Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ hè - thu: Đạt năng suất, nhưng lo về tiêu thụ

03:08, 07/08/2021

Hiện nông dân nhiều địa phương đang bước vào thu hoạch vụ hè - thu. Sản xuất lúa vụ hè - thu năm 2021 thuận lợi hơn mọi năm, năng suất tốt do năm nay mùa mưa đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước.

Hiện nông dân nhiều địa phương đang bước vào thu hoạch vụ hè - thu. Sản xuất lúa vụ hè - thu năm 2021 thuận lợi hơn mọi năm, năng suất tốt do năm nay mùa mưa đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước.

Đồ họa thể hiện kết quả ước đạt sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2021 tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kết quả ước đạt sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2021 tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Hiện nay, nhiều tỉnh ở khu vực phía Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch lúa hè - thu 2021. Trúng mùa nhưng nông dân trồng lúa đang gặp rất nhiều khó khăn do mọi chi phí đầu vào đều tăng trong khi giá lúa liên tục giảm mà vẫn khó tìm thương lái tiêu thụ.

* Vụ hè - thu thành công, năng suất tốt

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ hè - thu 2021 đạt gần 1,6 triệu ha, giảm 11 ngàn ha so với vụ năm ngoái. Diện tích lúa vụ hè - thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, nhờ năng suất bình quân tăng thêm 1,14 tạ/ha, nên bù đắp được sản lượng thiếu hụt do giảm diện tích và tăng 120 ngàn tấn so với vụ hè - thu năm 2020. Ngoài ra, diện tích gieo trồng vụ hè - thu năm 2021 với cây mì ở khu vực miền Nam đạt trên 64 ngàn ha; cây bắp đạt trên 55 ngàn ha; khoai lang gần 13,6 ngàn ha…

Tại Đồng Nai, vụ hè - thu năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 19,2 ngàn ha, giảm 712ha so với cùng kỳ năm 2020. Tuy giảm diện tích gieo trồng nhưng do nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất lúa vẫn tăng. Dự kiến tổng sản lượng lúa thu hoạch vụ hè - thu 2021 đạt trên 108 ngàn tấn, tăng gần 1,2 ngàn tấn. Cây bắp diện tích gieo trồng đạt trên 14 ngàn ha, giảm gần 2,7 ngàn ha; rau màu các loại đạt gần 5,3 ngàn ha…

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về sản xuất vụ hè - thu năm 2021 diễn ra ngày 8-7, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, về cơ bản, miền Nam đã có một vụ lúa hè - thu thành công, đạt năng suất tốt. Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản.

Cụ thể, các giống lúa thơm, đặc sản, lúa chất lượng cao đều tang, phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Lúa chất lượng trung bình vụ hè - thu 2021 giảm 4,7% so với cùng kỳ và còn khoảng 11,5% tổng diện tích gieo trồng.

* Nông dân gặp nhiều khó khăn

Ngay từ đầu vụ hè - thu năm 2021, nông dân gặp nhiều khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân trồng rau màu tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) cho biết, hiện giá nhiều loại phân bón tăng từ 10-30% so với vụ hè - thu năm ngoái. Đây là mức giá tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất, thậm chí còn cao hơn khi dịch bệnh bùng phát. Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao đã chồng chất thêm gánh nặng cho nông dân” - ông Hùng nói.

Thu hoạch lúa ở xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Thu hoạch lúa ở xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Cùng nỗi lo, bà Phạm Thị Ngát, nông dân trồng lúa tại xã Phú Điền (H.Tân Phú) so sánh, từ vật tư nông nghiệp cho đến các dịch vụ cày xới đất, công thu hoạch đều leo thang khiến giá thành sản xuất lúa đội lên rất nhiều so với trước. Vụ thu hoạch lúa hè - thu năm nay, nông dân càng gặp khó khăn khi giá lúa bán tại ruộng đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg và có thể còn giảm mạnh hơn khi rộ vụ thu hoạch vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Không chỉ cây lúa mà nhiều cây trồng khác đang gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh cũng như đầu ra trong tiêu thụ. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tổng diện tích trồng mì khu vực phía Nam hiện nay đạt trên 71 ngàn ha. Trong đó, có hơn 38 ngàn ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, tăng hơn 3,8 ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch khảm lá tùy vào mức độ nhiễm có thể làm giảm năng suất mì từ 10-50%.

Trong đó với hơn 1,6 ngàn ha mì bị bệnh khảm lá trên tổng diện tích mì là 13 ngàn ha, Đồng Nai đang đứng thứ 2 về diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá ở khu vực miền Nam. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh này, giảm thiểu mức độ phát sinh, gây hại của bệnh; đồng thời, quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm soát dịch nội tỉnh; điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh.

* Đảm bảo an ninh lương thực

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTBT), trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn, trị giá 1,64 tỷ USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu đều giảm ở hầu hết các chủng loại gạo, riêng một số loại gạo cao cấp như gạo ST24 và ST25 lại tăng đến 8 lần so với năm trước.

Dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cước container, cước tàu tăng cao, khó khăn trong việc vận chuyển, xuất khẩu, các thương nhân đang có xu hướng thận trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định nhập khẩu mới.

Thực tế cho thấy rất khó đưa ra các dự báo cho thị trường thương mại gạo trong những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nước nhập khẩu lớn sẽ tiếp tục dành nhiều quan tâm đến khối lượng gạo dự trữ quốc gia. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,2-6,3 triệu tấn gạo các loại.

Định hướng cho vụ thu - đông tới, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè - thu để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho vụ thu - đông tới. Dự kiến, sản xuất vụ thu - đông 2021, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ gieo sạ 700 ngàn ha, sản lượng ước đạt gần 3.864 ngàn tấn. Vụ mùa 2021, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 265 ngàn ha, sản lượng ước đạt 1.314 ngàn tấn, tăng 71 ngàn tấn.

Tại hội nghị trực tuyến về sản xuất vụ hè - thu 2021 diễn ra ngày 8-7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các tỉnh phía Nam chủ động trong công tác xuống giống vụ thu - đông để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, tránh được ảnh hưởng của triều cường, lũ lớn… Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ổn định, tăng trưởng về sản lượng lúa gạo có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như tham gia tốt thị trường xuất khẩu đang không ngừng được mở rộng. Căn cứ vào tình hình biến động thị trường giá lúa gạo, các địa phương cũng phải cơ cấu lại giống với mục tiêu gieo cấy diện tích lúa thơm, đặc sản khoảng 30% tổng diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, các giống chủ lực xuất khẩu khoảng 55-60%, hạn chế giống lúa nếp và lúa thường, chất lượng trung bình ở vụ thu - đông.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý thêm, các địa phương chú trọng tăng về chất lượng và giá thành vì dư địa tăng năng suất, đặc biệt với cây lúa là không còn nhiều. Hiện nay, xuất khẩu gạo phẩm cấp cao đang là lợi thế, nhất là tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu… Các địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cho các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất, chi phí vật tư đầu vào, hướng tới ngành lúa gạo giá trị, bền vững.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều