “tê liệt”, các ngành dịch vụ “đóng băng”.

Khó có thể thống kê hết những thiệt hại mà nền kinh tế thế giới phải hứng chịu do tác động của dịch bệnh Covid-19. Với Việt Nam, sự ảnh hưởng cũng rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ…

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020 (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Mặc dù tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước, song trong buổi họp trực tuyến mới đây của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá đây “không phải là điều gì quá tồi tệ”, bởi hầu hết các quốc gia phát triển đều tăng trưởng âm trong 6 tháng qua. Đây cũng là những kịch bản đã được dự báo trước, bởi chủ trương của Chính phủ là thà “hy sinh” tăng trưởng kinh tế để giữ sức khỏe cho người dân, do đó Chính phủ đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội khắt khe nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Ở góc độ địa phương, Đồng Nai cũng gánh chịu nhiều thiệt hại khá nặng nề, thể hiện qua việc GRDP chỉ tăng 5,8%, xuất khẩu giảm, doanh thu du lịch giảm… và rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phần lớn đang cố gắng duy trì sản xuất để chờ “khơi thông” dòng chảy thương mại quốc tế để xuất nhập khẩu bình thường trở lại.

Khó khăn, thách thức thì đã rõ, song “thái độ, góc nhìn và giải pháp” trước khó khăn mới là những điều quan trọng. Phương châm “sống chung với lũ” được Chính phủ và các địa phương đặt ra ráo riết nhằm nhắm đến mục tiêu đưa nền kinh tế vượt khó, phục hồi và tăng trưởng. Một số giải pháp lớn đã và đang thực hiện như: kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thuế và giãn thuế cho doanh nghiệp, tổ chức giao thương trực tuyến, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đề ra các định hướng kích cầu du lịch trong nước…

Sẽ khó có câu trả lời cho câu hỏi bao giờ dịch bệnh Covid-19 thực sự chấm dứt và mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên thế giới trở về bình thường như trước. Trong bối cảnh đó, “tự mình cứu mình” đang là định hướng đúng đắn được Việt Nam chọn lựa với sự chung tay của toàn xã hội để cùng nhau đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều