Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ để vượt qua đại dịch

11:08, 16/08/2021

Vào thời điểm này, nhiều phụ huynh không chỉ lo lắng vì tình hình dịch bệnh Covid-19, mà còn lo cả việc chuẩn bị cho con mình bước vào năm học mới 2021-2022.

[links()]Vào thời điểm này, nhiều phụ huynh không chỉ lo lắng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp mà cả việc chuẩn bị cho con mình bước vào năm học mới 2021-2022. Ban giám hiệu nhiều trường cũng đang lên phương án dạy và học phù hợp trong tình hình mới với phương châm khắc phục khó khăn để hoàn thành năm học.

Phụ huynh mua sách giáo khoa mới tại Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: T.Nam
Phụ huynh mua sách giáo khoa mới tại Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: T.Nam

* Mong đại dịch qua mau

Chị Đinh Thị Như Hương (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có con chuẩn bị bước vào lớp 3 chia sẻ, việc con vừa học vừa đề phòng dịch bệnh khiến cha mẹ phải lo lắng nhiều hơn nhưng dần dần cũng phải thích nghi. Hiện tại, chị Hương không chỉ mong đại dịch Covid-19 qua đi để con chị sớm trở lại trường mà còn giúp cho các hoạt động khác trở lại bình thường. “Trong thời gian chờ bước vào năm học mới, tôi tranh thủ giúp con ôn tập kiến thức, duy trì thói quen học tập để khi nhà trường có thông báo nhập học thì cho con trở lại trường” - chị Hương bộc bạch.

Năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 700 ngàn học sinh ở hơn 900 cơ sở giáo dục từ mầm non tới THPT, giáo dục thường xuyên. Đây cũng là năm học cả 2 bậc học tiểu học và THCS triển khai cùng lúc 2 chương trình giáo dục cũ và mới song hành.

Trong khi đó, anh Giang Sơn Mạnh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Đã 2 năm sống chung với đại dịch Covid-19, mọi người trong gia đình đều hiểu rằng không thể vội vàng, kể cả chuyện học tập của con trẻ. Tôi cho rằng việc học là cả đời, vội vàng nửa tháng hay 1 tháng cũng không đi đến đâu; tốt nhất hiện tại là nên tập trung chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, khi nào dịch bệnh thực sự được kiểm soát, khống chế, các con đến trường cũng chưa muộn”.

Là công nhân của Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) đang trong thời gian tạm nghỉ việc để chống dịch, chị Phạm Thị Hồng Anh khá lo lắng vì ngoài chi phí nhà trọ, ăn uống cho gia đình trong những ngày nghỉ, chị còn lo cả chuyện năm học mới 2021-2022 sắp đến với 2 con của mình. Chị Hồng Anh bày tỏ: “Nghỉ tránh dịch ở nhà chỉ được hưởng lương cơ bản, không đủ trang trải cuộc sống nên phải tiết kiệm từng chút để khi con vào năm học mới vay mượn thêm lo cho con quần áo mới, bộ sách giáo khoa, tiền đóng góp đầu năm học. Với tôi, giờ chỉ có mong ước duy nhất là dịch bệnh qua đi để vợ chồng trở lại công việc, con cái sớm được trở lại trường”.

* Không để bị động

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết, năm học 2021-2022 sẽ là năm học rất khó khăn khi vừa phải triển khai chương trình giáo dục cũ, vừa phải theo chương trình mới. Do đó, không chờ đến ngày tựu trường chính thức, nhà trường đã triển khai ngay các kế hoạch, hoạt động chuyên môn với giáo viên, tổ chuyên môn. Sắp tới, nhà trường sẽ họp trực tuyến với giáo viên để phân công chủ nhiệm, liên hệ với học sinh để hướng dẫn các em ôn tập miễn phí tại nhà, khi năm học mới chính thức bắt đầu, cả thầy và trò sẽ không quá bị động.

Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), hiện tại giáo viên được yêu cầu ở nhà phòng dịch Covid-19, tuy nhiên hoạt động chuyên môn chuẩn bị cho năm học mới vẫn diễn ra bình thường. Giáo viên sau khi được tập huấn trực tuyến chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 1 và lớp 2, đang tích cực bắt tay ngay vào xây dựng giáo án, kế hoạch chuyên môn năm học 2021-2022 trình Ban giám hiệu phê duyệt. Giáo viên cũng tranh thủ xây dựng các tiết dạy mẫu để trao đổi, góp ý cho nhau, từ đó rút ra những nội dung đã được và cần bổ sung, hoàn thiện. Đây là những việc làm rất cần thiết, giúp cả giáo viên và nhà trường có sự chủ động, tự tin bước vào năm học mới vào bất cứ thời điểm nào cho phép.

Trong khi đó, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết, việc chuẩn bị năm học mới khá ngổn ngang. Phòng GD-ĐT huyện đã chuẩn bị phương án huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh trở lại trường khi điều kiện cho phép. Đặc biệt, tình hình năm học mới 2021-2022 sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh khó khăn do thời gian qua bị tạm nghỉ việc, thu nhập giảm sút, trong khi đó năm học mới có nhiều khoản phải mua sắm cho học sinh. Chính vì vậy, các trường phải chủ động sớm, hỗ trợ kịp thời, không để học sinh nào phải bỏ học, hoặc không được ra lớp đúng độ tuổi.

Thành Nam

 

 

Tin xem nhiều