TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành đang quyết tâm chấn chỉnh và xử lý triệt để những cơ sở y tế tư nhân kinh doanh bất hợp pháp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...
“Ngành Y tế quyết tâm chấn chỉnh và xử lý triệt để những cơ sở y tế tư nhân kinh doanh bất hợp pháp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đồng thời, ngành sẽ siết chặt quản lý hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân kinh doanh hợp pháp nhưng có sai phạm, thiếu sót nhằm đưa những cơ sở này đi vào nền nếp”.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, đại diện Sở Y tế, Phòng Y tế TP.Biên Hòa khảo sát thực tế hoạt động tại Phòng khám đa khoa Nhi Sài Gòn (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Dung |
[links()]Đó là khẳng định của TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế về việc quản lý các phòng khám, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tỉnh sau khi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm, hạn chế của các cơ sở này.
* Phòng khám nhà thuốc tư nhân phát triển mạnh mẽ
Theo lãnh đạo Sở Y tế, vài năm trở lại đây, hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Người dân được tạo điều kiện kinh doanh nên việc mở các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà thuốc, quầy thuốc khá đơn giản. TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom là 2 địa phương có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà thuốc nhiều nhất tỉnh. 5 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa tư nhân của cả tỉnh cũng đều tập trung ở TP.Biên Hòa.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho hay, toàn thành phố hiện có 586 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh và 699 cơ sở hành nghề kinh doanh dược và mỹ phẩm, góp phần giảm bớt gánh nặng đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều cơ sở đã áp dụng các kỹ thuật cao, cung cấp cho người dân dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
BS Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nếu muốn được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức và nhân sự, đảm bảo cho hoạt động chuyên môn theo phạm vi hành nghề, danh mục kỹ thuật chuyên môn đối với từng loại hình hoạt động theo quy định.
Thanh tra Bộ Y tế và thanh tra Sở Y tế kiểm tra đột xuất tại một nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Hạnh Dung |
Cụ thể, về nhân sự, mỗi cơ sở khám, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người này và trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn phù hợp với hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc 54 tháng khám, chữa bệnh về chuyên khoa phụ trách. Những người hành nghề khám, chữa bệnh khác tại cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề, có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo có địa điểm hành nghề cố định, có đủ các khoa, phòng để tổ chức khám bệnh, thực hiện các thủ thuật theo phạm vi chuyên môn đăng ký; phải đảm bảo điều kiện an toàn bức xạ, xử lý nước thải, chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy, có đủ thiết bị y tế phù hợp, có tủ thuốc cấp cứu, hộp xử trí phản vệ, phác đồ xử trí phản vệ theo quy định…
Đối với các cơ sở hành nghề kinh doanh dược, chủ cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn, trình độ chuyên môn phù hợp với từng loại hình kinh doanh như: dược sĩ đại học đối với nhà thuốc, dược sĩ trung học trở lên đối với quầy thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đảm bảo, thuốc bán tại cơ sở phải có nguồn gốc rõ ràng, đúng quy định, có hóa đơn chứng từ mua bán hợp lệ, thực hiện niêm yết giá, bảo quản thuốc đúng quy định, thực hiện mở sổ sách theo dõi việc mua bán thuốc…
* Còn nhiều sai phạm
Một thực tế đang diễn ra khá phổ biến hiện nay là khi đoàn công tác của cơ quan chức năng đi thẩm định để cấp giấy phép hoạt động thì các cơ sở khám, chữa bệnh, nhà thuốc xuất trình được đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định, trang thiết bị phù hợp. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra đột xuất hoặc giám sát bất ngờ, nhiều cơ sở lúng túng không xuất trình được đầy đủ giấy tờ liên quan, hoạt động không đúng theo chuyên môn đăng ký…
Bà Đỗ Thị Hòa Bình, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho hay, vừa qua, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại 2 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám chuyên khoa, 5 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa |
Qua khảo sát, đoàn ghi nhận bên cạnh những ưu điểm, các cơ sở hành nghề y còn tồn tại một số hạn chế như: người phụ trách chuyên môn và các đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề không có hồ sơ chứng minh đã tham gia các lớp cập nhật kiến thức y khoa trong 2 năm liên tục theo quy định; thời gian hoạt động không đúng giấy phép được cấp; không niêm yết bảng giá theo quy định; số lượng bác sĩ cơ hữu chưa đạt tỷ lệ theo quy định; phòng vô trùng chưa đảm bảo yêu cầu.
Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc, có cơ sở giấy đăng ký kinh doanh đã hết hạn từ tháng 8-2020. Một số cơ sở bán một số thuốc không có hóa đơn, chứng từ (thuốc nhập khẩu) và không công khai niêm yết giá bán theo quy định. Có những cơ sở bán buôn thuốc không đúng với giấy phép được cấp. Cơ quan chức năng cấp phép là cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền nhưng thực tế cơ sở lại bán thuốc tân dược.
Theo thống kê từ Sở Y tế, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng của Sở Y tế đã tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại 165 cơ sở hành nghề y và dược trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện 56 cơ sở có vi phạm, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 cơ sở với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tước chứng chỉ hành nghề y đối với 2 trường hợp, đình chỉ hoạt động đối với 8 cơ sở hành nghề y, tước chứng chỉ hành nghề đối với 2 cơ sở hành nghề dược, tước giấy phép hoạt động có thời gian đối với 2 cơ sở hành nghề y và 8 cơ sở hành nghề dược.
Các lỗi chủ yếu của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là: hoạt động không có giấy phép, sử dụng người hành nghề chưa có chứng chỉ hành nghề, hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn. Cơ sở hoạt động không đúng với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động, lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc không có bệnh nhân, không có bảng hiệu, bảng giá, không duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo hoạt động như khi thẩm định cấp giấy phép, không chuyển người bệnh đến cơ sở cấp cứu khi vượt quá khả năng chuyên môn.
Nhân viên một nhà thuốc nằm trong một phòng khám đa khoa (TP.Biên Hòa) soạn thuốc trước khi giao cho bệnh nhân |
Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, lỗi chủ yếu là cơ sở không đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc, người tham gia bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn theo quy định, cơ sở hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, không mở sổ sách, không có bảng giá, bán thuốc phi mậu dịch, bảo quản thuốc không đảm bảo chất lượng, bán lẻ thuốc hết hạn sử dụng, kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài lực lượng chức năng của Sở Y tế, lực lượng chức năng của các huyện, thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn quản lý và phát hiện nhiều thiếu sót của các cơ sở. Năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành của H.Thống Nhất đã kiểm tra, xử lý 7 cơ sở vi phạm với số tiền 14,6 triệu đồng; 6 tháng năm 2020 xử phạt 1 quầy thuốc số tiền 15 triệu đồng do kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì theo quy định. Phòng Y tế H.Xuân Lộc phối hợp với thanh tra Sở Y tế kiểm tra đột xuất 1 phòng khám đa khoa, 1 phòng khám nha khoa trên địa bàn theo phản ảnh của người dân. Kết quả, cả 2 cơ sở đều có vi phạm và bị xử phạt tổng số tiền 58 triệu đồng…
* Xử lý nghiêm để răn đe
Theo quy định, Sở Y tế là cơ quan cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh cho các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc. Việc thẩm định điều kiện cấp giấy phép được thực hiện do đoàn thẩm định được thành lập theo quyết định của giám đốc Sở Y tế ban hành. Thành viên đoàn thẩm định có đại diện của các phòng y tế địa phương, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thừa nhận, công tác quản lý các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Địa bàn rộng, số cơ sở hành nghề y, dược nhiều mà nhân lực phụ trách công tác quản lý hoạt động của các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở bán lẻ thuốc lại mỏng nên số lượng các cơ sở được thanh, kiểm tra còn rất hạn chế. Mặt khác, các phòng khám chuyên khoa chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính, còn cán bộ công chức Sở Y tế, phòng y tế lại làm việc theo giờ hành chính nên khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra. Các phòng khám đa khoa đều là doanh nghiệp, theo quy định, mỗi năm, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần và phải báo trước nên khi kiểm tra khó phát hiện được những vi phạm.
Để quản lý tốt hơn hoạt động của các phòng khám tư nhân, nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phân cấp quản lý, giao cho UBND các huyện, thành phố, mà trực tiếp là phòng y tế các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm đối với việc đảm bảo điều kiện hoạt động như khi cấp phép theo quy định đối với các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn.
“Những cơ sở nào vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính sẽ tính đến việc rút giấy phép hoạt động, tước chứng chỉ hành nghề hoặc chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định” - TS-BS Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 6-2020, toàn tỉnh có hơn 1,6 ngàn cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đang hoạt động đã được cấp phép bao gồm: 5 bệnh viện đa khoa, 1 bệnh viện chuyên khoa, 69 phòng khám đa khoa, 180 phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, 33 phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, 1 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 19 phòng khám chuyên khoa da liễu, hơn 1,3 ngàn phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế khác. Bên cạnh đó, có hơn 2,8 ngàn cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc được cấp phép hoạt động. |
Hạnh Dung
* Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền:
Không chỉ là nhắc nhở, cần xử phạt mạnh tay
Việc các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, cơ sở thẩm mỹ hoạt động không đúng quy định thời gian qua đã gây bức xúc cho người dân trong tỉnh. Mặc dù Sở Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc tập huấn kiến thức, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ sở hành nghề y, dược, những người trực tiếp hành nghề y, dược tư nhân nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý các cơ sở này. Công tác thanh, kiểm tra chưa đồng đều, số lượng các phòng khám tư nhân được thanh, kiểm tra còn hạn chế. Qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng chủ yếu là nhắc nhở, xử phạt chưa nhiều nên chưa mang tính răn đe.
Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị Sở Y tế cần có sự phân cấp rõ ràng trong công tác thanh, kiểm tra. Khi thanh, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý mạnh tay hơn, triệt để hơn, tránh tình trạng đợi đến khi các cơ sở sai phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì ngành Y tế mới vào cuộc xử lý. Ngành Y tế cần đi trước, thấy được nguy cơ để chấn chỉnh kịp thời, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe người dân.
* Chánh thanh tra Sở Y tế Dương Hồng Danh:
Cần có quy định cụ thể để quản lý các cơ sở thẩm mỹ
Toàn tỉnh hiện chỉ còn 1 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Gangwhoo (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Điều đáng lo ngại là có nhiều cơ sở làm đẹp, spa khác dù không được cấp phép vẫn liên tiếp ra đời và ngang nhiên hoạt động, quảng cáo tràn lan trên mạng. Có những cơ sở, chủ cơ sở chỉ đi học một lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở một cơ sở thẩm mỹ nào đó rồi về nhà tự mở tiệm để làm, thực hiện một số kỹ thuật như nhấn mí gây áp xe, nhiễm trùng cho khách hàng. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ do chưa có quy định rõ ràng nên công tác thanh, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn.
Để tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở này, mỗi lần có phản ảnh của người dân, thành viên trong đoàn thanh tra phải đóng giả khách hàng, vào cơ sở để được chủ cơ sở, nhân viên tư vấn. Có những khi thành viên đoàn thanh tra đã nằm trên bàn làm đẹp, chúng tôi mới có đủ cơ sở để tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở. Công tác xử lý sau kiểm tra cũng còn lắm nhiêu khê do chủ cơ sở vi phạm không lên Sở Y tế để làm việc. Sở Y tế không thể ra quyết định xử phạt, việc cưỡng chế cũng khó khăn vì chủ cơ sở thuê nhà để mở tiệm chứ không phải của họ…
Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần có quy định rõ ràng, rành mạch về vấn đề này để các địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, tránh gây hậu quả đáng tiếc cho người dân khi đến những cơ sở này làm đẹp.
An Yên (ghi)