Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần siết chặt quản lý thị trường thuốc trong đại dịch

03:08, 03/08/2021

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều người ngại đến bệnh viện và thường tìm đến các nhà thuốc để mua thuốc tự điều trị khi bị bệnh hoặc mua để dự trữ, dẫn đến tình trạng nhiều loại thuốc, vật tư y tế phòng dịch "sốt hàng", tăng giá.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều người ngại đến bệnh viện và thường tìm đến các nhà thuốc để mua thuốc tự điều trị khi bị bệnh hoặc mua để dự trữ. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều loại thuốc, vật tư y tế phòng dịch “sốt hàng”, khan hiếm và tăng giá.

Người dân đến mua thuốc tại một nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
Người dân đến mua thuốc tại một nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

[links()] Thêm vào đó, tâm lý lo lắng bởi dịch bệnh, không ít nhà thuốc nhỏ, lẻ đã tự đóng cửa, khiến việc mua thuốc của người dân trong khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, cách ly y tế gặp khó khăn.

* Thuốc tăng giá, nhiều nhà thuốc đóng cửa

Hằng ngày, ông Đặng Văn Thể (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) phải dùng thuốc điều trị bệnh huyết áp, tim mạch và máu nhiễm mỡ. Trước khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát, cứ 2 tuần/lần ông đến bệnh viện để khám bệnh và lấy thuốc. Từ khi dịch bùng phát, ông không muốn tới bệnh viện nên ông hoặc người nhà phải mang toa thuốc của bác sĩ để tìm mua thuốc cho ông. Tuần gần đây, việc mua thuốc rất khó khăn, phải đi nhiều nhà thuốc mới mua được 1 toa, 6 loại thuốc, giá cũng tăng hơn.

Ông Thể cho biết, nếu trước dịch, toa thuốc của ông mua ở các nhà thuốc chỉ hết khoảng 400 ngàn đồng, thì nay phải mua tới hơn 600 ngàn đồng, dù là loại thuốc cùng chủng loại và chất lượng. Ông Thể nói: “Tôi đi 2 nhà thuốc ở P.Tân Mai chỉ mua được 3 loại, chạy thêm 2 tiệm thuốc khác ở P.Tân Phong mua được thêm 1 loại và đến nhà thuốc thứ 5 ở P.Trung Dũng mới mua đủ toa. Vất vả hơn khi trong 2 giờ chạy qua 3 phường, tôi đã bị lực lượng tuần tra, kiểm soát phòng dịch “tuýt” lại 4 lần để kiểm tra lý do ra đường trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội”.

Đợt bùng phát dịch lần này, tuy khẩu trang, nước sát khuẩn tay không tăng giá nhiều, nhưng những loại thuốc thiết yếu và thông thường như: hạ sốt, tiêu hóa, các loại kháng viêm, thuốc dị ứng, những loại vitamin và khoáng chất... đã bị đẩy giá tăng hơn 50%, có loại tăng đến 300%.

Nhiều loại thảo dược được quảng cáo như “thần dược” trong hỗ trợ điều trị Covid-19 làm cho người dân hiểu nhầm đây là những loại thuốc có thể điều trị được Covid-19
Nhiều loại thảo dược được quảng cáo như “thần dược” trong hỗ trợ điều trị Covid-19 làm cho người dân hiểu nhầm đây là những loại thuốc có thể điều trị được Covid-19

Lo ngại thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nên ngay từ khi rục rịch có thông tin toàn tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 15-8, chị Trần Thị Mai Liên (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đã ra nhà thuốc mua một số loại thuốc để dự trữ như: hạ sốt, vitamin C, thuốc tiêu hóa, dị ứng và bông băng…, nhưng chỉ mua được một số loại vì các nhà thuốc đã “cháy hàng”. 

Chị Liên cho hay, trước đây chị mua thuốc Efferalgan giảm sốt dạng viên sủi chỉ 4 ngàn đồng/viên, nhưng nay loại này rất hiếm, năn nỉ mãi một nhà thuốc quen mới để lại cho nửa vỉ 5 viên với giá 12 ngàn đồng/viên, cùng chủng loại, cùng nhà sản xuất nhưng giá tăng gấp 3 lần. Tương tự, vỉ Paracetamol Extra đỏ thường ngày chỉ 15-18 ngàn đồng/vỉ 12 viên, nhưng giờ chị đã phải mua 25 ngàn đồng/vỉ mà cũng hết hàng. Đặc biệt là thuốc Ibuprofen chuyên về giảm đau, giảm sốt dành cho trẻ em mà chị hay cho con dùng đã tăng giá đến 300%, nhưng cũng chỉ mua được chục viên. Quay sang tìm vài loại thực phẩm chức năng vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C thì nhà thuốc cho hay đã “cháy hàng” ngay trong những ngày đầu đợt dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa, không chỉ có những loại thuốc kháng sinh, kháng viêm tăng giá mà hầu hết các loại thuốc chữa bệnh như: tiểu đường, huyết áp, tim mạch, cơ xương khớp... đều tăng giá và rất khó mua. Ngay cả những loại dung dịch sát khuẩn phòng dịch như: thuốc nhỏ mũi, nước súc họng, nước muối..., lượng hàng tại những nhà thuốc không nhiều và giá cũng tăng khoảng 30-50% so với trước.

Một nhà thuốc lâu năm trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) đóng cửa, nghỉ bán
Một nhà thuốc lâu năm trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) đóng cửa, nghỉ bán

Chủ một nhà thuốc trên đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) giải thích, đợt dịch nhà thuốc không cung cấp được đủ các loại thuốc theo nhu cầu cho người dân, trước hết là tình trạng khan hiếm do nhiều quốc gia sản xuất có dịch Covid-19 nên hạn chế xuất, nhập khẩu, rồi người dân mua dự trữ nhiều dẫn đến khan hiếm. Còn tăng giá thì nhà thuốc tăng thụ động khi giá sỉ tăng, kéo theo giá bán lẻ tăng.

Hiện nay, nhiều người dân còn vất vả hơn khi mua thuốc vì nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa đã đóng cửa, nghỉ bán vì lo ngại lây nhiễm dịch bệnh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện đa số các nhà thuốc của hệ thống Pharmacity, Long Châu, Sơn Minh còn mở cửa; rất nhiều nhà thuốc, tiệm thuốc nhỏ, lẻ ở các khu dân cư đã đóng cửa, nhất là các nhà thuốc, tiệm thuốc khu vực trong vùng phong tỏa, cách ly y tế.

Bà Trần Thu Trang (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, từ hôm phần lớn các khu phố của phường bị phong tỏa, nhiều nhà thuốc, tiệm thuốc trong khu vực đóng cửa. Mẹ của bà đã hơn 80 tuổi thường xuyên phải uống nhiều loại thuốc về huyết áp, tim mạch và cơ xương khớp nên khi các nhà thuốc không bán, không chỉ gia đình bà mà nhiều người khác cũng gặp khó khăn khi muốn mua thuốc điều trị bệnh. Bà Trang phải chụp lại toa thuốc và gửi ra ngoài nhờ người thân mua giúp.

Chủ một nhà thuốc ở TP.Biên Hòa cho biết, khả năng các nhà thuốc tạm đóng cửa bởi lo ngại nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình tiếp xúc với người mua. Hơn nữa, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường, nhà thuốc mở cửa nhưng lượng bán không nhiều nên nghỉ bán để giữ an toàn cho bản thân và gia đình.

Đua nhau mua thuốc theo quảng cáo…

Những ngày qua, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nhiều địa phương tăng cao bởi biến chủng Delta nguy hiểm, nhiều người dân đã đổ xô đi mua một số loại thuốc cổ truyền đang được quảng cáo là có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nhiễm Covid-19, nhất là sau khi Bộ Y tế có công văn số 5944/BYT-YDCT ngày 24-7 công bố và bổ sung 12 sản phẩm, trong đó có: Xuyên Tâm Liên, Viên nang Kovir… vào phác đồ hỗ trợ điều trị và phòng ngừa Covid-19. Về công văn số 5944/BYT-YDCT, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế đã có văn bản thu hồi công văn này ngay sau khi mới ban hành.

Đánh vào tâm lý lo sợ bị nhiễm Covid-19 cũng như hy vọng cải thiện tình trạng nguy cấp cho người nhiễm bệnh trong dân, nhiều công ty kinh doanh thuốc Đông dược quảng cáo rầm rộ về công dụng của 12 loại thuốc thảo dược này với những lời lẽ “có cánh”. Trong đó, 2 loại thuốc Xuyên tâm liên và Kovir đang rất “hot” trên thị trường, đặc biệt, hộp thuốc Kovir với dòng chữ “Kovir là không virus” được quảng cáo như “thần dược” trong điều trị F0 và ngăn ngừa lây nhiễm rất hiệu quả với F1. Mặc dù chỉ 2 ngày sau khi công bố, Bộ Y tế đã rút lại công văn trên nhưng người mua đã đổ xô đi săn lùng những sản phẩm này, đặc biệt là viên nang Kovir.

Những loại thuốc và thực phẩm chức năng trở nên khan hiếm. Trong ảnh: Ống Vitamin C sủi “cháy hàng” ngay từ đầu đợt dịch, người dân tìm mua khó khăn
Những loại thuốc và thực phẩm chức năng trở nên khan hiếm. Trong ảnh: Ống Vitamin C sủi “cháy hàng” ngay từ đầu đợt dịch, người dân tìm mua khó khăn

Ông Trần Nam Thành (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), có người thân ở TP.HCM là F0 không triệu chứng nên được cách ly tại nhà. Nghe giới thiệu một số loại thuốc y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ điều trị cho những người đã bị nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ, loại thuốc này còn phòng ngừa Covid-19 hiệu quả đối với người có nguy cơ cao, ông đã lên mạng tìm mua và đặt ship 3 hộp Kovir viên nang với giá 300 ngàn đồng/hộp 45 viên về Q.Tân Phú (TP.HCM) cho người thân. 3 ngày sau, ông muốn mua thêm để dự trữ trong nhà, nhưng giá đã tăng chóng mặt tới 800 ngàn đồng/hộp, có nơi còn bán tới 1 triệu đồng/hộp. Hiện gần như không còn mua được thuốc vì quá khan hiếm. Trong khi trước đó, loại thuốc này chỉ bán với giá 120 ngàn đồng/hộp.

Thực hư công dụng của 12 loại thuốc thảo dược này trong hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa Covid-19 thế nào thì chưa biết, nhưng trước mắt đã tạo ra “cơn sốt” trên thị trường thuốc trong thời điểm dịch bệnh. Theo BS CKI Phùng Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai, thảo dược Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi sinh nhật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), chống viêm... hay Kovir được bào chế từ các thảo dược như: sài hồ, phục linh, đảng sâm, tiền hồ, bạc hà... có tác dụng tăng cường sức đề kháng..., nhưng còn giá trị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hay không thì chưa nghe Bộ Y tế công bố chính thức các nghiên cứu này. Vì thế, BS Thanh khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ công dụng của mỗi loại thuốc để sử dụng cho đúng. Không nên tin theo lời đồn đại trên mạng kẻo tiền mất tật mang.


Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ:

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế… phục vụ người dân

Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người dân trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc có kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết...). Sở nghiêm cấm các nhà thuốc lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc lên cao để trục lợi. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban liên quan thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm việc duy trì thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Trần Quang Khải:

“Nếu phát hiện các nhà thuốc bán cao hơn với giá niêm yết, gọi điện cho chúng tôi”

Hiện nay, dù dịch bệnh nhưng các đội quản lý thị trường vẫn tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát các địa bàn được phân công quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng, thu lợi bất chính.

Người dân nếu phát hiện các nhà thuốc nâng giá, bán giá không đúng với giá niêm yết nên báo ngay cho lực lượng chức năng theo đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường (số 0251.3822242) để xử lý.


Phương Liễu

Tin xem nhiều