Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán tiêu thụ nông sản trong tình hình mới

03:09, 28/09/2021

Suốt gần 2 năm từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, sản xuất và tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề tiêu thụ, đầu ra cho nông sản hiện đang là bài toán khó, nhiều loại nông sản đối mặt với nguy cơ cần giải cứu...

Suốt gần 2 năm từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đến nay, sản xuất và tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề tiêu thụ, đầu ra cho nông sản đang là bài toán khó. Nhất là hiện nay, nhiều loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi vẫn đối mặt với nguy cơ cần giải cứu vì ùn ứ, khó tiêu thụ vì dịch bệnh.

Đồ họa thể hiện sản lượng trái cây, thịt heo, gia cầm của tỉnh dự báo cung ứng ra thị trường từ tháng 9 đến tháng 12-2021. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sản lượng trái cây, thịt heo, gia cầm của tỉnh dự báo cung ứng ra thị trường từ tháng 9 đến tháng 12-2021. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Từ doanh nghiệp, thương lái đến nông dân đều nỗ lực tìm kiếm giải pháp điều chỉnh sản xuất, đa đạng hóa kênh phân phối nông sản trên tinh thần “sống chung với dịch”.

* Nguy cơ giải cứu nông sản

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều loại nông sản của Đồng Nai rơi vào cảnh cần giải cứu vì đến vụ thu hoạch không có thương lái thu mua như: trái cây, rau củ tươi, heo, gà, thủy sản...

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Sở đã rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết.

Ngoài ra, đơn vị còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh. Việc dự báo, tổ chức sản xuất trên cây trồng cũng được đặc biệt quan tâm; nhất là trong hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Theo thống kê ban đầu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, hiện các tỉnh Đông Nam bộ vẫn còn tồn khoảng 7 triệu con gà đang chờ được tiêu thụ. Nhiều trại nuôi đã ngừng chăn nuôi hoặc giảm khoảng 30% tổng đàn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đầu ra vẫn khó khăn vì nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trại nuôi thua lỗ nặng thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ trại nuôi gà công nghiệp tại xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) so sánh, hiện giá gà đã tăng lên 15-17 ngàn đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm giá gà bán ra thấp kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, do mọi chi phí đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất 1kg gà thịt hiện nay đội lên gần 30 ngàn đồng/kg, với giá bán ra hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ hơn 40 ngàn đồng/1 con gà xuất chuồng.

“Trang trại lỗ đến lứa gà xuất bán vừa qua, có trang trại lỗ đến hàng tỷ đồng. Chăn nuôi gà công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản hàng loạt nếu thị trường tiêu thụ vẫn tiếp tục gặp khó khăn như thời gian qua” - ông Mẫn nói.

* Linh hoạt trong tiêu thụ nông sản

Diễn biến dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp, trong khi nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của nông dân, doanh nghiệp trong điều chỉnh sản xuất, nỗ lực đa dạng kênh tiêu thụ đến sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhất là từ chính quyền địa phương.

Sản xuất cây giống đang gặp khó khăn về đầu ra. Trong ảnh: Vườn giống chuối cấy mô tại H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên
Sản xuất cây giống đang gặp khó khăn về đầu ra. Trong ảnh: Vườn giống chuối cấy mô tại H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Dự báo về tình hình khó khăn của thị trường tiêu thụ, Sở NN-PTNT đã xây dựng kịch bản chi tiết về sản xuất và tiêu thụ nông sản, để chủ động thích ứng trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cơ sở theo dõi, cập nhật sản lượng gia súc, gia cầm cần giết mổ, sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch để có sự phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ không để tắc nghẽn, ùn ứ.

Trong đó, giải pháp được đặc biệt quan tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nông sản chủ lực có sản lượng lớn trên địa bàn tỉnh với quan điểm tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ; phối hợp với các địa phương trong tiêu thụ sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Việc cung cấp thông tin diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân, HTX, tổ hợp tác, trang trại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được cập nhật thường xuyên. Sở NN-PTNT rất quan tâm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là ổn định hoạt động cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm vật nuôi cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giảm bớt tình trạng ùn ứ heo, gà trong giai đoạn hiện nay.

Thu hoạch thanh long ở xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: TTXVN
Thu hoạch thanh long ở xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ NN-PTNT (gọi tắt là Tổ Công tác 970) đã có sáng kiến combo 10kg nông sản cung cấp tận nơi vừa góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các vùng sản xuất.

Theo TS Trần Minh Hải, thành viên của Tổ Công tác 970 cho biết, thời gian qua, sáng kiến combo 10kg nông sản đã thu hút rất nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam tham gia, góp phần phân phối hiệu quả nông sản cho các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội như: TP.HCM, Bình Dương... Chương trình khơi dậy một phương thức kinh doanh mới cho mặt hàng nông sản, thực phẩm phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tích cực hưởng ứng chương trình này, Đồng Nai đã hỗ trợ hàng ngàn túi combo lương thực, thực phẩm gồm: rau củ, thịt gà hoặc thịt heo, trứng, gạo đủ cho các hộ gia đình sử dụng từ 5-7 ngày.

Theo bà Tống Thị Hằng, Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT, các túi combo nông sản này hoàn toàn hỗ trợ miễn phí cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như: hộ nghèo, hộ tàn tật, neo đơn, lao động tự do mất thu nhập ở các khu nhà trọ… tại các khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ nguồn lương thực, thực phẩm thực trong túi combo trên mua từ những HTX, nông dân ở những vùng sản xuất đang gặp khó khăn về đầu ra trên địa bàn tỉnh.              

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Đồng Nai hiện có 121 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ với hàng trăm tấn nông sản tươi còn ùn ứ như: rau củ, trái cây, thịt gà, thịt heo, cá, tôm...

Dự báo từ tháng 9 đến tháng 12, tổng sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165 ngàn tấn. Các tháng cao điểm như tháng 12 là 64,4 ngàn tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường nội tỉnh trung bình chỉ khoảng 13 ngàn tấn/tháng. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ nhiều mặt hàng nông sản rơi vào cảnh cần giải cứu vẫn rất lớn vì nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Bình Nguyên


Ông LÊ VĂN QUYẾT, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ:

Ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động nông nghiệp

Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ bị phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời cả trong hoạt động sản xuất lẫn khâu tiêu thụ. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là đội ngũ lao động trong ngành Nông nghiệp được sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 vì họ đang trực tiếp sản xuất ra thức ăn hằng ngày. Tình trạng tồn hàng triệu con gà hiện nay cũng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhất là do nhiều nhà máy giết mổ xuất hiện trường hợp bị F0 phải tạm ngừng hoạt động nên gà, heo chen chúc trong chuồng không tiêu thụ được.

 

Ông LÝ MINH HÙNG, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom):

Cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu

Dịch bệnh Covid-19 khiến sức tiêu thụ của cả nông sản tươi và sản phẩm chế biến giảm mạnh. Trong đó, sản phẩm chế biến từ chuối và nhiều loại trái cây khác có giai đoạn đình đốn, nhưng chúng tôi vẫn duy trì ổn định sản xuất và không ngừng đa dạng thêm các sản phẩm chế biến sâu.

Cụ thể, ngoài các sản phẩm phổ biến như: chuối già lùn sấy dẻo, sấy giòn, HTX đang thử nghiệm chế biến bột chuối sử dụng cho người, bột chuối làm thức ăn gia súc vì tiềm năng xuất khẩu của dòng hàng này rất lớn.

HTX cũng đang đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm mới là bẹ chuối khô, vốn là phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Dòng sản phẩm mới này được nhiều đối tác từ Nhật Bản, châu Âu rất quan tâm, muốn hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, không chỉ 70ha chuối cấy mô của các xã viên HTX không lo đầu ra mà HTX sẵn sàng mở rộng liên kết, bao tiêu với nông dân trồng chuối tại địa phương.

Ông PAUL LE, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail (chủ đầu tư hệ thống siêu thị Big C):

Nỗ lực hết sức để người dân có rau củ quả tươi đến tận nhà

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19, tập đoàn chúng tôi đã thấy rõ tầm quan trọng của việc đóng góp, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong tiêu thụ nông sản, đồng thời chung tay tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, cung cấp cho các chuỗi siêu thị. Có thể dẫn chứng như chúng tôi đã hỗ trợ 1 tỷ đồng với 10 ngàn combo nông sản được trao đến cho người dân đang gặp khó khăn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Doanh nghiệp nỗ lực hết sức để người dân ở các tỉnh, thành đang gặp khó khăn nhiều nhất trong dịch Covid-19 có rau củ quả tươi đến tận nhà.

Tập đoàn Central Group có 13 siêu thị tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và chúng tôi mong chính quyền các địa phương hỗ trợ để siêu thị tổ chức xe đi gom các đơn hàng và giao hàng tận nhà cho người dân không có điều kiện đi siêu thị.


 

Tin xem nhiều