Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường nông sản, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước vẫn đạt kỷ lục...
Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường nông sản, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.
Vùng nuôi cá VietGAP cho thu nhập cao tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Quyên |
Việt Nam được đánh giá là cường quốc về xuất khẩu nông sản nhưng để đạt mục tiêu trở thành bếp ăn, kho lương của thế giới, ngành Nông nghiệp trong nước cần chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hóa lớn. Ở đây cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lớn.
* Cường quốc xuất khẩu nông sản
Điểm sáng nổi bật trong năm 2020, với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì công tác đàm phán, mở cửa thị trường, tạo điều kiện và tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Kết quả theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,54 tỷ USD; thủy sản 8,47 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều năm qua, Việt Nam vốn là thị trường tiêu thụ thì nay đã có sự chuyển biến lớn khi bắt đầu có những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tổ hợp nhà máy CPV Food của Công ty TNHH CPV Food (thành viên của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam trụ sở chính tại TP.Biên Hòa) vừa được khánh thành ở tỉnh Bình Phước với công suất chế biến giai đoạn 1 đạt 50 triệu con gia cầm/năm vừa xuất khẩu lô sản phẩm thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc).
Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg chia sẻ, việc doanh nghiệp chính thức xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên vào thị trường Hồng Kông là minh chứng một cách rõ ràng nhất, thuyết phục nhất những cam kết đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam. C.P. đầu tư gắn bó tại Việt Nam hơn1/4 thế kỷ, doanh nghiệp hiểu sâu sắc chính sách vĩ mô của Chính phủ Việt Nam và chỉ đạo của Bộ NN - PTNT trong việc thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tăng trưởng xuất khẩu. Với thế mạnh và kinh nghiệm thành công trong việc xuất khẩu thịt gia cầm trên 20 năm, Tập đoàn C.P. đã xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà khép kín, thực hiện sứ mệnh nâng cao chất lượng thực phẩm Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên bản đồ thế giới, hướng tới sự bền vững.
* Tạo thể chế cho nền nông nghiệp lớn
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký và nhiều hiệp định khác là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới. Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan) nhận xét, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là có điều kiện thiên nhiên ưu đãi để làm ra được những nông sản có chất lượng cao. Nhìn vào tiềm năng về nông sản của Việt Nam với con mắt của một người Hà Lan, ông Jos Leeters thấy rằng có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Ông Jos Leeters góp ý: “Tôi thấy rằng việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn thiếu sự liên kết. Chính phủ Việt Nam nên quan tâm việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để họ lớn mạnh và tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu”.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ, đại dịch Covid-19 cho thấy phát triển công nghiệp, dịch vụ là khá quan trọng nhưng mong manh biết chừng nào; vai trò bệ đỡ của ngành Nông nghiệp quan trọng đến chừng nào mỗi khi đất nước khó khăn. Ba năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 3 lần và hiện có hơn 13 ngàn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đấy là những cánh chim đầu đàn của nền nông nghiệp nước ta. Để chung tay cùng Bộ NN-PTNT, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trở thành một trong những hạt nhân, liên kết các doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát, kiến nghị lên Quốc hội sửa các văn bản trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành Nông nghiệp để mở đường cho những cải cách tiếp theo của toàn ngành. Vấn đề giải phóng mặt bằng, tích tụ đất đai luôn là vấn đề lớn để phát triển nền nông nghiệp hiện đại nên ngay từ đầu nhiệm kỳ tới, mong Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Đất đai để mở đường cho nền nông nghiệp lớn.
Theo ông Lộc, 1/3 thế kỷ qua, thành quả của nông nghiệp, nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào vai trò chủ thể của đông đảo các hộ nông dân. Tầm nhìn trong thời gian tới phải là tầm nhìn chuyển được từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế, kinh doanh nông nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm, doanh nghiệp cần phải chung tay với các hộ nông dân thông qua các liên kết của HTX trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu để định hình tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam.
Lê Quyên