Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng bước vào năm học mới

04:09, 04/09/2020

Ngày mai 5-9, trên 750 ngàn học sinh các cấp học và hơn 32 ngàn cán bộ, giáo viên Đồng Nai sẽ bước vào năm học 2020-2021 trong điều kiện vừa dạy, học, vừa tích cực phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày mai 5-9, trên 750 ngàn học sinh các cấp học và hơn 32 ngàn cán bộ, giáo viên Đồng Nai sẽ bước vào năm học 2020-2021 trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo vừa dạy, học vừa tích cực phòng, chống dịch Covid-19. Lễ khai giảng năm học mới năm nay cũng sẽ được tổ chức ngắn gọn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang kiểm tra tình hình chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Công Nghĩa
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang kiểm tra tình hình chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Công Nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, năm học mới 2020-2021, toàn tỉnh có thêm 30 công trình trường học được các địa phương đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng với trên 430 phòng, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 469 tỷ đồng. Các trường cũng đã chủ động sửa sang trường lớp, đáp ứng cơ bản cho dạy và học, đồng thời trang bị thêm các điều kiện để phòng, chống dịch Covid-19.

* Niềm vui trường lớp mới

Dịp khai giảng năm học mới 2020-2021, trên địa bàn H.Trảng Bom có 3 ngôi trường mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Trong số này có Trường TH-THCS Bắc Sơn (xã Bắc Sơn) xây dựng bằng vốn ngân sách kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng (ngân sách nhà nước đầu tư 41 tỷ đồng, Tập đoàn Phong Thái tài trợ 18 tỷ đồng). Công trình được xây dựng khang trang với một khối nhà hiệu bộ, các khối phòng học, phòng thư viện, tin học. Ngoài ra, trường còn có nhà thi đấu đa năng và 1 sân cỏ nhân tạo phục vụ học sinh sinh hoạt văn hóa văn nghệ và luyện tập thể dục thể thao.

Theo Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, trước thềm năm học mới H.Trảng Bom đã có 53/77 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ  gần 67%). Huyện đã cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải về trường lớp, nhất là tại khu vực các xã: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh và TT.Trảng Bom. Bà Vũ Thị Minh Châu cho biết thêm, việc giải quyết cơ bản tình trạng quá tải trường lớp là điều kiện quan trọng để H.Trảng Bom tiếp tục đầu tư thêm các nguồn lực, nâng cao số lượng trường chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. 

Tại TP.Long Khánh, ngày khai giảng năm học mới năm nay đón nhiều niềm vui từ những ngôi trường mới. Theo Ban Quản lý dự án TP.Long Khánh, các công trình trường lớp chuẩn bị cho năm học mới đã được gấp rút hoàn thành với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Trong đó có những công trình quy mô, đạt các tiêu chí quốc gia về cơ sở vật chất như: Trường mầm non Hàng Gòn ở xã Hàng Gòn được đầu tư xây mới với kinh phí lên đến 48 tỷ đồng; Trường tiểu học Hòa Bình ở P.Xuân Bình được đầu tư 30 tỷ đồng; Trường tiểu học Lý Tự Trọng ở P.Bảo Vinh được đầu tư 20 tỷ đồng…

Còn tại TP.Biên Hòa, vấn đề trường lớp năm nay đã phần nào “hạ nhiệt” so với các năm trước nhờ vào những công trình trường học xây dựng mới và bổ sung thêm các phòng học. Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, năm học 2020-2021 thành phố có được 2 ngôi trường mới thành lập là Trường THCS Tân Phong ở P.Tân Phong và Trường mầm non Thống Nhất ở P.Thống Nhất. Bên cạnh đó, thành phố đã kịp hoàn thành việc bổ sung lớp học cho hàng loạt trường học như: Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh ở P.Long Bình, Trường tiểu học Hiệp Hòa ở P.Hiệp Hòa, Trường tiểu học Trần Văn Ơn ở P.Bửu Hòa… Dự kiến trong năm học này, TP.Biên Hòa còn đưa vào sử dụng công trình mới của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tại P.Bửu Long với quy mô lên đến 40 phòng học và nhiều công trình khác.

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch Sở GD-ĐT cho biết, ngay sau khi kết thúc năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở chuẩn bị khẩn trương các điều kiện cho năm học mới. Theo đó, dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành nhưng các địa phương đã có sự chủ động tốt.

Cụ thể, các địa phương đã xây dựng mới 30 công trình trường học, xây bổ sung các phòng học cho những trường còn thiếu với trên 430 phòng học kinh phí hơn 469 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã có sự chủ động đầu tư mạnh cho trường lớp mới như TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và TP.Long Khánh. Về quy mô trường lớp, năm nay toàn tỉnh có thêm 43 trường mới thành lập, chủ yếu là mầm non tư thục. Ở bậc phổ thông có thêm 3 trường THCS và 1 trường phổ thông nhiều cấp học.

* Sẵn sàng đổi mới dạy và học

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch chia sẻ, từ năm học mới này, ngành GD-ĐT sẽ bắt tay vào giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1. Hiện 66 ngàn bộ sách giáo khoa lớp 1 với 860 ngàn bản sách đã được Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai cung ứng đủ đến tận các trường. Trước đó, Sở GD-ĐT đã tiến hành nhiều đợt tập huấn với nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới cho hàng ngàn giáo viên chủ chốt của trên 300 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp:

Không chủ quan với dịch bệnh Covid-19

Sở GD-ĐT và các địa phương phải chủ động chuẩn bị kỹ các điều kiện đón học sinh trở lại trường và tổ chức khai giảng năm học mới. Các quy định, quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học phải được đảm bảo thực hiện nghiêm và kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, phải xây dựng thêm nhiều phương án dạy và học mới, trong trường hợp có dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động dạy và học phải được duy trì bình thường bằng công nghệ thông tin kết nối từ trường học đến từng gia đình học sinh.

Cô Đỗ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 (xã Long An, H.Long Thành) cho biết, dù trường mới được thành lập và đang trong quá trình tuyển sinh nhưng công tác chuẩn bị áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới đã được nhà trường chuẩn bị rất sớm. Từ nhiều tháng trước, nhà trường đã cử giáo viên đi tập huấn về chương trình và các bộ sách. Nội dung bài học của các cuốn sách lớp 1 được nhà trường chọn giảng dạy cho học sinh đã được giáo viên biên soạn thành những bài giáo án kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động ngoại khóa để bài học sinh động hơn.

Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, giảm tải ở hầu hết các môn học cho học sinh ở bậc THCS, THPT. Theo đó, có tất cả 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy và học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Quyết định tinh giản và giảm tải chương trình của Bộ GD-ĐT đưa ra với bậc THCS-THPT trước thềm khai giảng năm học mới 2020-2021 được ví như “gỡ khó”, đồng thời tạo thêm động lực cho giáo viên trong việc đổi mới, sáng tạo để có thêm nhiều giờ dạy hay trên lớp. Nếu như trước đây, nhiều thầy cô muốn đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng lại e ngại, sợ bị “thổi còi” vì không đảm bảo khối lượng kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT, thì nay không còn lo lắng nữa. Vấn đề là khi vào năm học mới, các trường phải bắt tay ngay việc sắp xếp chương trình, động viên giáo viên tích cực đổi mới trong cách dạy và cách học cho học sinh”.

* Chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Ngày 5-9, trên 750 ngàn học sinh của Đồng Nai bước vào lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 được xem là có nhiều điều đặc biệt. Lần đầu tiên, lễ khai giảng được tiến hành với tinh thần ngắn gọn, đơn giản, chủ yếu là phần lễ và bỏ qua các hoạt động của phần hội để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các trường chỉ tiến hành khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện một số học sinh của các lớp. Học sinh khi ngồi khai giảng phải giãn cách nhau ít nhất 1m trở lên, ngay cả đại biểu dự khai giảng cũng hạn chế hơn mọi năm.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) tựu trường chuẩn bị cho ngày khai giảng
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) tựu trường chuẩn bị cho ngày khai giảng

Cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều hoạt động giáo dục của nhà trường. Cán bộ, giáo viên và học sinh đã tìm cách thích nghi và dần dần quen với dạy, học trong điều kiện bình thường mới. Cô Sang cho biết, để dạy học trong điều kiện bình thường mới, ngoài chuẩn bị cho lễ khai giảng, bước vào năm học nhà trường cũng phải luôn trong tâm thế đề phòng dịch bệnh, hướng dẫn học sinh tự bảo vệ mình theo các khyến cáo của ngành Y tế. Ngoài dạy học theo phương pháp truyền thống, phương pháp dạy học online cũng cần được tăng cường nhiều hơn, nhất là hỗ trợ học sinh về mặt kỹ năng để sẵn sàng chuyển sang học online khi cần thiết.

Theo ban giám hiệu một số trường tư thục, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động của bộ máy gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí trả lương cho giáo viên, việc học online có thu học phí nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Chính vì vậy, bước vào năm học mới, nhiều trường đã có kế hoạch tổ chức họp phụ huynh sớm để thống nhất kế hoạch dạy và học trong năm học, đồng thời thỏa thuận những nội dung liên quan đến các khoản đóng góp. Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục cho biết, năm học 2019-2020 khi phải chuyển sang học online, nhiều phụ huynh đã thắc mắc về mức thu học phí. Để tránh lặp lại vấn đề này, ngay từ đầu năm học mới, nhà trường chủ động xây dựng khung học phí online để thống nhất với phụ huynh. Nếu trong trường hợp dịch bùng phát thì vẫn có thể duy trì việc học bình thường cho học sinh, đồng thời nhà trường có thể duy trì hoạt động.               

BS Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế đang tiếp tục đồng hành với ngành GD-ĐT trong công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ ngày tựu trường. Để khởi động một năm học mới trong điều kiện bình thường mới, mỗi nhà trường phải chủ động trong công tác phòng dịch với nhiều công việc cần thiết như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh; chuẩn bị tốt các vật tư phòng dịch như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, hệ thống bồn rửa tay; mỗi giáo viên đều phải nắm được quy trình xử lý khi có học sinh có biểu hiện nghi ngờ của dịch Covid-19...

Công Nghĩa


Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang:

Khẩn trương đưa hoạt động dạy và học vào nền nếp

Dịch bệnh Covid-19 đang gây nhiều khó khăn, xáo trộn trong công tác dạy và học của ngành. Dự báo tình tình dịch sẽ còn diễn biến kéo dài, phức tạp, do đó các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải nhanh chóng ổn định nền nếp học tập, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, trong đó có nhiệm vụ triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường THCS, THPT nhanh chóng thực hiện dạy và học theo hướng dẫn tinh giản chương trình đối với lớp 6 đến lớp 10 ngay trong năm học mới này. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên và học sinh để làm quen dần với kỹ năng học tập trực tuyến. Các trường cần chủ động phương án dạy và học, khi cần có thể chuyển ngay sang hình thức học tập trực tuyến để việc dạy và học không bị gián đoạn.

Cô Trần Thị Vương Nhi, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa):

Năm học của đổi mới trong dạy và học

Năm học 2020-2021 được xem là năm học của đổi mới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép giáo viên được phát huy tinh thần sáng tạo trong dạy và học đối với học sinh. Chắc chắn với chương trình mới này, học sinh sẽ trở nên năng động hơn, có nhiều kỹ năng hơn và tự tin hơn.

Trong khi đó, hướng dẫn tinh giản chương trình bậc THCS-THPT năm học 2020-2021 của Bộ GD-ĐT ban hành cũng đã giúp giáo viên có thêm thời gian để đầu tư, nghiên cứu đưa ra những giờ dạy mới với nhiều phương pháp mới mà không bị bó buộc bởi các quy định trước đây. Dù bệnh dịch còn phức tạp nhưng chúng ta có thể tự tin vào một năm học thành công nhờ đổi mới phương pháp dạy và học.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, phụ huynh có con học Trường THPT Ngô Quyền:

Nhiều kỳ vọng vào năm học mới

Phụ huynh chúng tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ các điều kiện để con em mình bước vào năm học mới 2020-2021. Các con cũng đã được nhắc nhở thường xuyên về ý thức phòng, chống dịch Covid-19 khi đến trường cũng như khi ra ngoài cộng đồng. Dù có những lo lắng nhưng chúng tôi tin rằng bệnh dịch sẽ sớm được kiểm soát tốt, việc học tập của các con sẽ diễn ra bình thường.

Là phụ huynh, chúng tôi rất mong và kỳ vọng ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để các con có thể học tập mọi lúc mọi nơi, dù bệnh dịch thì việc học cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):

Mong trường lớp bớt quá tải

Nhiều năm nay, phụ huynh nhiều phường trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn trong tình trạng quá tải, điều này khiến cho phụ huynh gặp khó khăn trong lựa chọn trường lớp. Việc quá tải trường lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh, nhất là chất lượng dạy và học lâu dài. Nhà nước cần xem xét quy hoạch và phát triển trường lớp phù hợp với quy mô dân số, tránh quy hoạch trường lớp nhưng người dân chờ đợi mãi không triển khai.

Mặt khác, khi triển khai thì cần đồng bộ, dù khó khăn cũng phải nỗ lực xây dựng trường lớp khang trang, phấn đấu có thêm nhiều trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều