Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng kế hoạch đầu ra cho nông sản mùa dịch

11:07, 14/07/2021

Dịch Covid-19 khiến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, ứ hàng

Dịch Covid-19 khiến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, ứ hàng cục bộ. Sở NN-PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch hoặc sắp vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn.

Nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả… được các siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa tăng cường trong những ngày qua. Trong ảnh: Người dân chọn mua các sản phẩm thịt Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả… được các siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa tăng cường trong những ngày qua. Trong ảnh: Người dân chọn mua các sản phẩm thịt Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

[links()]Nhiều giải pháp được đồng bộ triển khai như: đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội địa, nỗ lực tham gia thị trường xuất khẩu. Trong đó, tăng cường sản lượng nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử được cho là giải pháp hữu hiệu để mở rộng kênh tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.

* Dự báo tốt về nguồn cung

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 239 ngàn tấn, tăng gần 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thịt heo đạt gần 167,7 ngàn tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 69,9 ngàn tấn, tăng 7,87%; thịt trâu, bò đạt trên 1,9 ngàn tấn, tăng 2,2%; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 36 ngàn tấn. Về trồng trọt, trong 2 tháng tới, có 4 loại nông sản đang vào vụ thu hoạch hoặc sắp vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn ước khoảng 367 ngàn tấn, gồm: bưởi, chôm chôm, chuối già Nam Mỹ, thanh long.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, hiện Sở đang tập trung theo dõi, cập nhật sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch; sản lượng gia súc, gia cầm giết mổ để phối hợp với các địa phương tiêu thụ hết sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Sở cũng rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết.

Ngoài ra, đơn vị còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.

Việc dự báo, tổ chức sản xuất trên cây trồng cũng được đặc biệt quan tâm. Cụ thể như trong sản xuất, các địa phương bám sát tình hình thời tiết, diễn biến các loại sinh vật gây hại để hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong chăn nuôi, công tác kiểm dịch động vật, thực hiện tốt việc tổ chức tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Tiếp tục nâng cao công tác quản lý dịch bệnh và kiểm soát giết mổ chế biến, đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lĩnh vực thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng theo dõi các HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ nuôi trồng thủy sản nhằm nắm bắt tình hình sản xuất để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi một cách phù hợp nhằm giảm giá thành nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Xây dựng kịch bản ứng phó

Để thực hiện mục tiêu hỗ trợ nông dân tiêu thụ được số nông sản đang vào mùa thu hoạch ngay trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Sở NN-PTNT đã chủ động nhiều kịch bản tiêu thụ nông sản cho nông dân và người chăn nuôi. Đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương trong việc kết nối các kênh tiêu thụ nông sản.

Cụ thể, phối hợp để cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân, HTX, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Tổ chức chương trình mua sắm trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại tham gia như: Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng Việt trực tuyến; livestream bán hàng trực tuyến… Kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp tham gia kinh doanh nông sản trên sàn thương mại điện tử như: sendo.vn, voso.vn, Sàn OCOP, Postmart… Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến và dự trữ nông sản tăng lên khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hiệp hội, HTX cũng chủ động tìm các giải pháp tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) chia sẻ, trước tình hình tiêu thụ của thị trường TP.HCM giảm mạnh do hàng loạt chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, HTX kết nối, đưa hàng đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc. Một thuận lợi là vụ trái cây hè năm nay, nhiều vùng sản xuất thu hoạch rải vụ chứ không thu hoạch đồng loạt như mọi năm nên giá nhiều mặt hàng trái cây tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chưa xuất hiện tình trạng ứ hàng, rớt giá.

Lê Quyên - Hoàng Hải

 

 

Tin xem nhiều