Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng DN, cùng với các chiến lược lâu dài, DN cần có những giải pháp tức thời để hỗ trợ họ vực dậy sản xuất,...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), cùng với các chiến lược lâu dài, DN cần có những giải pháp tức thời để hỗ trợ họ vực dậy sản xuất, lựa chọn hướng phát triển phù hợp.
Công nhân Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc |
* DN khó khăn trước nhiều tác động
Cùng với tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao càng làm cho các DN trong lĩnh vực xây dựng thêm khó khăn chồng chất. Giá sắt thép tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà các ngành khác, trong đó có công nghiệp chế tạo, cơ khí. Có DN dù nhận được đề nghị đặt hàng số lượng hấp dẫn nhưng cũng không dám nhận quá nhiều do giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao nên buộc phải dè dặt. Giá thành đầu vào cao trong khi giá xuất ra không được phép tăng nhiều vì còn phụ thuộc vào các hợp đồng đã ký kết, cho nên dù sản xuất nhiều thì lợi nhuận không cao, thậm chí cầm chừng.
“Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của DN, sản lượng sản xuất cũng như đơn hàng tiêu thụ bị sụt giảm. Trong khi đó, DN không còn cách nào khác buộc phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Chúng tôi vẫn vừa nỗ lực, vừa tin tưởng vào các chính sách của địa phương, Nhà nước để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn này” - ông Lương Minh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Nhiều nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp sản xuất cũng tăng giá cao khiến các DN lo lắng. Tác động kép từ dịch bệnh, giá thành nguyên liệu đầu vào lẫn giá vận chuyên hàng hóa bằng container gia tăng kéo giảm lợi nhuận của nhiều DN, thậm chí là chịu lỗ. Đối với DN nhỏ và vừa, sự tác động tiêu cực của dịch bệnh lại càng rõ hơn bao giờ hết vì vốn mỏng, khó cầm cự trước những đợt bùng phát liên tiếp của dịch.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến cho công tác phòng, chống dịch của địa phương đang trở nên hết sức khó khăn, toàn tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội hơn 1 tháng. Thậm chí, một số khu vực phải phong tỏa để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, nhiều DN nằm trong vùng phong tỏa, chủ động phòng, chống dịch bệnh nên đã tạm ngừng hoạt động, công nhân được nghỉ phép hưởng lương… Những yếu tố này cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN.
* Hỗ trợ để DN vượt khó
Số liệu tổng hợp của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 15-7), toàn tỉnh có 600 DN tạm ngừng kinh doanh, 227 DN giải thể và 239 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động. Các DN này chủ yếu là DN nhỏ và vừa và thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể, chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả.
Đối với các chính sách hỗ trợ chung từ Nhà nước, theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 năm qua có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới các DN, nhưng các DN nhỏ và vừa không dễ tiếp cận, nguyên nhân do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của DN. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN... khiến chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống. Nhìn chung, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ tương đối đồng bộ, toàn diện với các hỗ trợ về tài khóa, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện còn hạn chế.
Trước những diễn biến của dịch bệnh trong những tháng đầu năm, ngày 19-4, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Với nghị định này, nhiều DN cho hay đã chủ động tiếp cận và đăng ký thụ hưởng chính sách với hy vọng sẽ giúp giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt. Về lĩnh vực ngân hàng, tại Đồng Nai, thống kê đến đầu tháng 6, có 1.137 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với số tiền trên 2,1 ngàn tỷ đồng. Đối với số vay mới, có 28,6 ngàn khách hàng được vay trên 151,5 ngàn tỷ đồng với lãi suất giảm hơn trước dịch bệnh sau khi hệ thống ngân hàng thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Khi dịch bệnh tiếp tục tái bùng phát, đầu tháng 7, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó DN có thể được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc trả lương cho người lao động ngừng việc. DN có thể vay vốn một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tái cấp tối đa 7,5 ngàn tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chương trình này.
Trong những ngày này, cùng với việc kiềm chế tối đa tác hại do dịch bệnh lây lan, Đồng Nai đang nỗ lực để DN, trong đó có các DN nhỏ và vừa được tiếp cận và chích ngừa vaccine phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, khi đại dịch Covid-19 đã làm cho toàn xã hội nói chung, cộng đồng DN nói riêng gặp rất nhiều bất lợi thì sự hợp tác giữa chính quyền và DN sẽ là động lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong việc hỗ trợ theo các quy định, tỉnh giao cho từng địa phương, cơ quan liên quan phải chủ động nắm bắt khó khăn của các DN và phải chịu trách nhiệm khi trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình có DN đã tìm hiểu, đăng ký, mất thời gian mà không được hưởng hỗ trợ khi đủ điều kiện.
Vương Thế