Từ tháng 2-2020, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn cố gắng duy trì thực hiện mục tiêu kép.
Từ tháng 2-2020, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai bắt đầu chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn cố gắng duy trì thực hiện mục tiêu kép. Thế nhưng, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, mang đến thêm rất nhiều khó khăn khiến các DN “hụt hơi” nên rất cần những giải pháp mới để tăng khả năng chống chịu của DN trong đại dịch.
Công ty TNHH Koyu& Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) thực hiện nghiêm 5K để bảo đảm sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: K.MINH |
Theo khảo sát với hơn 10 ngàn DN tại Việt Nam của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì 87% DN chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hơn 11% DN không bị ảnh hưởng và gần 2% DN vẫn kinh doanh tốt.
* Kiến nghị 3 nhóm vấn đề
Trong tháng 6-2021, Chính phủ đã tổng hợp những phản ảnh, kiến nghị của DN, hiệp hội về những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất về chính sách gỡ khó. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị để có giải pháp tốt hơn trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Đồng thời, các bộ, ngành phải nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình đại dịch Covid-19 để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Có 3 nhóm vấn đề các DN Đồng Nai cũng như cả nước rất quan tâm và kiến nghị Chính phủ là: tiếp tục hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong đại dịch; hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu những vấn đề trên được thực hiện đồng bộ, kịp thời sẽ giúp DN tăng khả năng chống chịu, vượt qua khó khăn để thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai đánh giá: “Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều DN lớn, vừa và nhỏ trên địa bàn. Hơn 1 năm qua, DN đã phải nỗ lực để vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất. DN Đồng Nai cũng có chung những khó khăn và kiến nghị như DN cả nước, đồng thời rất mong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thiết thực, rõ ràng và thủ tục đơn giản để có thể tiếp cận được”.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả để mỗi chính sách được ban hành sớm phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Chính phủ, UBND tỉnh nên giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc tuyên truyền chính sách để khâu thực thi luôn minh bạch, thuận tiện cho DN, người lao động.
* Cùng chung sức vượt qua đại dịch
Liên tiếp chống đỡ 4 đợt dịch bệnh Covid-19 trong hơn 1 năm, nhiều công ty rơi vào khó khăn nhưng vẫn cố gắng chèo chống để vượt qua. Vấn đề các DN lo lắng nhất là dịch bệnh sẽ bùng phát ở trong công ty. Một số công ty khi xuất hiện ca nhiễm bệnh còn lúng túng trong việc xử lý, cho người lao động nghỉ việc và trở lại nơi cư trú khi chưa có sự phối hợp thống nhất với chính quyền địa phương nơi đặt nhà máy. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao lây lan dịch bệnh ra cộng đồng vì không được kiểm soát, truy vết kịp thời.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Tỉnh đã có văn bản đề nghị các DN cùng phối hợp, chung tay với tỉnh để phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Những DN khi xảy ra ca nghi nhiễm hoặc vướng mắc hãy liên hệ trực tiếp với UBND huyện, thành phố nơi có nhà máy đang hoạt động và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DN trong khu công nghiệp) và Sở LĐ-TBXH (DN ngoài khu công nghiệp) để được hỗ trợ kịp thời”.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, về phía tỉnh sẽ tập trung dập dịch và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để nhanh chóng xử lý, tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Những khó khăn vượt quá thẩm quyền của UBND tỉnh sẽ được tổng hợp kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.
Đặc biệt gần đây, có những công ty phản ảnh về việc đại dịch bùng phát ở Việt Nam cũng như nhiều nước dẫn đến các thủ tục, hóa đơn từ nước ngoài về Việt Nam chậm đến tay chủ DN nên việc nhận hàng hóa tại các cảng chậm. Thủ tục, hóa đơn chậm về Việt Nam đã kéo dài thời gian thanh toán và dòng tiền đối tác nước ngoài chuyển về chi trả cho các hợp đồng. Do đó, DN đứng trước nguy cơ thiếu vốn để trả cho ngân hàng khi đến kỳ đáo hạn, trả nợ và nguy cơ có thể xảy ra là các công ty trở thành nợ xấu của ngân hàng rất cao. Các DN rất lo lắng vấn đề trên vì bị đưa vào danh sách nợ xấu, sau này có nhu cầu rất khó vay vốn lớn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ DN.
Khánh Minh