Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp để nông dân không bỏ ruộng

11:08, 06/08/2021

Thực tế hiện nay, nông dân trồng lúa đang bỏ ruộng đi làm ở các khu công nghiệp vì dù có làm 3 vụ lúa/năm thu nhập vẫn thấp...

Thực tế hiện nay, nông dân trồng lúa đang bỏ ruộng đi làm ở các khu công nghiệp vì dù có làm 3 vụ lúa/năm thu nhập vẫn thấp. Vụ hè - thu năm nay, nông dân trồng lúa càng khốn khó vì giá lúa giảm mạnh mà vẫn khó tìm thương lái thu mua. Trong khi đó, giữ đất lúa có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Nông dân trồng mì cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch khảm lá. Trong ảnh: Mô hình trồng mì sạch bệnh tại xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên
Nông dân trồng mì cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch khảm lá. Trong ảnh: Mô hình trồng mì sạch bệnh tại xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên

Trước cơn khủng hoảng về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các mặt hàng nông sản nói chung, cây lúa nói riêng, hơn bao giờ hết, sự hỗ trợ của doanh nghiệp và việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lại bức thiết như hiện nay.

* Bài toán giảm chi phí đầu vào

Trước khó khăn giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nông dân càng quan tâm đến bài toán giảm chi phí đầu vào bằng các giải pháp các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa như "3 giảm, 3 tăng”, "1 phải, 5 giảm”, chương trình IPM… nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất, chi phí vật tư đầu vào.

Cụ thể, phương pháp “3 giảm, 3 tăng” là giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả. “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến chi phí giá thành sản xuất bị đội lên đáng kể. Để phát triển bền vững sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm chi phí trong sản xuất, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho biết, từ nhiều năm nay, xã viên của HTX chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, hầu như tự sản xuất được nguồn phân bón bằng việc sử dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: rơm, thân bắp kết hợp với phân chuồng trong chăn nuôi, tự làm thuốc vi sinh trong phòng trừ sâu bệnh. Theo đó, giá vật tư nông nghiệp có tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất lúa, bắp của nông dân. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cũng góp phần giảm chi phí công lao động vốn là bài toán khó hiện nay.

* Cần chuỗi liên kết

Trước bài toán khó về đầu ra nông sản của nông dân, ông Trần Quang cho biết thêm, nhờ đầu tư cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết, có nhà máy sấy, kho trữ hàng, sản phẩm lại có doanh nghiệp bao tiêu nên ngay cả khi thị trường lúa gạo gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay, HTX vẫn đảm bảo đầu ra cho cây lúa. Ngoài ra, vài năm trở lại đây, các thành viên trong HTX đều chuyển hướng trồng các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25 đang được thị trường ưa chuộng nên cung không đủ cầu, lợi nhuận thu được cũng tốt hơn. “Khoảng 2 tuần nữa, cánh đồng lúa của HTX sẽ cho thu hoạch, trước khó khăn hiện nay là thiếu đội ngũ nhân công thu hoạch, sấy lúa, HTX đang xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo thu mua kịp thời lúa cho nông dân” - ông Quang nói.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), doanh nghiệp đang đầu tư dự án liên kết sản xuất lúa sạch trên địa bàn tỉnh cho biết, doanh nghiệp đang quyết liệt triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT làm các mô hình thí điểm tổ chức liên kết rộng hơn theo chuỗi sinh thái từ quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất đến đầu ra với sự tính toán đồng bộ từ nhiều khâu sao cho chi phí giá thành rẻ, hợp lý hóa, giảm chi phí để hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mục tiêu thực hiện chuyển đổi sang hình thái sản xuất mới không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, thay đổi vị thế của người nông dân. Doanh nghiệp liên kết với nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng cường rải vụ, kéo dài hơn thời gian thu hoạch, tổ chức lực lượng phối hợp dịch vụ cho bài bản hơn nhằm giải quyết những bất cập trong sản xuất, đảm bảo sự nhịp nhàng, tối đa hóa nguồn lực, giảm áp lực dịch vụ vận tải, nhân công, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.              

Tại hội nghị trực tuyến về sản xuất vụ hè - thu 2021 diễn ra vào tháng 7-2021, Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN yêu cầu các địa phương phải tính đến giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp ở phía Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long để người dân không bỏ ruộng đi làm ở các khu công nghiệp vì dù có làm 3 vụ lúa/năm thu nhập vẫn thấp. Trong bối cảnh giá phân, giá thuốc tăng chóng mặt như vừa qua, nền nông nghiệp phải quy hoạch lại, tự chủ được khâu đầu vào từ giống, phân, thuốc... để không còn quá lệ thuộc vào nhập khẩu.

  Lê Quyên

 

Tin xem nhiều