Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân

04:07, 19/07/2021

Để giảm thiểu các vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc xử lý nghiêm các vi phạm, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của mỗi người dân được xem là rất quan trọng.

Để giảm thiểu các vi phạm pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngoài việc kiên quyết xử lý các đối tượng cố tình vi phạm, Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật nói chung, cũng như các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Lực lượng công an kiểm tra kỹ thông tin những người đủ điều kiện qua chốt kiểm soát dịch ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa)
Lực lượng công an kiểm tra kỹ thông tin những người đủ điều kiện qua chốt kiểm soát dịch ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.VINH

* Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân

Theo công an các đơn vị, địa phương, vi phạm pháp luật của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ nhiều tình huống khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các vụ vi phạm pháp luật là do nhận thức còn hạn chế, không nắm được các quy định của pháp luật đối với các vấn đề liên quan.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, qua công tác điều tra, xử lý cho thấy các vụ vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương như: chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ; đăng tải thông tin sai sự thật… chủ yếu ở mức xử lý vi phạm hành chính. Phần lớn trong đó là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

Trước thực tế đó, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, tránh xảy ra các vụ vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, thượng tá Lê Phước Đại, Trưởng Công an H.Long Thành cho biết, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Công an huyện đã xây dựng các trang thông tin để tạo kết nối với người dân; phối hợp với các ban, ngành in phát tờ rơi đến tay mỗi người dân. Trong đó, lực lượng công an sẽ chú trọng vào việc tuyên truyền hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Tương tự, theo thượng tá Trịnh Anh Dũng, Phó trưởng phụ trách Công an H.Nhơn Trạch, Nhơn Trạch là một trong những địa phương tiếp giáp với TP.HCM nên lực lượng công an đã tăng cường nhiều giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài các biện pháp chốt chặn, kiểm tra, lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền để mỗi người dân cùng nêu cao cảnh giác, nhất là việc chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Công an huyện đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ phải luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác trong việc kiểm soát người ra vào địa phương.

* Tuyên truyền cụ thể các lỗi vi phạm

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, trong công tác tuyên truyền pháp luật, cần chú trọng tuyên truyền cụ thể các lỗi vi phạm cũng như mức xử phạt đối với các vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh, chống người thi hành công vụ.

Theo đó, đối với các hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực về diễn biến bệnh truyền nhiễm; che giấu người đi và đến từ vùng dịch đều là những hành vi cấm, được quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Nếu vi phạm các hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Điều 10 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt từ 1-3 triệu đồng; nếu bị mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Trong trường hợp các hành vi nêu trên thỏa mãn các dấu hiệu hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người được quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với các hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng hoặc có lời nói, hành động đe dọa, lặng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân; xử phạt từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong trường hợp đủ yếu tố thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức; từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân.

Thành Vinh

Tin xem nhiều