Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai như "ngồi trên lửa". Hầu hết các DN đều mong sớm có vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động (NLĐ) nhằm có thể duy trì được mục tiêu kép...
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai như “ngồi trên lửa” vì lo lắng trước nguy cơ “sụp đổ” chuỗi sản xuất. Hầu hết các DN đều mong sớm có đủ nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động (NLĐ) để có thể duy trì được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất.
Đồ họa thể hiện số lượng liều vaccine phân bổ để tiêm cho lao động trong các doanh nghiệp tại Đồng Nai trong đợt 4 và 5 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Đến ngày 17-8-2021, Đồng Nai đã ghi nhận trên 14,5 ngàn ca nhiễm Covid-19, trong đó có trên 100 ca tử vong. Toàn tỉnh có 114 DN đã xuất hiện ca F0 với gần 1 ngàn ca nhiễm bệnh. Các công ty xuất hiện ca F0 hiện đều phải tạm dừng sản xuất để xử lý, hạn chế lây nhiễm với số lượng NLĐ tạm ngừng việc lên đến cả trăm ngàn người. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp do mỗi DN là một mắt xích trong chuỗi cung ứng.
* Vaccine được phân bổ quá ít so với nhu cầu
Từ đầu tháng 8-2021, Đồng Nai bắt đầu phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 4 để tiêm cho NLĐ tại hơn 600 DN ở các huyện, thành phố.
Do tiến độ tiêm phòng quá chậm nên đến ngày 16-8, gần 144 ngàn liều vaccine vẫn chưa tiêm xong cho NLĐ ở nhiều công ty trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có gần 500 DN trong khu công nghiệp (KCN) và hơn 100 DN ngoài KCN.
Việc được phân bổ vaccine phòng Covid-19 nhưng triển khai tiêm chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong các DN cũng như trên địa bàn tỉnh. Hầu hết DN đều mong muốn ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để hạn chế dịch bệnh lây lan, tránh bùng phát những ổ dịch mới, giúp NLĐ an tâm hơn khi làm việc.
Người lao động Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) tiêm vaccine. Ảnh: H.GIANG |
Liên quan đến vấn đề trên, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Đến ngày 16-8, tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4 cho các công ty trong và ngoài KCN đạt khoảng 80%. Sở đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, dự tính đến ngày 20-8 có thể hoàn thành cả đợt 4 và đợt 5”.
Nếu ngành Y tế Đồng Nai thực hiện xong tiêm chủng vaccine đợt 4 vào cuối tháng 8-2021 thì tỷ lệ tiêm vaccine trong các DN hầu hết mới đạt 28-30%. Còn đợt 5 dự kiến sẽ dành cho 100% lao động tại 40 công ty có số lao động trên 500 người. Số liều vaccine phòng Covid-19 được phân bổ cho các công ty trong và ngoài KCN còn quá ít, lại dàn trải ra nhiều DN nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong các nhà máy vẫn rất cao.
Bà Phạm Thị Dạ Thảo, Tổng vụ Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity ở KCN Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty có 350 lao động nhưng vừa qua chỉ được phân bổ 99 liều vaccine để tiêm phòng. Số lượng mới được hơn 28% so với nhu cầu thực tế nên công ty rất mong tới đây, tỉnh tiếp tục ưu tiên thêm nguồn vaccine cho những DN đang thực hiện “3 tại chỗ” để yên tâm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Trong các KCN của Đồng Nai, hiện có khoảng 620 ngàn lao động đang làm việc tại các công ty. Như vậy, muốn cho các KCN trong tỉnh an toàn hoạt động thì cần có hơn 1,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho NLĐ đủ 2 mũi. Bên cạnh đó, các DN ngoài KCN cũng cần gần cả triệu liều vaccine.
Sau gần 2 năm chống đỡ với đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã bị thua lỗ không ít, có những công ty phải cố gắng chèo chống để không bị giải thể. “Sức khỏe” của DN rất kém nên rất cần những đòn bẩy bằng các giải pháp thiết thực là nhanh chóng dập được dịch, có đủ vaccine để tiêm phòng.
* DN chờ đợi từng ngày
Hiện nay, vấn đề DN tại Đồng Nai trông đợi nhất là triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh cho NLĐ trong DN và người dân ngoài cộng đồng để hạn chế dịch bùng phát. Đồng thời, DN mong tỉnh có biện pháp dập dịch nhanh để mở rộng các vùng xanh không dịch bệnh.
Nhiều DN đề nghị Chính phủ ưu tiên thêm nguồn vaccine để tiêm cho tất cả NLĐ trong DN. Nếu tỉnh không nhanh chóng hạn chế được dịch bệnh lây lan và NLĐ chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine thì nhiều nhà máy sẽ phải dừng hoạt động.
Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP Giày dép cao su màu ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết: “DN đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 365 NLĐ nhưng đợt phân bổ lần này mới được 120 người. Thiếu vaccine tiêm cho NLĐ khiến cho cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn vì lưu trú tại nhà máy về lâu về dài không ổn”.
Người lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) đang test nhanh |
Cũng theo ông Dân, Công ty CP Giày dép cao su màu nằm trong khu vực phong tỏa nên sản xuất không được, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó, vấn đề đi lại để tiêm chủng cho NLĐ cũng rất khó khăn, DN rất mong muốn tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tạo sự tin tưởng để có thể sớm hồi phục sản xuất.
Tuy đợt 4 chưa triển khai tiêm vaccine xong, nhưng từ ngày 16-8-2021, Sở y tế tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine đợt 5 với số lượng phân bổ hơn 31,5 ngàn liều cho DN cả trong và ngoài khu công nghiệp. Bà Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh, P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, một số NLĐ của đơn vị đã có tên trong danh sách tiêm chủng đợt 5 do ngành Y tế đưa ra. Hiện DN vẫn đang chờ sự phân công của các đơn vị để bố trí cho NLĐ đi tiêm vaccine phòng bệnh, vaccine cũng chính là giải pháp duy nhất để DN có thể hoạt động ổn định trở lại.
Ngoài các DN đã được phân bổ tiêm vaccine thì số lượng DN trong trạng thái hằng ngày, hằng giờ chờ đợi là rất nhiều. Ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) chuyên sản xuất đồ gỗ bày tỏ, do nằm trong khu phong tỏa nên hơn 1 tháng nay, DN của ông phải tạm dừng sản xuất. Hiện DN đang phải cầm cự với công nợ, tiền lương NLĐ và hàng loạt các chi phí khác nên rất mong tỉnh sớm có thêm nguồn vaccine để phân bổ cho công ty.
Trước sự chậm trễ của công tác tiêm vaccine, mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu ngành Y tế phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm khống chế dịch bệnh lây lan trong các công ty. Đồng thời, phải thay đổi chiến lược tiêm vaccine, thực hiện tiêm theo hình thức cuốn chiếu, ưu tiên những người trong vùng dịch theo từng cấp độ nguy cơ từ cao xuống thấp.
Hiện đã có nhiều DN đang thực hiện “3 tại chỗ” không thể tiếp tục duy trì sản xuất và phải tạm dừng hoạt động đợi hết thời gian giãn cách xã hội sẽ khôi phục sản xuất. Nhưng cũng có DN vẫn còn nhiều đơn hàng gấp phải giao trong tháng 8, 9-2021 nên phải duy trì sản xuất và đang rất lo lắng. Vì DN vừa lo phòng, chống dịch bệnh, vừa lo nhiều lao động không chấp thuận lưu trú thời gian dài trong công ty đã xin nghỉ việc. Đây là áp lực lớn cho DN, vì thiếu lao động trong thời điểm này rất khó tuyển dụng thêm.
Do đó, nếu có vaccine tiêm cho NLĐ đủ 2 mũi, DN có thể “nới lỏng” lưu trú tại nhà máy để cho NLĐ có thể về nhà, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm quy định 5K và test nhanh thường xuyên để tầm soát dịch bệnh.
Hương Giang - Vương Thế