Theo dự kiến, Đồng Nai có khoảng 30 ngàn lao động tự do được hỗ trợ vì gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
Theo dự kiến, Đồng Nai có khoảng 30 ngàn lao động tự do được hỗ trợ vì gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
Lao động tự do bị mất việc làm do dịch bệnh được chi hỗ trợ tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: LAN MAI |
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát các đối tượng, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ cho NLĐ. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
* Phấn khởi khi được nhận hỗ trợ
Là một trong những người dân đầu tiên được nhận hỗ trợ sớm từ chính sách hỗ trợ NLĐ tự do, ông Vũ Thanh Bình (67 tuổi, ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, ông có “thâm niên” trên 23 năm làm nghề chạy xe ôm. Công việc này đã giúp ông có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cả tháng nay ông phải nghỉ việc ở nhà do dịch bệnh, các con của ông làm công nhân cũng đã nghỉ việc vì công ty tạm ngừng hoạt động nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi nhận được tiền hỗ trợ, ông rất phấn khởi vì có thêm khoản để trang trải cuộc sống. “Trong lúc khó khăn này, nhận được tiền hỗ trợ kịp thời sẽ giúp lao động tự do, nhất là những người trụ cột gia đình có thêm chi phí để lo cho cuộc sống, đặc biệt là việc mua nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ. Tôi mong nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ sớm được nhận hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt” - ông Bình bày tỏ.
Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ LĐ-TBXH tổ chức với các tỉnh, thành về tình hình triển khai gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng vừa qua, Bộ trưởng LĐ-TBXH ĐÀO NGỌC DUNG đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ, nhất là với nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù. Đồng thời, phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động, sáng tạo theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian về xử lý quy trình. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến với người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường rà soát, nắm bắt đối tượng khó khăn khác để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. |
Tương tự, ông Lê Văn Thanh (ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cũng phấn khởi không kém khi vừa nhận được tiền hỗ trợ. Ông Thanh cho hay, hơn 5 năm nay, ông làm nghề bán vé số, thu nhập bình quân mỗi ngày kiếm được 100-150 ngàn đồng. Từ khi dịch bệnh bùng phát, ông phải nghỉ ở nhà, đồng nghĩa với việc thu nhập không có, cuộc sống kéo theo nhiều khó khăn khi hằng tháng, tiền trọ, điện, nước vẫn phải trả. Vì vậy, khi được thông báo đến nhận tiền hỗ trợ, ông đã đến sớm xếp hàng và đợt tới lượt để vào ký nhận tiền. Ông Thanh mong dịch bệnh qua nhanh để sớm trở lại với cuộc sống mưu sinh, có thu nhập lo cho gia đình.
Theo Phòng LĐ-TBXH H.Long Thành, trong đợt 1 này, toàn huyện có trên 1 ngàn lao động tự do được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68. Trong những ngày qua, địa phương đã tổ chức chi trả hết cho NLĐ có danh sách trong đợt 1. Trong tuần này, H.Long Thành sẽ tiếp tục chi trả đợt 2 cho trên 2 ngàn lao động tự do bằng hình thức chi trực tiếp để người dân có tiền lo cho cuộc sống, vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Công tác chi hỗ trợ cho NLĐ đảm bảo đúng quy định công tác phòng dịch, giữ khoảng cách và được người dân thực hiện rất nghiêm túc.
Trong khi đó, tại TP.Biên Hòa, trong đợt 1 có 4,5 ngàn lao động tự do được hưởng chính sách này. Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, một số phường đã sắp xếp đến các khu phố chi trả trực tiếp cho NLĐ. Ngoài ra, một số phường đang nằm trong khu vực phong tỏa nên việc chi trả trực tiếp cho NLĐ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Phòng LĐ-TBXH thành phố đã đôn đốc các phường có phương án chi hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, nhất là những lao động đang nằm trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để có chi phí lo cho cuộc sống.
* Nhiều lao động vẫn đang mong chờ…
Bên cạnh một số địa phương nhanh chóng thực hiện chi trả cho NLĐ thì hiện nay, ở nhiều nơi còn chậm thực hiện chi hỗ trợ theo tiến độ. Vì vậy, NLĐ vẫn đang trông chờ vào gói hỗ trợ này, nhất là với nhóm lao động bị mất việc làm hoặc tạm ngưng việc tại các doanh nghiệp (DN).
Chị Lê Thị Đào (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cho biết, chị làm việc tại một DN may mặc trên địa bàn xã và đã nghỉ việc không hưởng lương 1 tháng nay do DN nằm trong khu vực bị phong tỏa. Chị Đào cũng như nhiều lao động trong công ty đang mong DN làm thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhanh để NLĐ được hưởng gói hỗ trợ sớm, vượt qua khó khăn trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Sở LĐ-TBXH, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, dự kiến tổng kinh phí tỉnh chi hỗ trợ cho 9 nhóm người được hỗ trợ (ngoài nhóm lao động tự do còn có các nhóm đối tượng khác như: NLĐ tại các doanh nghiệp bị mất việc, ngừng việc; hộ kinh doanh phải đóng cửa do dịch bệnh; NLĐ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…) là 145 tỷ đồng, trong đó tính riêng nhóm lao động tự do dự kiến chi 45 tỷ đồng. Hiện Sở LĐ-TBXH và các cơ quan liên quan đang tích cực đẩy mạnh công tác rà soát để sớm hoàn thiện hồ sơ các nhóm đối tượng thụ hưởng và nhanh chóng chi hỗ trợ cho người dân. |
Theo Sở LĐ-TBXH, tính đến ngày 5-8, Sở LĐ-TBXH đã thực hiện rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ trên 27 ngàn lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với số tiền gần 41 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt cho gần 17 ngàn người với số tiền hỗ trợ là trên 25 tỷ đồng. Theo đó, tính đến ngày 8-8, đã có trên 8 ngàn lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được chi hỗ trợ với số tiền gần 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH đang làm thủ tục hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 24 đơn vị với 576 NLĐ số tiền trên 2 tỷ đồng. Hỗ trợ NLĐ ngừng việc tại 5 đơn vị, 320 NLĐ với số tiền 320 triệu đồng. Hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 5 doanh nghiệp với số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, hỗ trợ 2 DN vay vốn trả lương ngừng việc cho NLĐ với số tiền gần 2 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm nghề nghiệp cho gần 10 ngàn đơn vị, trên 738 ngàn NLĐ với số tiền trên 54 tỷ đồng.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát, làm thủ tục chi trả hỗ trợ cho NLĐ, ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách - lao động, Sở LĐ-TBXH, cho biết, những ngày qua, do NLĐ ở các địa phương thuộc nhiều khu dân cư bị phong tỏa, cách ly y tế, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên việc thực hiện chi trả gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đi lại của nhân dân nói chung và NLĐ nói riêng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc rà soát, đăng ký, thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68.
“Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển để đăng ký hỗ trợ. Các địa phương phải đến tận nơi ở của NLĐ để hướng dẫn, rà soát, tổng hợp đơn hỗ trợ các đối tượng, nên công tác cập nhật danh sách có ảnh hưởng đến tiến độ trong quá trình thực hiện. Sở đã thành lập tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ chính sách này và tăng cường nhân sự cho Phòng Chính sách - lao động để đẩy nhanh tiến độ, rà soát và trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm kịp thời chi hỗ trợ cho NLĐ” - ông Thái cho hay.
* Khẩn trương chi trả hỗ trợ NLĐ
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 9300/UBND-KGVX đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ xã Bàu Cạn (H.Long Thành) thực hiện chi hỗ trợ cho lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động |
Theo đó, để kịp thời hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động theo quy định. Kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ các đối tượng do ngành, địa phương mình quản lý. Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở LĐ-TBXH thứ 6 hằng tuần.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương hướng dẫn NLĐ và người sử dụng lao động về trình tự, thủ tục, điều kiện được hỗ trợ, rà soát tổng hợp danh sách và kinh phí hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo quy định. Địa phương nào chậm trễ trong việc tham mưu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành việc chi trả đối với các đối tượng đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo quy định.
UBND tỉnh giao Sở LĐ-TBXH đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách và kinh phí hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, không trùng lặp. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ của UBND các huyện, thành phố giao Giám đốc Sở LĐ-TBXH kiểm tra, rà soát trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Giao Sở Tài chính khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thành phố về việc giải ngân, thanh quyết toán và đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhanh chóng, kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách, kinh phí hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho NLĐ sớm nhất có thể. Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, một số địa phương đã tổ chức đến từng khu phố, xã và ấp để chi trả cho NLĐ. Trong tuần này, các địa phương sẽ đồng loạt chi hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động dựa trên danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về cách thức chi trả, các địa phương linh động trong việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản, bằng tiền mặt, cán bộ khu phố đến từng nhà trao cho từng đối tượng hoặc nhận qua bưu điện, đảm bảo việc chi hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng và minh bạch.
Lan Mai