Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ và vừa "khó trăm bề"

08:09, 26/09/2021

Đối với nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, bào mòn sức chịu đựng của DN. Bức tranh chung là khó nhiều bề, nhưng từng DN thì lại có những áp lực khác nhau.

Đối với nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, bào mòn sức chịu đựng của DN. Bức tranh chung là khó nhiều bề, nhưng từng DN thì lại có những áp lực khác nhau.

Sản xuất găng tay cao su tại Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành)
Sản xuất găng tay cao su tại Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc công ty cho hay, thật sự hiện tại DN đang ở trong tình trạng gần như “tiến thoái lưỡng nan”. DN này chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm, thiết bị bằng gang, nhôm đúc… và cung ứng cho các DN trong khu công nghiệp. Thực tế, tình hình kinh doanh đang thụt lùi khi doanh số giảm chỉ còn 55% từ cuối tháng 6, khi các công ty đối tác nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội. Đến đầu tháng 7, DN gặp nhiều khó khăn về việc thu mua nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu tăng gấp 3 lần và khan hiếm nguồn cung cấp do các đơn vị cung cấp đóng cửa hoặc gặp khó khăn nguồn hàng nhập khẩu. Trong tháng 7, DN này vẫn hoạt động cầm chừng nhưng đến tháng 8 thì doanh số có thể nói là “về không” và công ty cũng ngừng sản xuất do hàng tồn nhiều.

Tuy nhiên, một vấn đề là việc xin tạm ngưng sản xuất của DN gặp khó, thêm vào đó, các địa phương cũng không tiếp nhận người lao động trở về đã gây ra nhiều thách thức cho công ty. Chính vì vậy, dù doanh thu 0 đồng và sản xuất tạm ngưng nhưng DN cũng vẫn đang phải “3 tại chỗ” khiến khó lại càng chồng thêm khó.

Không chỉ khó khăn trong sản xuất mà việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa cũng có vô vàn trở ngại. Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế mỹ thuật Thiên Nam (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, DN của ông đã hoạt động trở lại. Hiện tại DN này đang có hợp đồng lắp đặt các biển quảng cáo, hộp đèn cho hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart cũng như một số đơn vị khác. Do khách hàng ở nhiều khu vực khác nhau nên vấn đề lo ngại là lưu thông gặp khó khăn. Mặc dù DN đã đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa, sản phẩm theo luồng xanh nhưng việc đi qua các chốt, trạm kiểm soát là không dễ dàng. Nguyên do là tại mỗi địa phương, tỉnh, thành lại có những quy định khác nhau nên DN mất nhiều thời gian để làm các thủ tục. Việc tái hoạt động vì thế bị ảnh hưởng theo.

Tương tự, Công ty TNHH Hỗ trợ công nghiệp Thành Công (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp cho DN, nhất là các công ty “3 tại chỗ” cũng gặp vấn đề về di chuyển. Nguyên nhân là DN này đóng tại khu vực P.Long Bình - nơi có thời gian dài phong tỏa, cách ly y tế để hạn chế lây lan dịch bệnh. Dù cung ứng suất ăn công nghiệp là mặt hàng thiết yếu, được thành phố cũng như P.Long Bình chấp thuận cho ra vào với phương tiện vận chuyển, song về đến các chốt khu phố lại ách tắc. “Vừa rồi, do tài xế của công ty không được ra đường trước 6 giờ sáng nên không kịp giao suất ăn cho người lao động DN “3 tại chỗ”, chúng tôi phải đền bù cho đối tác hàng chục triệu đồng. Vấn đề là DN mong muốn có sự thống nhất và tuân thủ các quy định một cách rõ ràng từ trên xuống dưới” - ông Đào Văn Hợp, Giám đốc công ty mong muốn.   

Văn Gia

Tin xem nhiều