Là địa phương phát triển mạnh về kinh tế, công nghiệp và các ngành sản xuất, dịch vụ, Đồng Nai có nhiều điều kiện để thúc đẩy quá trình hình thành, gia nhập thị trường của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN nhỏ và vừa.
Là địa phương phát triển mạnh về kinh tế, công nghiệp và các ngành sản xuất, dịch vụ, Đồng Nai có nhiều điều kiện để thúc đẩy quá trình hình thành, gia nhập thị trường của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân, DN nhỏ và vừa. Tháng 6-2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.GIA |
Mục tiêu của đề án là xây dựng cộng đồng DN trên địa bàn vừa đông về số lượng, mạnh về chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, phối hợp cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh, khẳng định sức hút đầu tư của địa phương.
* Xây dựng cộng đồng DN lớn mạnh
Theo UBND tỉnh, những năm qua, nhìn nhận được vai trò to lớn của DN tư nhân, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, trong đó có Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thuận lợi, các DN cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có khó khăn về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn… Những rào cản ấy là vấn đề mà tự thân nhiều DN chưa thể vượt qua được. Từ những yêu cầu trên, mục tiêu của đề án là nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn. Đồng thời phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm.
Để hỗ trợ DN, đề án đề cập đến nhiều nội dung. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý… Ngoài ra, đề án cũng xác định nhiệm vụ hỗ trợ trọng tâm là chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 265 ngàn lao động.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, hợp tác với đối tác nước ngoài là giải pháp để giúp DN của tỉnh phát triển. Trong ảnh, DN Đồng Nai và Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác trong 1 hội nghị kết nối được tổ chức vào năm 2020. |
DN nhỏ và vừa chiếm tới 86% tổng số DN trên địa bàn tỉnh nên việc ban hành đề án là hết sức cần thiết để tạo cơ sở cho việc triển khai các chương trình hỗ trợ. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, kinh phí để thực hiện đề án này là 13,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Ngoài nguồn kinh phí để cấp cho các chương trình thiên về đào tạo nói trên thì DN cũng được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo Nghị quyết số 200/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kinh phí hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh phí giúp DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Đây là những gói kinh phí lớn, được tính riêng và phân bổ hàng năm theo các chương trình hỗ trợ được xây dựng kế hoạch trước.
TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, đội ngũ DN ở Đồng Nai rất năng động trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Nhiều tổ chức đã hình thành để tập hợp, liên kết DN như: Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh, các hội ngành nghề, Hiệp hội DN Đồng Nai… Khi địa phương xây dựng được các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy phù hợp thì đội ngũ doanh nhân, DN sẽ tích lũy được nguồn lực, phát triển và nâng cao sức mạnh cho thương hiệu địa phương.
* Lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ
Tại Đồng Nai, không chỉ tới khi đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa được triển khai thì các chính sách hỗ trợ DN mới được thực thi mà đã có nhiều chương trình được thực hiện từ trước, theo từng ngành, địa phương và DN cụ thể.
Một số chương trình thực hiện thời gian qua được DN quan tâm như hỗ trợ DN đổi mới máy móc, công nghệ từ nguồn vốn khuyến công hay chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa… cũng góp phần giúp DN nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này.
Đối với ngành Công thương, hằng năm đều có chương trình hỗ trợ DN từ nguồn vốn khuyến công cấp quốc gia, cấp tỉnh để hỗ trợ DN một phần trong đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất. Mặc dù so với nhu cầu tổng thể của DN, nguồn vốn từ chương trình khuyến công chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng cũng là động lực để DN có thể mạnh dạn thử nghiệm, thay đổi. Thực tế đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh áp dụng và đạt được thành công, điều quan trọng là sau khi tham gia chương trình, DN sẽ được thụ hưởng các chính sách khác như: đào tạo lao động, kỹ năng, quản lý sản xuất, quản trị nhân lực và xúc tiến thương mại. Tương tự là các chương trình chuyên ngành khoa học công nghệ hỗ trợ DN đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng website, nâng cao quy trình, quy chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế…
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh cho hay, những năm qua các chương trình mà DN thụ hưởng từ các chính sách của tỉnh để đổi mới năng suất, công nghệ đã phát huy được hiệu quả. Từ một đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hiện nay Thế Linh đã là một tổ hợp gồm nhiều thành viên trong một hệ sinh thái sản xuất chăn, drap, gối, nệm với doanh thu hằng năm từ 200 tỷ đồng, là một trong những DN khởi nghiệp thành công của địa phương, truyền cảm hứng đối với nhiều doanh nhân, DN khởi nghiệp khác.
* Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Có một thực tế là so với quy mô, vị thế và sức hút của Đồng Nai về kinh tế trong cả nước thì đánh giá của các DN qua chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) lại chưa được như kỳ vọng, nhiều năm liền đứng ngoài tốp 20. Đây là điều mà chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng DN mong muốn sớm được cải thiện.
Các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức vào năm 2020 |
Một trong những yêu cầu quan trọng mà Đồng Nai đặt ra để cải thiện chỉ số PCI và cũng để hỗ trợ DN đối với các cơ quan chức năng là hạn chế công tác thanh, kiểm tra. Trước mắt, các cơ quan thuế, cơ quan hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2021 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho họ tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng lĩnh vực hải quan tiếp tục cải cách thủ tục mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (ngoại trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), các ngành khác thực hiện hậu kiểm.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ thường xuyên của Đồng Nai để giữ vững sức hút đối với cộng đồng DN. Hằng năm, tỉnh đều có các chương trình gặp gỡ, đối thoại DN để nắm bắt những khó khăn, nguyện vọng từ cộng đồng DN, doanh nhân, tham vấn chính sách nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các chương trình gặp gỡ đối thoại và kết nối đầu tư trực tiếp khó thực hiện thì Đồng Nai sẽ chú trọng xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước bằng hình thức online, giới thiệu về triển vọng kinh tế địa phương, cơ hội hợp tác, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư về Đồng Nai.
Văn Gia