Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực lớn nơi tuyến đầu chống dịch

08:08, 12/08/2021

Gần 2 tháng qua, nhiều nhân viên y tế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Đồng Nai đã không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có những người chưa được gặp người thân vì đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu...

Gần 2 tháng qua, nhiều nhân viên y tế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có những người chưa được gặp người thân vì đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu.

BS Trịnh Đức Duy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai tiếp cận một hộ dân ở P.Long Bình, TP.Biên Hòa để điều tra, truy vết sau khi một người trong gia đình này xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2
BS Trịnh Đức Duy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai tiếp cận một hộ dân ở P.Long Bình, TP.Biên Hòa để điều tra, truy vết sau khi một người trong gia đình này xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: HẠNH DUNG

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm cao, nhanh khiến công tác điều tra, truy vết vốn đã áp lực càng áp lực hơn gấp nhiều lần. Nhiều nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ bị lây nhiễm chéo dù được trang bị đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho thấy sự khốc liệt trong cuộc chiến với “kẻ thù giấu mặt” nguy hiểm này.

* “Cuộc chiến” không cân sức

BS Trần Hữu Hoàn, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bất kể là ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngày thường hay ngày nghỉ, hễ có lệnh điều động của lãnh đạo, anh và đồng đội đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Có những ngày, BS Hoàn và đồng nghiệp phải làm việc xuyên đêm ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) để điều tra, truy vết, xét nghiệm F0, F1 tại các khu nhà trọ công nhân.

Giám đốc Sở Y tế PHAN HUY ANH VŨ cho biết, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận gần 80 nhân viên y tế tại 6 bệnh viện và rải rác ở nhiều cơ sở y tế trong tỉnh, một số cán bộ tại UBND xã, phường, dân quân phục vụ tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến và một số sinh viên tình nguyện bị nhiễm Covid-19. Trong số đó, có nhiều nhân viên y tế dù đã được bảo hộ đầy đủ nhưng vẫn bị lây nhiễm bệnh.

Cách đây khoảng 10 ngày, BS Hoàn cùng 4 đồng nghiệp được thông báo trở thành F1 vì trước đó đã tiếp xúc với ca F0 là Trưởng trạm Y tế P.Hố Nai (TP.Biên Hòa). Mặc dù trong quá trình làm việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn P.Hố Nai, BS Hoàn và các đồng nghiệp giữ khoảng cách, đeo khẩu trang nhưng theo quy định vẫn phải cách ly y tế. Đến nay, sau 2 lần xét nghiệm, BS Hoàn đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Là người trực tiếp điều tra, truy vết từ những ca F0, những trường hợp F1 đầu tiên trong tỉnh cho đến nay, BS Trịnh Đức Duy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đồng Nai chia sẻ, so với 3 đợt dịch trước, công tác điều tra, truy vết ở đợt dịch lần thứ 4 khác rất nhiều. Khối lượng công việc tăng gấp bội lần, nhân viên y tế làm việc không ngừng nghỉ, rất vất vả.

Theo BS Duy, thời gian đầu, công tác điều tra, truy vết chỉ tập trung vào các ổ dịch để đưa các ca F0 đi cách ly, điều trị, đưa F1 đi cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà. Càng về sau, số ca bệnh tăng càng nhanh nên công tác điều tra, truy vết ngày càng vất vả.

Chiến lược đề ra lúc này nhằm 3 mục đích là: tìm kiếm và truy vết ổ dịch; lấy xét nghiệm để gỡ khu phong tỏa và thiết lập vùng xanh. Do có đến 3 mục đích cần thực hiện nên yêu cầu hậu cần đi theo khá lớn. Mỗi buổi đi điều tra, truy vết, các đội phải đi bằng xe ô tô lớn để chở theo được nhiều đồ dùng, vật dụng cần thiết. “Ở 3 đợt dịch trước, các ổ dịch thường rất nhỏ, chỉ từ một đến vài ca, nhưng ở đợt này có những ổ dịch rất lớn. Có những khu nhà trọ có đến 50-100 ca bệnh được phát hiện cùng lúc gây rất nhiều khó khăn cho nhân viên y tế. Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 5 giờ và về nhà lúc 23-24 giờ, có những ngày làm xuyên đêm vì khối lượng công việc rất lớn” - BS Duy nói.

* Thiếu nhân lực trầm trọng

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết, cả 30 phường, xã của thành phố đều đã có ca nhiễm Covid-19. Những ngày gần đây, các ca bệnh chủ yếu được phát hiện ở các khu cách ly y tế, phong tỏa. Nguồn lây chủ yếu là từ các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” khi có ca dương tính đã để người lao động tự ý về nhà trọ, gây lây lan dịch trong khu nhà trọ; nguồn lây từ lực lượng cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, lây từ một số khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa

TP.Biên Hòa đang tập trung huy động 8 đầu mối để truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, mua 70 ngàn kít test nhanh để cấp cho các phường, xã để test cho nhân dân. Trong đó, P.Long Bình hiện là địa bàn khiến lãnh đạo thành phố lo lắng nhất. Phường này hiện có 76 ngàn công nhân lao động nhập cư đang ở trọ tại các khu nhà trọ/tổng số 137 ngàn dân toàn phường. Đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố mới test nhanh SARS-CoV-2 được cho hơn 36,5 ngàn công nhân lao động, còn một số lượng rất lớn người lao động trong các khu nhà trọ chưa được test sàng lọc, tầm soát.

Với tổng số 92 cơ sở cách ly tập trung, điều trị F0 không triệu chứng, bệnh nhẹ, lực lượng y tế và các lực lượng tuyến đầu của thành phố bị dàn rất mỏng. Chính vì thế, không đủ nhân lực để có thể điều tra, truy vết nhanh, bóc tách F0 trong cộng đồng.

Lực lượng tuyến đầu của TP.Biên Hòa đã thiếu hụt nghiêm trọng lại gặp phải khó khăn là đến nay đã có 48 nhân viên y tế, lực lượng tham gia chống dịch bị nhiễm bệnh và 383 trường hợp là F1 phải cách ly tập trung. Có những phường, cả trưởng trạm y tế và 8 nhân viên y tế của trạm đều bị nhiễm bệnh.

BS Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa bộc bạch, không chỉ làm nhiệm vụ điều tra, truy vết, nhân viên y tế còn phải làm rất nhiều nhiệm vụ khác trong công tác phòng, chống dịch. Do vậy, có những thời điểm, có những nơi, công tác điều tra, truy vết chậm dẫn đến việc bóc tách các ca F0 trong cộng đồng chậm. “Chúng tôi làm việc với tinh thần chạy đua với thời gian, chạy đua với tốc độ lây lan của virus. Tuy nhiên, các biến chủng của virus ngày càng nguy hiểm, lây nhiễm với tốc độ ngày càng nhanh trong khi sức người thì có hạn” - BS Trung tâm sự.

Kiểm soát người vào địa bàn H.Vĩnh Cửu tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: AN YÊN
Kiểm soát người vào địa bàn H.Vĩnh Cửu tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: AN YÊN

Thiếu hụt nhân lực trầm trọng cũng đang là mối lo lớn đối với H.Vĩnh Cửu. BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu cho hay, trên địa bàn huyện có xã Thạnh Phú tập trung rất nhiều công nhân lao động ở trọ trong các khu nhà trọ chật hẹp. Vì không có đủ nhân lực để điều tra, truy vết, lấy mẫu, cộng với đó là năng lực xét nghiệm PCR còn hạn chế khiến việc trả kết quả chậm trễ khiến vòng xoáy luẩn quẩn chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, nhân viên y tế đi điều tra, truy vết, lấy mẫu nhưng chậm có kết quả xét nghiệm, đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định ca dương tính thì ca này đã lây cho những người khác trong khu nhà trọ.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thừa nhận, công tác xét nghiệm khẳng định PCR hiện chưa đáp ứng được với tốc độ lây lan của dịch bệnh, gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện ca bệnh sớm, bóc tách F0 trong cộng đồng và cách ly F1, F2. Do đó, ngoài 4 phòng xét nghiệm đang thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 là CDC Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, tỉnh đang chuẩn bị triển khai thêm 3 phòng xét nghiệm sàng lọc và khẳng định virus SARS-CoV-2 khác là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Mục tiêu nhằm nâng công suất xét nghiệm lên 8,2 ngàn mẫu đơn, tương đương với 82 ngàn mẫu gộp 10/ngày.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng đã hợp đồng với Viện Pasteur TP.HCM và Công ty Việt Á về việc gửi mẫu xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để tăng tốc độ trả kết quả xét nghiệm.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều