Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận tải hàng hóa vào vùng dịch: Cần phương án thống nhất, phù hợp

09:07, 20/07/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa vào các vùng dịch gặp khó khăn...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa vào các vùng dịch gặp khó khăn. Các biện pháp kiểm soát phương tiện tại mỗi tỉnh, thành chưa thống nhất ảnh hưởng không nhỏ đến mạch vận chuyển hàng hóa.

Đồ họa thể hiện thông tin các điều kiện thực hiện đối với phương tiện vận tải khi đến, đi qua địa bàn Đồng Nai (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)
Đồ họa thể hiện thông tin các điều kiện thực hiện đối với phương tiện vận tải khi đến, đi qua địa bàn Đồng Nai (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)

Do đó, cần có phương án phù hợp, tháo gỡ khó khăn để hoạt động này diễn ra thuận lợi, an toàn.

* Vẫn khó lưu thông vào vùng dịch

Thời gian qua, Đồng Nai, TP.HCM và một số địa phương lân cận thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Để đảm bảo phòng dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, việc lưu thông qua các tỉnh, thành dù kiểm soát nghiêm ngặt nhưng cũng được tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp phản ảnh, do phải dừng ở các chốt kiểm soát y tế tại nhiều địa phương khiến hoạt động vận chuyển bị ách tắc, ảnh hưởng nguồn cung cho thị trường khiến giá hàng hóa tăng. Để tổ chức được một chuyến hàng đi vào vùng dịch rồi trở về gặp không ít khó khăn với các doanh nghiệp vận tải.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Đồng Nai là một trong 8 tỉnh, thành tổ chức khu vực chốt kiểm soát trên các quốc lộ thuộc luồng xanh quốc gia gồm: TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Ông Lê Văn Tân, lái xe tải cho biết, trên đường vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Khánh Hòa vào TP.HCM, tài xế bắt buộc phải vào tất cả các chốt dọc quốc lộ 1 để khai báo. Khi ông lưu thông đến địa phận Đồng Nai, ông đã dừng đến 3 chốt kiểm soát giao thông để khai báo y tế. Dù các thủ tục thực hiện kiểm tra y tế, “giấy thông hành” nhanh nhưng do dừng lại nhiều chốt nên kéo dài thời gian chờ đợi.

Ông Tân chia sẻ, theo quy định những xe đi ngang, không dừng đón trả khách và hàng hóa ở tỉnh, chỉ cần ghi biển số, số điện thoại, nơi đi và yêu cầu tài xế ký cam kết rồi chạy tiếp. Những xe đi vào địa bàn tỉnh đang có dịch buộc phải kiểm tra kỹ lưỡng về y tế, lịch trình di chuyển. Tuy nhiên, mỗi chốt thực hiện kiểm tra thủ công, không liên thông giữa các chốt và các địa phương nên phương tiện gặp chốt nào cũng phải dừng lại dẫn đến mất thời gian và gia tăng sự tiếp xúc. “Việc lập chốt kiểm soát y tế là cần thiết nhưng thực hiện cần khoa học hơn để đỡ mất thời gian của tài xế. Đặc biệt, nên khai báo một điểm xuất phát và điểm dừng rồi cập nhật lên hệ thống để các chốt kiểm soát dịch tại các địa phương mà phương tiện đi qua nhận diện và giám sát” - ông Tân nói.

Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, việc cấp giấy nhận diện cho phương tiện lưu thông qua vùng dịch còn bộc lộ nhiều bất cập. Trong văn bản số 3310 ngày 9-7-2021 hướng dẫn đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR) vận chuyển hàng hóa, chuyên gia, công nhân từ Đồng Nai đi, đến và quá cảnh qua địa bàn TP.HCM của Sở GT-VT Đồng Nai ban hành thì hầu hết việc nhận hồ sơ đều do phía TP.HCM tiếp nhận. Hệ quả là nhu cầu nhiều nhưng khả năng tiếp nhận có hạn nên buộc nhiều doanh nghiệp phải chờ đợi.

Cụ thể, đối với các loại xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (thực phẩm tươi sống, rau củ quả…) do Sở Công thương TP.HCM làm đầu mối, lập danh sách tổng hợp theo đề nghị của các doanh nghiệp. Xe ô tô chở hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp do ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND TP.Thủ Đức và các UBND quận, huyện làm đầu mối tổng hợp.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) nhắc tài xế xe chở hàng hóa thực hiện đúng quy định phòng dịch
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) nhắc tài xế xe chở hàng hóa thực hiện đúng quy định phòng dịch. Ảnh:Thanh Hải

Với xe ô tô chở hàng hóa ra vào các cảng ở TP.HCM, từ Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại, do các đơn vị quản lý cảng làm đầu mối. Đối với xe ô tô chở hàng hóa thiết yếu, ô tô chở hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông quá cảnh TP.HCM... sẽ do Sở GT-VT làm đầu mối tổng hợp danh sách.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Đồng Nai là tỉnh phát triển kinh tế mạnh, lĩnh vực vận tải đa dạng, địa phương nên có một đầu mối đứng ra tiếp nhận tất cả các xe vận chuyển hàng hóa đi qua hoặc quá cảnh TP.HCM rồi phối hợp với TP.HCM để cấp giấy nhận diện phương tiện. Bởi nhu cầu của các doanh nghiệp, chủ xe hiện nay rất lớn trong khi phải chờ các sở, ngành ở TP.HCM cấp “giấy thông hành” là rất lâu. Các thủ tục cũng phức tạp, trung bình mỗi doanh nghiệp phải mất từ 3-5 ngày chờ đợi, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, cung ứng hàng hóa.

* Chưa thống nhất giữa các địa phương

Kể từ ngày 19-7, ngoài Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, có thêm 16 tỉnh, thành khu vực phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, lái xe khi qua những địa phương này sẽ không cần xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2; chỉ áp dụng kiểm soát giấy xét nghiệm từ vùng cảnh báo mức độ dịch bệnh cao đến vùng thấp hơn trong thời hạn 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).

Lực lượng chức năng kiểm tra y tế, thông tin đối với lái xe chở hàng hóa tại chốt kiểm soát giao thông khu vực cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa)
Lực lượng chức năng kiểm tra y tế, thông tin đối với lái xe chở hàng hóa tại chốt kiểm soát giao thông khu vực cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa)

Như vậy, ngoài 19 tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 thì lái xe vận chuyển hàng hóa khi lưu thông qua các tỉnh, thành khác vẫn phải bắt buộc có giấy giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài địa phương bố trí các điểm lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch. Có trường hợp lái xe khi đến các chốt kiểm soát dịch thì giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực buộc phải quay lại làm giấy mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ lái xe đồng thời tránh việc xảy ra ùn ứ tại các chốt kiểm dịch, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm ngay trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát giao thông tại khu vực cửa ngõ của các tỉnh, thành có tổ chức kiểm soát phương tiện đi, đến từ vùng dịch.

Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (TP.Biên Hòa) Bùi Ngọc Quang cho rằng, thủ tục để phương tiện được vào hoặc đi qua các địa phương vẫn còn nhiều, kéo dài thời gian vận chuyển nên gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, hàng hóa trên xe đa phần là hàng tươi sống nhưng thời gian di chuyển quá lâu nên đã bị hư hỏng, khách hàng khiếu nại, yêu cầu bồi thường. Điều này đẩy chi phí vận chuyển tăng lên khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn giữa mùa dịch bệnh.

Theo ông Phát, hiện mỗi tỉnh áp dụng cách thức kiểm soát y tế khác nhau đối với đội ngũ lái xe vận tải như về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, cách ly 14 ngày khi đi qua vùng dịch… Mới đây, lái xe chở hàng gia cầm của công ty ông từ Đồng Nai đi tỉnh Long An. Theo quy định, tài xế, phụ xe sẽ khai báo y tế, đậu xe ngoài trung tâm để trung chuyển hàng hóa vào nội ô. Kết thúc công việc, họ phải cách ly 14 ngày do trở về từ vùng dịch. “Nhiều địa phương yêu cầu tài xế, phụ xe sau khi thực hiện vận chuyển hàng hóa đến vùng dịch xong phải cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày, thậm chí 21 ngày. Nếu duy trì quy định này doanh nghiệp sẽ không đủ nhân lực để phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh” - ông Phát nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ GT-VT đã quyết định thành lập 4 tổ kiểm tra thực hiện luồng xanh trong hoạt động vận tải gắn với phòng dịch Covid-19 tại các địa phương. Theo đó, các tổ kiểm tra được giao các nhiệm vụ khảo sát các hoạt động vận tải thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương; kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống Covid-19 tại các doanh nghiệp vận tải, các đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa.

Thanh Hải

Tin xem nhiều