Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái sản xuất trong tình hình mới

03:09, 25/09/2021

Từ ngày 20-9, Đồng Nai bắt đầu thực hiện Kế hoạch số 11102/KH-UBND của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương trong tình hình mới.

 

Từ ngày 20-9, Đồng Nai bắt đầu thực hiện Kế hoạch số 11102/KH-UBND của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương trong tình hình mới.

Ngành Dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 mong sớm khôi phục lại sản xuất. Trong ảnh: Công ty CP Đồng Tiến chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang
Ngành Dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch lần thứ 4 mong sớm khôi phục lại sản xuất. Trong ảnh: Công ty CP Đồng Tiến chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

[links()]Các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai cũng căn cứ vào kế hoạch này để xây dựng phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh. Theo đó, phục hồi sản xuất phải đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

* Mở cửa từng bước

Theo UBND tỉnh, Đồng Nai có hơn 1,2 ngàn DN được phê duyệt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Trong đó, có hơn 1,1 ngàn DN trong các khu công nghiệp (KCN) và hơn 100 DN ở ngoài KCN. Tại các KCN có 1.254 DN/1.715 DN đã được phân bổ vaccine phòng Covid-19 với gần 226,3 ngàn người được tiêm, đạt tỷ lệ gần 36%.

Mục tiêu của Đồng Nai là thúc đẩy các phương án phục hồi kinh tế trong bối cảnh phải dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tình hình mới đòi hỏi DN nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao tính chủ động trong phòng, chống dịch để khôi phục sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chí về “vùng đỏ”, cam, vàng, xanh và các nguyên tắc về lộ trình mở dần từng bước để đạt tới trạng thái “bình thường mới” cho các vùng, với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn về dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho biết, tỉnh đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh, mở rộng “vùng xanh”, nới lỏng các quy định để DN phục hồi sản xuất hiệu quả. Đồng Nai cũng tiếp tục ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của DN, tìm cách tháo gỡ, tiếp thu các giải pháp phù hợp để đồng hành với DN vượt qua khó khăn, từng bước mở cửa lại kinh tế.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội các DN Hàn Quốc tại Đồng Nai nhận xét: “Đồng Nai đang từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế nhằm đạt được trạng thái “bình thường mới”, giải pháp “sống chung với Covid-19” được xem là phương án tối ưu trong thời điểm hiện tại. Thời gian qua, các DN Hàn Quốc tại Đồng Nai đã duy trì sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” trong điều kiện rất khó khăn. Các DN Hàn Quốc rất mong tỉnh nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, nới thêm các điều kiện phòng dịch để DN có thể khôi phục 100% công suất”.

Theo ông Park Hyun Bae, tuy tỉnh đã có động thái “mở cửa” cho việc tái phục hồi sản xuất, nhưng vẫn còn những ràng buộc nghiêm ngặt trong việc đưa lao động trở lại nhà máy nên có nhiều DN chưa thể khôi phục hoạt động như bình thường vì thiếu lao động.

Theo quy định của tỉnh, DN bổ sung, hoán đổi, cho lao động đi về hằng ngày phải đảm bảo lao động ở khu vực “vùng xanh”, đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày. Căn cứ vào các quy định trên, nhiều DN gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất, kinh doanh vì đa số lao động đang sinh sống trong các khu vực thuộc các “vùng đỏ”, cam, vàng hoặc chưa được tiêm vaccine.

Công ty TNHH Friwo Việt Nam (100% vốn của Đức) ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa sản xuất các linh kiện máy móc xuất khẩu mong muốn khôi phục lại sản xuất 100% để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang
Công ty TNHH Friwo Việt Nam (100% vốn của Đức) ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa sản xuất các linh kiện máy móc xuất khẩu mong muốn khôi phục lại sản xuất 100% để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) chia sẻ: “Gần 3 tháng qua, DN thực hiện cho lao động lưu trú tại nhà máy và giờ nhiều lao động muốn trở về nhà vì dự tính ban đầu chỉ lưu trú khoảng 15 ngày. Tuy nhiên, lao động trong công ty chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên việc đi về, hoán đổi, bổ sung công nhân rất khó khăn”.

* DN kiến nghị nhiều giải pháp

Hầu hết DN tại Đồng Nai đều ủng hộ kế hoạch mở cửa từng bước theo lộ trình của tỉnh để dần phục hồi kinh tế - xã hội, nhưng cũng mong tỉnh xem xét, nới lỏng hơn các quy định để có thể sớm trở lại hoạt động bình thường.

Toàn tỉnh hiện có 1,2 triệu người lao động (NLĐ) làm việc trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng lao động làm việc trong các KCN khoảng 630 ngàn người và NLĐ làm việc ngoài KCN khoảng 570 ngàn người. Trong đó, tại KCN hiện có hơn 134 ngàn NLĐ đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, còn hơn 490 ngàn lao động đang tạm nghỉ chờ việc tại các địa phương trong tỉnh hoặc đã trở về các tỉnh, thành khác. Nhiều DN rất mong tỉnh sẽ có giải pháp hỗ trợ trong việc đưa lao động trở lại nhà máy.

Nhiều DN đề xuất một số giải pháp để khôi phục sản xuất, kinh doanh là cần ưu tiên tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho NLĐ đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và lao động đang nghỉ chờ việc. Ngoài ra, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, mở rộng “vùng xanh” để NLĐ có thể đi, về và không phải ở lại công ty. Ngoài ra, sớm có phương án hỗ trợ DN liên hệ với các tỉnh, thành khác đón lao động trở lại Đồng Nai làm việc sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho DN, Nestlé Việt Nam đã tập trung vào 3 nhóm ưu tiên để giữ, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất là quan tâm đến nhân viên của công ty, bảo đảm cho họ được an toàn, mạnh khỏe. Nhóm thứ hai là tối ưu hóa nguồn cung cấp sản phẩm để duy trì tính liên tục trong hoạt động kinh doanh. Nhóm thứ 3 là Nestlé chung tay cùng Chính phủ, các địa phương trong phòng, chống dịch và hỗ trợ các gia đình, NLĐ gặp khó khăn”.

Tại Đồng Nai, Nestlé Việt Nam đã tổ chức cho hơn 1 ngàn nhân viên làm việc ở các nhà máy theo phương án “3 tại chỗ” và thực hiện nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất rất ổn định.

Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam góp ý: “Hiệp hội ủng hộ Đồng Nai thực hiện theo hướng “sống chung” và thích ứng an toàn với dịch bệnh. Nhưng tỉnh nên thường xuyên đánh giá, đôn đốc kế hoạch mở cửa trở lại để DN có thể hoạt động bình thường. Tiêm chủng là cách duy nhất giúp DN sớm khôi phục 100% công suất và tỉnh nên cho phép NLĐ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 di chuyển và làm việc bình thường. Về quy định chỉ NLĐ ở “vùng xanh” mới được trở lại làm việc gây khó cho DN, tỉnh có thể xem xét cho phép DN đón tất cả NLĐ từ các khu vực trở lại làm việc nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K”.

Các hiệp hội DN, DN đề xuất tỉnh nên số hóa trong quản lý để giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm thời gian, chi phí đi lại cho DN. Kiến nghị Chính phủ triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ cho DN như: gia hạn, miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay, giảm tiền điện, nước…

Hương Giang


Ông NGUYỄN TẤN LỘC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB:

Tiếp sức cùng địa phương chống dịch

Chúng tôi hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với hơn 80 lao động được hơn 2,5 tháng. NLĐ của GSB vẫn tích cực làm việc và tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn phòng dịch và đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Để chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất trong thời gian tới, nhà máy đã nhập về lượng lớn que test để lấy mẫu định kỳ cho công nhân. Các lái xe chuyên chở hàng hóa ra vào nhà máy cũng phải bắt buộc được test sàng lọc trước khi vào nhận hàng.

Việc trở lại sản xuất của GSB gặp thử thách lớn nhất là di chuyển và đảm bảo an toàn khi xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu vẫn đang là vùng cách ly y tế nên một phần lao động chưa thể tới nhà máy thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm” như kế hoạch. GSB đã hỗ trợ nhiều vật tư y tế cho UBND xã Thạnh Phú và Trung tâm Y tế huyện. GSB xác định đây là thời điểm bước ngoặt, nếu không chủ động tiếp sức thì không chỉ cộng đồng mà ngay chính DN cũng sẽ chịu tổn thất lớn.

Ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN HẢI, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh:

Nguy cơ đứt gãy đơn hàng và mất đối tác hiện diện rõ

Chúng tôi như “ngồi trên lửa” vì không thể sản xuất để giao kịp hàng cho đối tác. Khi địa phương có kế hoạch khôi phục sản xuất, DN rất mừng nhưng cũng đang loay hoay chưa biết phải thích ứng như thế nào, bởi phần lớn NLĐ vẫn nằm trong vùng dịch mà theo quy định sẽ không được lưu thông.

Điều đáng lo ngại là nguy cơ sẽ bị hủy đơn hàng bởi các đối tác không gia hạn thêm thời gian. Nếu điều đó xảy ra sẽ kéo theo những khó khăn dài hạn cho DN bởi để tìm kiếm được đối tác, xây dựng mối quan hệ thị trường phải mất nhiều năm, cùng với đó là sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, việc hồi phục sẽ mất nhiều thời gian”.

Ông LƯƠNG NGỌC HỒI, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (H.Trảng Bom): 

Cần ban hành hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe cho NLĐ “3 tại chỗ”

Hiện DN vẫn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành nghiên cứu giải pháp để áp dụng riêng cho DN “3 tại chỗ”, trước hết là vấn đề chăm sóc cho NLĐ, kể cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thứ hai là tạo điều kiện cho một số công nhân có hoàn cảnh và lý do chính đáng được về với gia đình. Chúng tôi có làm văn bản gửi các cơ quan liên quan nhưng vẫn chậm phản hồi về vấn đề này. Một số lao động làm đơn xin chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ không hưởng lương để về với gia đình nhưng muốn giải quyết cũng không được, công ty vẫn phải lưu họ lại bố trí khu ăn ở riêng.

Vương Thế


 

Tin xem nhiều