"Ăn tại chỗ, ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ" - gọi tắt là "3 tại chỗ" - là phương án để bảo vệ chuỗi sản xuất, bảo vệ đời sống công nhân, bảo vệ hoạt động doanh nghiệp (DN) giữa đại dịch Covid-19 mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện.
Trên thực tế, việc chuyển từ quy trình sản xuất bình thường sang “3 tại chỗ” để đáp ứng nhu cầu phòng dịch cấp bách mà vẫn giữ được nhịp sản xuất là rất khó. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, nhiều DN đã thất bại, xuất hiện ca nhiễm, ổ dịch ngay trong công xưởng nên buộc phải tạm dừng sản xuất. Song cũng có rất nhiều DN đã thực hiện thành công phương án “3 tại chỗ” và vẫn đang nỗ lực sản xuất, nỗ lực cung ứng sản phẩm ra thị trường, đảm bảo đời sống người lao động.
Có thể nói, mấu chốt thành công của phương án “3 tại chỗ” nằm ở khâu lưu trú cho người lao động. Với những DN có sẵn khu ký túc xá, khu nhà ở công nhân trong khuôn viên sản xuất thì việc thực hiện phương án này dễ dàng hơn so với các DN lâu nay chỉ thuần túy sản xuất, không bố trí được chỗ ở cho công nhân. Thực tế cho thấy, nhiều DN tại Đồng Nai do sớm nhận ra tầm quan trọng của việc giữ chân người lao động, sớm xây dựng các khu nhà ở công nhân đạt chuẩn trong khuôn viên hoặc lân cận nhà máy nên ở bối cảnh đại dịch này, hầu hết đều duy trì được sản xuất và “chuyển mình” thích nghi với đại dịch một cách thuận lợi hơn. Trong khi đó, nhiều DN khác do không thể bố trí cho công nhân lưu trú tại nơi làm việc hoặc cố gắng bố trí nhưng điều kiện sinh hoạt không tốt, tạm bợ… nên khó duy trì.
Vậy nên, những khó khăn, bất cập trong sản xuất thời đại dịch Covid-19 cũng chính là dịp để nhìn nhận lại vấn đề lưu trú của công nhân một cách lâu dài hơn, chứ không chỉ là những khi cần kíp. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách (cả khuyến khích lẫn quy định) để DN khi thực hiện dự án quan tâm xây dựng nơi ở cho công nhân. Song thực tế, vì nhiều lý do (quỹ đất thiếu, thủ tục phức tạp, nguồn lực DN có hạn…) nên thực tế có rất ít DN cả trong lẫn ngoài khu công nghiệp đáp ứng được nhu cầu lưu trú của công nhân.
Dịch Covid-19 cũng là dịp mà DN lẫn chính quyền các địa phương nên quan tâm thực hiện “3 tại chỗ” một cách căn cơ, lâu dài. Ở đây, “3 tại chỗ” lâu dài, bền vững nghĩa là người lao động được quan tâm nơi ăn, chốn ở, kèm với các dịch vụ thiết yếu khác (giáo dục, y tế, giải trí) một cách bài bản, đạt chuẩn. Đề cao việc hỗ trợ đời sống ổn định cho người lao động bên cạnh hoạt động sản xuất mới là cách để giữ chân người lao động, đảm bảo sản xuất vận hành liên tục, thông suốt. Và một khi người lao động đã tự nguyện chọn thực hiện “3 tại chỗ” lâu dài, chọn gắn bó với DN thì dù tình huống cấp bách có xảy ra, khả năng duy trì sản xuất cũng dễ dàng hơn nhiều vì người lao động đã chọn gắn bó, chọn “an cư” cùng DN.