Công tác ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng thời điểm hiện nay rất quan trọng. Chủ động bảo vệ những khu vực không có ca nhiễm (còn được gọi là "vùng xanh") đang được chính quyền địa phương và người dân tích cực thực hiện.
Công tác ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng thời điểm hiện nay rất quan trọng. Chủ động bảo vệ những khu vực không có ca nhiễm (còn được gọi là “vùng xanh”) đang được chính quyền địa phương và người dân tích cực thực hiện. Việc thiết lập và mở rộng “vùng xanh” an toàn là giải pháp để có thể kiểm soát dịch Covid-19, nhất là ở đô thị có hơn 1,2 triệu dân như TP.Biên Hòa.
Thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng ở KP.7, P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) trực chốt kiểm soát người ra vào “vùng xanh”. Ảnh: P.Liễu |
Qua 2 tuần triển khai thiết lập “vùng xanh” tại nhiều khu vực ở cả 30 xã, phường trong TP.Biên Hòa (tính từ ngày 5-8 đến nay), chưa có “vùng xanh” nào xuất hiện ca nhiễm hay tái nhiễm virus SARS- CoV-2. Đây là tín hiệu vui từ hoạt động phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và người dân trong việc bảo vệ các khu dân cư an toàn.
* Thiết lập và giữ vững “vùng xanh”
Theo UBND TP.Biên Hòa, “vùng xanh” là cách gọi những cụm dân cư, khu phố, dãy phố, xã, phường, cơ quan, đơn vị, con phố, ngõ hẻm... chưa có ca F0 hoặc các vùng có dịch nhưng đã được kiểm soát an toàn mà trong 14 ngày liên tục không có ca F0 hoặc không có ca nhiễm mới. Căn cứ đề nghị của trạm y tế, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường sẽ xem xét, quyết định thiết lập chốt tự quản “vùng xanh” ở những khu vực đạt được tiêu chí này. Mục đích của việc lập “vùng xanh” là nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, chủ động ngăn ngừa sự lây lan, bảo vệ người dân trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Hiện nay, các “vùng xanh” ở TP.Biên Hòa được tổ chức theo nguyên tắc người dân trong khu vực tự nguyện quản lý dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Một trong những ưu điểm của công tác quản lý “vùng xanh” chính là hoạt động tự nguyện “cắm chốt” của những người dân ở các tổ dân phố, khu dân cư, trong đó Tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt. “Vùng xanh” hoạt động theo nguyên tắc “3 trước” (gồm: nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” (gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất. Chuẩn bị chu đáo các phương án, kịch bản, diễn tập sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch tại chỗ và chi viện các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu.
Theo nhận định của lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa, nhiều “vùng xanh” được thiết lập đồng nghĩa với nhiều khu dân cư đang được bảo vệ an toàn trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh. Đây là một trong những “chìa khóa” để TP.Biên Hòa sớm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ khu dân cư an toàn, không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn với nhau, hướng đến mục tiêu từng gia đình, từng tổ dân phố, từng vùng, từng khu phố quyết tâm giữ vững địa bàn, xây dựng “vùng xanh” an toàn, không có Covid -19.
Đã một tuần từ khi KP.2, P.Thống Nhất được chọn thiết lập “vùng xanh”, ông Bùi Văn Thái cùng các thành viên trong Tổ Covid-19 cộng đồng của khu phố không quản nắng mưa, ngày nào cũng có mặt ở chốt trực từ 6-18 giờ để kiểm soát việc người dân ra vào một cách nghiêm túc nhất, hạn chế dịch bệnh xâm nhập vào khu phố.
Ông Thái cho hay, chốt trực “vùng xanh” ở KP.2, P.Thống Nhất được lập trên 2 đầu trục chính của tuyến đường nội bộ khu phố, mỗi chốt có từ 3-4 người trực gác. Những người được qua lại chốt này là người dân trong khu phố nhưng phải có giấy ra vào khu phố, phiếu đi chợ hoặc người vào thu gom rác. Đặc biệt, những người ngoài khu phố muốn vào bên trong phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thực hành 5K, hàng hóa giao đến đều được khử khuẩn trước khi người dân trong khu phố đến nhận.
KP.11, P.Tân Phong là một trong những khu phố có nhiều khu vực đủ tiêu chí thiết lập “vùng xanh” nhất ở TP.Biên Hòa. Ông Phạm Minh Khương, Phó trưởng ban phòng, chống Covid-19 của KP.11 cho biết, đã có 5 con hẻm lớn của KP.11 được lập chốt “vùng xanh” an toàn từ ngày 6-8. Khi triển khai các chốt “vùng xanh”, người dân có thể bị hạn chế đi lại cũng như bị kiểm soát gắt gao hơn, nhưng nhiều người dân đồng thuận, nỗ lực khắc phục khó khăn và còn tự nguyện tham gia quản lý chốt cùng với sự hỗ trợ của khu phố và UBND phường.
* Khắc phục những bất cập bước đầu
Ghi nhận thực tế cho thấy, “vùng xanh” an toàn đã được thiết lập và đang phát huy hiệu quả ở nhiều tổ dân phố, khu phố... trên địa bàn TP.Biên Hòa nên được người dân rất đồng tình.
Sơ đồ đánh giá mức độ nguy cơ phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG.(Nguồn: Bộ Y tế) |
KP.4, P.Hòa Bình là “vùng xanh” đầu tiên được thí điểm tại TP.Biên Hòa, người dân rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (ngụ KP.4, P.Hòa Bình) chia sẻ, việc kiểm soát chặt, không cho người lạ ra vào “vùng xanh” giúp ngăn dịch bệnh vào khu dân cư, mang lại sự yên tâm cho người dân trong khu phố. Từ đó cũng nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những “vùng xanh” thực hiện đúng ý nghĩa của công tác quản lý vùng an toàn trong phòng, chống dịch theo nguyên tắc: một lối ra vào, đi lại có kiểm soát và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch cũng còn thực trạng một số khu dân cư áp dụng biện pháp quản lý cứng nhắc đối với “vùng xanh” khiến người dân bức xúc.
Cụ thể như ở P.Trảng Dài, do chưa hiểu đúng nguyên tắc “vùng xanh” nên khi thiết lập vùng an toàn một số tổ, khu phố đã bịt kín các đường vào “vùng xanh” bằng tôn hoặc dùng sắt cây hàn chốt cứng, cột, quây bạt kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”... khiến người dân lo lắng và gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại dù có lý do chính đáng.
Ông Nguyễn Văn Thìn (ngụ KP.5A, P.Trảng Dài) cho biết: “Tôi đồng tình với cách phòng, chống dịch bằng cách có biện pháp bảo vệ chặt đối với những “vùng xanh”, nhưng không phải bằng cách đặt lô cốt, hàng rào chốt chặt kiểu này. Người dân trong “vùng xanh” vẫn có lúc phải ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men..., nhất là những trường hợp cấp cứu hoặc xảy ra cháy nổ mà gặp đường vào khu dân cư bị chốt chặt kiên cố kiểu này rất nguy hiểm”.
Trao đổi về thực trạng này, Chủ tịch UBND P.Trảng Dài Võ Trường Hải cho biết, địa phương đã nắm thông tin và chỉ đạo tổ, khu phố ở các “vùng xanh” dỡ bỏ các vật liệu quây kín, cột, hàn chặt và có lối ra vào được kiểm soát để người dân yên tâm mà vẫn phòng, chống dịch hiệu quả. Trong trường hợp vẫn còn những cách làm kiểu này, người dân cần phản ảnh trực tiếp với UBND phường để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Theo lãnh đạo UBND một số phường ở TP.Biên Hòa, giữa đại dịch Covid-19, việc duy trì hệ thống “vùng xanh” tự quản không chỉ thể hiện sự chủ động, mà còn giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống dịch. “Vùng xanh” an toàn còn là điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình đối với xã hội, là điều kiện để mọi người dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định về phòng dịch, giãn cách xã hội đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào “vùng xanh”, bảo vệ bản thân, gia đình và khu dân cư.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19. Quy định này nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy định đã chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện từ cấp xã trên bản đồ chống dịch, tương ứng các màu sắc gồm: nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). |
Phương Liễu