Sau khi Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, hoạt động vận tải hàng hóa, lưu thông giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã phần nào được khơi thông, góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân...
Sau khi Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, hoạt động vận tải hàng hóa, lưu thông giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã phần nào được khơi thông. Qua đó, góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân và đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồ họa thể hiện thông tin phương tiện được cấp thẻ nhận diện “vùng xanh” có gắn mã QR theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc) |
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa thì việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải cần được thực hiện nghiêm ngặt.
* Không để vận tải hàng hóa bị đình trệ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư xảy ra (từ cuối tháng 4-2021), sản lượng vận tải hành khách giảm sút mạnh, chỉ còn 20-30%; vận tải hợp đồng du lịch gần như “đóng băng”; doanh thu vận tải hàng hóa giảm sút 20-30%; số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.
Đặc biệt, khâu vận tải hàng hóa lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường. Điều đáng nói, các quy định phòng, chống dịch bệnh không đồng nhất giữa các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu gây áp lực rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa.
Để tạo thuận lợi cho lực lượng tài xế chạy xe chở hàng hóa đi lại trong thời gian các địa phương giãn cách xã hội, Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu Cục Y tế giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức xét nghiệm lưu động cho các tài xế tại một số địa phương có hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa mạnh. |
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Bộ GT-VT tổ chức các “luồng xanh” vận tải hàng hóa quốc gia, vận tải hàng hóa vùng và liên vùng. Điều này đã giúp chuỗi cung ứng hàng hóa không bị “đứt gãy,” đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức 19 vị trí chốt kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng dịch trên các tuyến quốc lộ thuộc “luồng xanh” quốc gia qua địa bàn 8 tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng công bố “luồng xanh” quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành phố.
Từ ngày 30-7, theo chỉ đạo của Chính phủ, các xe chở hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm vào vùng dịch sẽ không bị kiểm tra nếu đã có mã nhận diện QR khi đi trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các xe chở hàng hóa thiết yếu chỉ được thực hiện tại các điểm giao - nhận hàng hóa, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Các địa phương chủ động tổ chức giao thông nhưng không cứng nhắc, rập khuôn và xây dựng phương án phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh.
Theo ông Thành, tại những khu vực có lưu lượng mật độ đông, vị trí giáp ranh giữa các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương chủ động phân luồng giao thông từ xa, không để việc kiểm soát y tế gây ách tắc giao thông, đồng thời nghiên cứu, tổ chức nhiều điểm kiểm tra tại một chốt, bố trí bãi tập kết hàng hóa, quản lý lái xe tập trung để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa dừng lại để kiểm tra y tế, luồng lưu thông tại đường Hoàng Văn Bổn hướng từ H.Vĩnh Cửu đi quốc lộ 1 |
“Đến nay, tại các chốt kiểm soát giáp giữa Đồng Nai với TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dòng xe cộ lưu thông trên các tuyến quốc lộ đã thông thoáng hơn trước, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Hầu hết các phương tiện vận tải hàng hóa đã có mã nhận diện QR không phải dừng lại để chờ kiểm tra, công tác này chỉ thực hiện với những phương tiện khác” - ông Thành nói.
Thượng tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đánh giá, việc kiểm soát giao thông của lực lượng chức năng được thực hiện bài bản, khoa học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị thêm các thiết bị, tiếp tục sử dụng hiệu quả mã QR. Từ đó, góp phần đạt hiệu quả cao nhất theo yêu cầu của UBND tỉnh về kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến giao thông cũng như đảm bảo an toàn, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ.
* Phải đảm bảo phòng dịch nghiêm ngặt
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, “luồng xanh” ưu tiên cho xe qua các chốt kiểm soát giao thông nhưng không có nghĩa là buông lỏng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi hiện nay, ngành GT-VT chỉ mới cấp giấy nhận diện cho phương tiện, còn lái xe và người trên xe thì chưa. Do đó, người trên xe phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế như: có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hạn chế tiếp xúc trong khâu giao, nhận hàng hóa…
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho biết, mỗi lái xe đều có thể có rủi ro khi đi vào vùng dịch, có thể là tác nhân đưa mầm bệnh ra cộng đồng. Do đó, phải đảm bảo nghiêm ngặt an toàn phòng, chống dịch từ lái xe, người đi trên xe. Các doanh nghiệp phải kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho lái xe trước, trong và sau khi hoạt động.
Ông Hưng cho biết thêm, các đơn vị liên quan sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, kiểm tra về hoạt động vận tải, hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tại các đầu mối xếp hàng, bến xe, cảng…
“Đối với các phương tiện đi sai “luồng xanh” đã được cơ quan có thẩm quyền công bố cần phải xử lý nghiêm. Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết trong đảm bảo phòng, chống dịch bệnh” - ông Hưng nói.
Các phương tiện chở hàng hóa dừng lại để kiểm tra y tế, luồng lưu thông tại chốt kiểm soát đường Hoàng Văn Bổn giáp với quốc lộ 1 (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải |
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ngành và địa phương trong tỉnh về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ lái xe, người bốc xếp theo xe và thuyền viên… ra, vào cảng, bến thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện xét nghiệm theo quy định của cơ quan y tế. Đồng thời, làm đầu mối phối hợp với các cơ quan lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các đối tượng trên.
Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cần thông báo với các công ty trong các khu công nghiệp tổ chức kiểm soát chặt chẽ lái xe, người bốc xếp theo xe tại các điểm giao nhận hàng hóa đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Sở GT-VT đề nghị các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, lái xe và nhân viên đi cùng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình hoạt động vận tải. Chỉ cho phép lái xe, nhân viên đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 72 giờ), khai báo y tế đầy đủ khi có yêu cầu.
Công an tỉnh chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do tỉnh thành lập, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do địa phương thành lập không tổ chức kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, đưa đón công nhân viên, chuyên gia đã được cấp giấy nhận diện có gắn mã QR. Đồng thời, chỉ thực hiện kiểm tra thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến đối với những phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn giao thông; việc kiểm tra phải đảm bảo chặt chẽ, khoa học, không gây ùn tắc…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Việc lưu thông hàng hóa được tạo điều kiện thuận lợi nhưng đòi hỏi các các doanh nghiệp vận tải phải kiểm soát, nắm chắc hành trình di chuyển của lái xe, để từ đó có thể kiểm tra, xử lý nghiêm nếu lái xe không đảm bảo quy định phòng dịch cũng như đi lại.
Thanh Hải