Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu công nghiệp

03:06, 26/06/2021

Từ đầu năm đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các KCN được đảm bảo. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp các công ty, người lao động yên tâm, tập trung lao động sản xuất...

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai được đảm bảo. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp các công ty, người lao động yên tâm, tập trung lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc chú trọng phòng cháy giúp kéo giảm các vụ cháy trong khu công nghiệp. Trong ảnh: Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh với sự tham gia của nhiều lực lượng tại Công ty TNHH MTV Nhất Gỗ (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) vào tháng 5-2020. Ảnh: Đăng Tùng
Việc chú trọng phòng cháy giúp kéo giảm các vụ cháy trong khu công nghiệp. Trong ảnh: Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh với sự tham gia của nhiều lực lượng tại Công ty TNHH MTV Nhất Gỗ (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) vào tháng 5-2020. Ảnh: Đăng Tùng

Theo Công an tỉnh, khoảng 2 năm gần đây, số vụ cháy tại các KCN trên toàn tỉnh liên tục được kéo giảm. Cụ thể, năm 2020, xảy ra 19 vụ cháy trong các KCN (giảm 11 vụ so với năm 2019). Từ đầu năm 2021 đến nay, mới chỉ có 1 vụ cháy trạm biến áp 110/22kV của một công ty tại KCN Nhơn Trạch 5 vào chiều 23-4, giảm 3 vụ cháy so với cùng kỳ năm 2020.

* Nỗ lực kéo giảm số vụ cháy

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho hay, để có được kết quả như trên, trong thời gian qua, đơn vị đã cùng Công an các địa phương chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở trong KCN. Trong đó, chú trọng đến các cơ sở trọng điểm có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ cao để kịp thời hướng dẫn cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót và thực hiện công tác tự kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở.

Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy, làm 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 248 triệu đồng (tăng 11 vụ, giảm 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại do cháy giảm 1,23 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020). Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy trong KCN, giảm 3 vụ cháy so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, qua công tác điều tra cơ bản tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hiện có 1.585 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC (1.009 cơ sở thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ quản lý, còn lại do công an các địa phương quản lý). Từ ngày 15-12-2020 đến ngày 9-6-2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra được 762 lượt cơ sở, tiến hành lập 26 biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 trường hợp với tổng số tiền gần 212 triệu đồng.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện nay các công ty hạ tầng KCN rất quan tâm đến công tác PCCC, đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt bảo trì, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy trong KCN. Các KCN, công ty đã thành lập 36 đội PCCC chuyên ngành với 716 đội viên, một số cơ sở đầu tư trang bị xe chữa cháy theo quy định. Nhờ vậy, công tác chữa cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ phát huy hiệu quả, nhiều vụ đã được dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, không để bùng phát gây cháy lớn.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC luôn được chú trọng. Trong năm 2020, đã có 194 cơ sở trong KCN đạt danh hiệu điển hình tiên tiến trong xây dựng phong trào Toàn dân PCCC; năm 2021, có 243 đơn vị, cơ sở đăng ký đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC. Thông qua việc xây dựng, nhân rộng điển hình, các cơ sở tự cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng xử lý sự cố cháy, nổ của lực lượng tại chỗ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

* Nguy cơ cháy còn cao

Tuy số vụ cháy và thiệt hại do cháy tại các KCN có chiều hướng giảm nhưng thực tế mỗi vụ cháy tại các cơ sở trong KCN luôn để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động. Điển hình như vụ cháy tại nhà xưởng của Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai 2 (KCN Dệt may Nhơn Trạch) vào rạng sáng 14-7-2019 gây thiệt hại hơn 2,38 tỷ đồng với nguyên nhân do sự cố điện. Hay vụ cháy ở Nhà máy Tiêu hủy chất thải giày da thuộc Công ty TNHH Tân Phát Tài (Cụm công nghiệp Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) vào khuya 22-7-2020 với diện tích cháy hơn 400m2, tiêu hủy nhiều hàng hóa của nhà máy cũng có nguyên nhân do sự cố điện.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa, ảnh chụp tháng 1-2021)
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa, ảnh chụp tháng 1-2021)

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, hầu hết các vụ cháy tại KCN đều có nguyên nhân xuất phát từ sự cố điện hoặc sự cố kỹ thuật. Cụ thể, trong 6 vụ cháy trong KCN năm 2019, có 3 vụ do sự cố điện, 1 vụ do sự cố kỹ thuật; trong 4 vụ năm 2020, có 3 vụ do sự cố điện và 1 vụ do sự cố kỹ thuật.

Đại úy Nguyễn Bá Giáp, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết, các cơ sở trong KCN thường có diện tích nhà xưởng lớn (từ vài ngàn đến hàng chục ngàn m2), hoạt động các ngành nghề có sử dụng nguyên vật liệu dễ cháy (may mặc, dệt sợi, hóa chất, chế biến gỗ xuất khẩu, khí đốt hóa lỏng, giấy…). Chính vì vậy, các cơ sở trong KCN luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, nếu xảy ra cháy sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư tại các KCN.

Ngoài những nguyên nhân thường gặp dẫn tới cháy, nổ, cản trở thoát hiểm thường gặp, theo đại úy Nguyễn Bá Giáp, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phần lớn các cơ sở gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, do đó kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC bị giảm bớt. Kéo theo đó là hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, trang bị bổ sung các phương tiện, hệ thống PCCC… bị chậm trễ. Ngoài ra, việc không xuất được hàng khiến hàng hóa tồn đọng nhiều, dẫn đến bố trí sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn hoặc cản trở lối thoát nạn, đường giao thông cho xe chữa cháy, khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao.

Theo Công an TP.Biên Hòa, một số doanh nghiệp trong KCN sau thời gian tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khi hoạt động lại, hệ thống điện, máy móc thiết bị điện không được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng nên dễ phát sinh các sự cố điện. Các máy móc, thiết bị trước khi đi vào hoạt động không được kiểm tra, thay thế lượng dầu nhớt bôi trơn, ảnh hưởng đến quá trình làm mát, bôi trơn khi vận hành máy móc, dễ phát sinh nguồn nhiệt gây cháy khi hoạt động liên tục, kéo dài với năng suất lớn.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn trong KCN là do các công ty tự ý cơi nới, cải tạo công trình. Cụ thể là việc thay đổi công năng sử dụng, cơi nới các mái che, mái nối nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC bổ sung theo quy định, không có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, vượt quá diện tích khoang cháy của nhà xưởng, nhà kho, do đó khi xảy ra cháy rất dễ gây cháy lan, cháy lớn giữa các nhà xưởng.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích