Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp "căng mình" ứng phó với làn sóng dịch bệnh Covid -19 thứ tư

04:06, 09/06/2021

Sau gần 2 năm kể từ ngày dịch bệnh Covid  -19 lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, thời điểm này được xem là làn sóng dịch bệnh thứ tư mà các doanh nghiệp (DN) phải "căng mình" đối mặt...

Sau gần 2 năm từ ngày dịch bệnh Covid-19 lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, thời điểm này được xem là làn sóng dịch bệnh thứ tư mà các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai nói riêng và DN cả nước nói chung phải đối mặt. Trong “cơn bão lớn” dịch bệnh, các DN phải gồng mình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Đồ họa thể hiện số lượng dự án có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh tính đến cuối tháng 5-2021 - Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng dự án có vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh tính đến cuối tháng 5-2021 - Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

 Theo nhiều DN lớn trên địa bàn tỉnh, đây là thời điểm họ phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất trong nhiều năm qua. Cùng lúc, các DN phải chống chọi với hàng loạt rủi ro như: dịch bệnh Covid-19, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 30-80%, cước phí vận tải hàng hóa quốc tế tăng 20-30%, lương cho lao động tăng, giao thương bị cản trở...

* Tiếp tục chống dịch, duy trì sản xuất

Ngày 3-6 vừa qua, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5-2021, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, biến chủng virus trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm, khó lường và khó kiểm soát. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng DN và người dân phải nỗ lực, chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đến cuối tháng 5-2021, tại các khu công nghiệp của Đồng Nai đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.909 dự án. Trong đó, 1.365 dự án FDI có tổng vốn đăng ký gần 27,3 tỷ USD, vốn thực hiện 21,6 tỷ USD và 544 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 67,7 ngàn tỷ đồng.

Tại Đồng Nai, các DN tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ và rủi ro. Bởi có phòng, chống dịch bệnh tốt, không để xảy ra ca bệnh nào thì DN mới có thể yên tâm hoạt động, thực hiện các chiến lược trong phát triển sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, dài hạn.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho hay: “Công ty có nhiều lao động đang làm việc trong nhà máy, văn phòng nên một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, công ty làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ nguy cơ, nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Fujitsu chuẩn bị sẵn phòng y tế có phòng cách ly để chủ động trong tình huống xấu”.

Cũng theo ông Vinh, DN không làm tốt công tác phòng, chống dịch, để phát sinh ca bệnh thì nhà máy sẽ bị phong tỏa, tạm dừng sản xuất, trễ nải các đơn hàng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và thiệt hại rất lớn. Vì vậy, Fujitsu cũng như nhiều DN khác đang “căng mình” phòng, chống dịch bệnh.

Trong vòng chưa đầy 2 năm, các DN đã phải 4 lần trải qua cao điểm của các đợt chống chọi với đại dịch Covid-19. Bên cạnh việc gắt gao phòng chống dịch, DN Đồng Nai còn phải vượt qua những khó khăn khác trong sản xuất.

Công ty TNHH Viet Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để ổn định sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: H.GIANG
Công ty TNHH Viet Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để ổn định sản xuất, xuất khẩu. Ảnh: H.GIANG

Ông Lưu Châu Bằng, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Khoảng 90% sản phẩm công ty sản xuất ra được xuất khẩu vào thị trường châu Âu và ASEAN. Hiện khách hàng đã đặt hàng công ty đến đầu năm sau nên công ty rất cẩn trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để không ảnh hưởng đến sản xuất. Công ty có 4 nhà xưởng ở Đồng Nai đang hoạt động với 1,4 ngàn lao động nên việc không để xảy ra dịch bệnh Covid-19 là rất quan trọng, nhằm đảm bảo sản xuất và việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động”.

Các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện rất nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt khi vào công ty làm việc, giữ khoảng cách phù hợp giữa các khâu, thường xuyên phun xịt khử khuẩn trong công ty. Đặc biệt, các DN yêu cầu người lao động ít đi lại, không tụ tập đông người và hạn chế đi qua các huyện, thị, thành khác. Những người về, đến từ vùng dịch đều được công ty khuyến cáo khai báo y tế, cách ly tại nhà, theo dõi và xét nghiệm nếu không nhiễm bệnh mới đến công ty làm việc.

* Tìm cách “vượt bão”

Nhiều DN ví von, thời điểm này chẳng khác nào đang trong cơn bão lớn và phải tìm mọi cách để vượt qua. Dù đơn hàng các DN nhận được nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng hàng loạt khó khăn vẫn đang chực chờ. Đó là giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao vì nguyên liệu đầu vào tăng
30-80%, công vận chuyển hàng hóa tăng 20-30%, lương cho người lao động tăng khoảng 10%. Trong khi sản phẩm làm ra giá bán có khi giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, không ít DN đối mặt với việc thua lỗ với những đơn hàng ký dài hạn.

Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sản xuất thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: H.GIANG
Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sản xuất thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: H.GIANG

Ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Bình Minh thực hiện chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn với sản phẩm gà lông màu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhập khẩu, công vận chuyển tăng từ 50-80% khiến giá thành gà lông màu bị đẩy lên khoảng 40 ngàn đồng/kg, nhưng giá bán chỉ 26 ngàn đồng/kg. Vì thế, công ty đang chịu lỗ lớn và chưa tìm được cách để vượt qua”.

Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tùy từng ngành, lĩnh vực tuy đầu ra thuận lợi hơn, doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận của DN lại giảm mạnh vì chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ tăng 4-8%. Một số mặt hàng có giá bán vẫn giữ nguyên hoặc giảm.

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) bày tỏ: “Hoàn Mỹ chuyên sản xuất các loại nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc và sản phẩm có trên 95% xuất khẩu sang các nước châu Âu. Nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nên phải mua nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến việc mua nguyên liệu, bán sản phẩm gặp rất nhiều trở ngại, chi phí tăng cao, lợi nhuận của DN giảm đi rất nhiều, cũng có đơn hàng sản xuất chỉ huề vốn. Hoàn Mỹ đang cố gắng duy trì sản xuất, xuất khẩu vượt qua đợt khó khăn này”.

Cũng theo bà Liên, khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi, DN vượt qua được sóng gió sẽ có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sản xuất thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản
Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) thực hiện tốt các công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sản xuất thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: H.GIANG

Trong hơn 1 năm xảy ra đại dịch Covid-19, DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đều gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều DN phục hồi sản xuất nhanh do kịp thời điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, tăng sản lượng những mặt hàng trong nước, nước ngoài đang cần và giảm bớt những mặt hàng có nhu cầu ít. Trên tổng thể thì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường nội địa và nước ngoài đều giảm do dịch bệnh Covid-19, người tiêu thụ thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh.

Mặc dù vậy, trong hàng loạt khó khăn vẫn có những cơ hội để DN khai thác, vì có những mặt hàng nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Những DN kịp thời nắm bắt được yêu cầu của thị trường, tham gia vào các chuỗi toàn cầu vẫn có cơ hội ổn định và mở rộng sản xuất. Ở Đồng Nai, nhiều DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ... đã tìm đối tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Có những DN còn dự tính xây dựng thêm nhà máy, tăng công suất để đáp ứng đơn hàng lớn đến từ nhiều thị trường trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc...

                Hương Giang

Tin xem nhiều