Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải chủ động nguồn nguyên, vật liệu

04:06, 30/06/2021

Là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nên dễ bị tác động bất lợi khi thị trường thế giới có những thay đổi.

Là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, do đó dễ chịu tác động bất lợi khi thị trường thế giới có những thay đổi.

Cục Quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng cung ứng trên địa bàn tỉnh
Cục Quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng cung ứng trên địa bàn tỉnh

Tự chủ nguyên, vật liệu, chủ động nguồn cung ứng hàng hóa và các yếu tố khác là cơ sở để nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp (DN) phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, lâu dài.

* Bài toán về nguồn nguyên liệu

Theo các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều DN, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng cao. Trên thị trường thép giao dịch ở Trung Quốc và Ấn Độ, giá thép luôn “nhảy múa chóng mặt”.

Theo đó, nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá thép toàn cầu. Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá thép tăng mạnh.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, qua công tác kiểm tra, rà soát, nắm tình hình địa bàn đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng thép xây dựng thì việc kinh doanh tại các cơ sở diễn ra bình thường. Không có tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ hàng hóa, găm hàng để tăng giá hàng hóa. Các DN tuy gặp không ít khó khăn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động đúng quy định và có những chính sách chia sẻ với khách hàng.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, cần nhiều thép cho xây dựng, chế tạo, nhất là trong giai đoạn mà cả nước đang đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy hàng loạt dự án hạ tầng lớn, việc thiếu hụt vật liệu xây dựng một phần do giá cả tăng cao đã khiến cho một số công trình bị chậm tiến độ.

Trước tình hình trên, trong văn bản gửi các bộ, ngành trung ương và UBND các địa phương chỉ đạo về công tác điều hành giá ngày 8-5-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước. Bộ Công thương nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Đối với nguyên, phụ liệu cho ngành chăn nuôi, theo GS-TS Chế Minh Tùng, Trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học Nông lâm TP.HCM, ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương. Đó là vì không có chỗ dựa vững chắc, chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa tự chủ được về con giống, nguyên liệu thức ăn. Đây là những yếu tố cấu thành nên từ 70-80% giá thành của chăn nuôi. Quy mô ngành chăn nuôi, nhất là những loài thiết yếu như: heo, gà còn mang tính nhỏ lẻ đối với hộ nông dân, khi có biến động sẽ gặp bất lợi lớn. Hoặc người dân cũng phần nhiều chăn nuôi gia công cho các DN lớn của nước ngoài nên giá trị thực chất mang lại cho người chăn nuôi không cao.

Theo ông Tùng, muốn phát triển theo hướng bền vững, hiện đại thì điều cần thiết đầu tiên là giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi là giống và thức ăn. Nhà nước cần có chính sách tự chủ trong nguồn giống, xây dựng vùng nguyên liệu chăn nuôi; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nội đầu tư mạnh vào chăn nuôi.

* Nỗ lực bình ổn thị trường

Từ sự căng thẳng trong việc cung ứng thép do giá cả biến động liên tục trên thị trường, việc hỗ trợ người tiêu thụ là giải pháp mà chi nhánh Đồng Nai của Công ty TNHH Sắt thép Nguyễn Minh ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đang áp dụng.

Để gỡ khó giai đoạn này, DN đã triển khai gói chính sách giảm 3% trên các mặt hàng, nhằm vừa bán ra được hàng, vừa hỗ trợ cho nhà thầu, người dân đang có nhu cầu xây dựng.

Đối với cơ quan quản lý, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai đã kiểm tra thực tế tại các DN cung ứng hàng hóa trên thị trường khi giá nguyên vật liệu cho nền kinh tế tăng cao. Tại các nơi đoàn đến kiểm tra, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra giá bán và tuyên truyền đến DN việc thực hiện nghiêm niêm yết giá, không được găm hàng, đầu cơ trong tình hình giá thép diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đoàn cũng đã kết hợp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về kinh doanh đối với mặt hàng thép xây dựng, đảm bảo cân đối cung - cầu để bình ổn thị trường; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và theo dõi nhập, xuất bán hàng hóa không đầu cơ, găm hàng gây khan hiếm hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tương tự, đối với các mặt hàng khác, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay, ngành đang theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Nhờ đó, hiện tại dù dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, căng thẳng nhưng các mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn ổn định.   

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích