Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất công nghiệp đối mặt với khó khăn

08:08, 05/08/2021

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt cùng lúc với rất nhiều khó khăn, như: dịch bệnh, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu vốn, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển và thuê kho bãi tăng...

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt cùng lúc với nhiều khó khăn như vậy. Hàng loạt những “sóng gió” khiến nhiều DN lớn, vừa và nhỏ đều lo lắng như: dịch bệnh, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu vốn, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển và thuê kho bãi tăng...

Đồ họa thể hiện số lượng doanh nghiệp và người lao động đăng ký thực hiện
Đồ họa thể hiện số lượng doanh nghiệp và người lao động đăng ký thực hiện "3 tại chỗ" Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Hiện nay, Đồng Nai có gần 2 ngàn dự án trong các khu công nghiệp (KCN) và hàng ngàn dự án ngoài KCN đang hoạt động. Trong đó, rất nhiều DN sản xuất công nghiệp, sản phẩm hơn một nửa xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tỉnh thuộc nhóm 6 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về xuất khẩu hàng hóa.

* Khó tìm giải pháp vẹn toàn

Từ đầu tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có hơn 1,1 ngàn DN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho người lao động lưu trú tại công ty để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Ban đầu khi áp dụng phương án trên, DN dự tính kéo dài khoảng 2-4 tuần, hy vọng dịch bệnh sẽ lắng xuống để có thể trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp, hiện đã lây lan vào một số DN trong các KCN. Do đó, một số công ty buộc phải tạm dừng sản xuất để khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC) ở KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “JSC cho hơn 50 DN thuê nhà xưởng sản xuất hàng công nghiệp để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đầu tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở các địa phương, nhiều nhà máy đã đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo sản xuất. Trong đó, có những công ty, nhà xưởng nhỏ không đủ nơi cho người lao động ở lại nên JSC đã hỗ trợ cho thuê giá rẻ các nhà xưởng còn trống để bố trí nơi ăn uống, nghỉ ngơi cho người lao động. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu kéo dài DN sẽ rất khó khăn”.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để duy trì sản xuất
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để duy trì sản xuất. Ảnh: H.GIANG

Theo các DN đang thực hiện “3 tại chỗ”, trước đây khi xây dựng nhà xưởng hầu hết các công ty không tính toán đến việc làm các khu nhà ở cho công nhân. Vì thế thời gian qua, những DN triển khai cho công nhân lưu trú tại nhà máy đều phải tận dụng các khu nhà xưởng còn trống hoặc dựng tạm các lán trại tại những khu đất trống để bố trí chỗ ở cho người lao động. Nhưng việc này phát sinh hàng loạt vấn đề khác đi kèm như: điện, nước sinh hoạt, nơi tắm rửa, vệ sinh của hàng trăm công nhân. Người lao động có thể chấp nhận thực trạng trên trong thời gian ngắn, về lâu dài rất khó duy trì vì họ còn có gia đình... Và để công nhân đồng ý ở lại công ty, các DN phải tăng lương, trợ cấp, đài thọ chi phí ăn uống, điện nước… phục vụ người lao động suốt thời gian thực hiện “3 tại chỗ”.

Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech Lưu Châu Bằng ở KCN Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty bố trí cho gần 1,2 ngàn lao động ở lại nhà máy để đảm bảo sản xuất. Chi phí để thực hiện “3 tại chỗ” khá tốn kém vì công ty phải tăng thêm lương để khuyến khích người lao động ở lại, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên, tài trợ thêm suất ăn... Trong thời điểm này, công ty không tính toán đến lợi nhuận mà chỉ tập trung phòng, chống dịch bệnh và duy trì được sản xuất”. Cũng theo ông Bằng, với những công ty từ vài trăm lao động trở lên muốn tổ chức cho người lao động ở lại lâu dài trong nhà máy rất khó thực hiện. Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh nên có những giải pháp mới hữu hiệu để hỗ trợ các DN.

Nhiều công ty sản xuất nằm ngoài KCN thực hiện “3 tại chỗ” gặp tình trạng khu vực đặt nhà máy bị phong tỏa, cách ly y tế, hàng hóa ra vào khó khăn nên phải dừng hoạt động. DN ngưng sản xuất, doanh thu không có, đơn hàng lở dở, nếu khách hàng không chấp nhận thương lượng kéo dài hợp đồng thì nhiều công ty sẽ thiệt hại nặng nề và đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng.

* Ảnh hưởng chung đến sản xuất công nghiệp

Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động vì không thể duy trì sản xuất. Nguyên nhân là do quá đông lao động, không thể thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, lao động làm việc trong công ty thuộc khu vực bị phong tỏa, thiếu nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả... Nhiều nhà máy đông lao động thuộc lĩnh vực dệt may, giày dép, điện tử, sản phẩm gỗ có từ 1-42 ngàn lao động đã cho công nhân nghỉ việc từ 15-20 ngày. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 17-8-2021, nhiều công ty cũng đã cho lao động nghỉ tiếp để phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, sẽ có những công ty phải cho người lao động tạm nghỉ việc từ 30-40 ngày.

Người lao động trong các công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 thường xuyên xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Người lao động trong các công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 thường xuyên xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THÁI BÌNH

Việc tạm dừng sản xuất, giảm công suất ở các nhà máy tại Đồng Nai sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm cho những nhà máy khác trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài. Bởi trung bình mỗi tháng, Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 2 tỷ USD sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 60% kim ngạch là những mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Những mặt hàng trên là sản phẩm đầu vào cho nhiều công ty trong và ngoài nước đang sản xuất tại Đồng Nai như: xơ, sợi dệt; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ chất dẻo.

Thực tế này không chỉ ở Đồng Nai mà đang diễn ra tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh phải mua nguyên liệu đầu vào từ tỉnh Bình Dương và TP.HCM và thời gian qua, nhiều nhà máy ở 2 địa bàn trên dừng hoạt động do dịch bệnh dẫn đến các nhà máy ở Đồng Nai còn duy trì sản xuất cũng có nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào. Hiện một số DN tại Đồng Nai còn dự trữ được nguyên liệu sản xuất nên mức độ ảnh hưởng chưa lớn. Thế nhưng, nếu việc dừng hoạt động kéo dài ở nhiều công ty trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì sẽ gây ra “làn sóng” thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp ở nhiều DN tại Việt Nam. Đồng thời, có thể ảnh hưởng chung đến sản xuất, tăng trưởng của ngành Công nghiệp cả nước. Do đó, các DN đang cố gắng tìm những nguồn nguyên liệu từ nơi khác đề bù lại, song việc tìm nguyên liệu trong thời điểm nhiều tỉnh, thành đang giãn cách xã hội và việc đi lại giữa các quốc gia đang hạn chế là rất khó khăn.

Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cố gắng duy trì mục tiêu kép
Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cố gắng duy trì mục tiêu kép. Ảnh:H.Giang

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, thời điểm này, nhiều công ty rất khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh vì cùng lúc phải gồng gánh và giải quyết hàng loạt vấn đề về nguyên liệu đầu vào, tìm đầu ra, chi phí vận chuyển tăng, thiếu lao động... Những DN dự trữ nguyên liệu sản xuất từ 3-6 tháng sẽ bớt lo lắng hơn, còn DN không có vốn chỉ dự trữ nguyên liệu trong 1-2 tháng gặp khó khăn trong xoay xở tìm nguồn cung mới.

Những công ty có số lượng lao động lớn đang dừng sản xuất ngoài lo các đơn hàng không hoàn thành đúng thời hạn, còn thêm nỗi lo trả lương cho người lao động. “Công ty dự tính cho công nhân nghỉ việc đến ngày 1-8-2021 nhưng do dịch bệnh phức tạp, tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày nên công ty cho nghỉ tiếp. Công ty có 33 ngàn lao động, để giữ chân và đảm bảo đời sống cho họ dù nghỉ vẫn trả nguyên lương và thêm 800 ngàn đồng hỗ trợ/người. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, không sản xuất được, DN khó duy trì được việc trả nguyên lương và trợ cấp cho người lao động vì số tiền lên đến hơn 165 tỷ đồng/tháng” - ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở KCN Biên Hòa 2 chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang cố gắng trụ vững để vượt qua những khó khăn trước mắt và hy vọng dịch bệnh được khống chế để khôi phục sản xuất trong 3 tháng cuối năm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, trong thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng dập dịch và triển khai các nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hương Giang

Tin xem nhiều