Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán hàng trực tuyến: ''Cơ'' trong ''nguy''

11:10, 01/10/2021

Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng hàng mua online tăng gấp nhiều lần so với trước và tăng so với bán hàng trực tiếp...

Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng hàng mua online tăng gấp nhiều lần so với trước và tăng so với bán hàng trực tiếp nhờ vào sự thích ứng tốt với công nghệ của người dân, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nói chung. Điều này giúp giữ nhịp ổn định cung - cầu cho ngành bán lẻ, tiêu dùng.

Người dân đặt mua các mặt hàng thực phẩm qua ứng dụng đặt hàng trên điện thoại thông minh. Ảnh: H.Hải
Người dân đặt mua các mặt hàng thực phẩm qua ứng dụng đặt hàng trên điện thoại thông minh. Ảnh: H.Hải

* Nhiều dịch vụ trực tuyến

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh đã nhanh chóng thích ứng với tình hình dịch bệnh; tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ trong các hoạt động mua sắm, buôn bán, thanh toán trực tuyến...

Nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.Biên Hòa linh động triển khai các dịch vụ đặt hàng online, triển khai các tổ, nhóm nhân viên “đi chợ hộ” rồi giao hàng cho khách đặt mua hoặc hẹn giờ để khách hàng trực tiếp đến lấy hàng theo các khung giờ phù hợp.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị áp dụng nhiều kênh đặt hàng trực tuyến với nhiều ưu đãi tích điểm thưởng cho khách hàng. Bên cạnh đó, siêu thị còn triển khai bán hàng trên các nhóm mua chung trực tuyến trên Zalo. Với hình thức này, khách hàng có thể lựa chọn mua hàng theo hình thức combo hoặc mua lẻ tùy nhu cầu, nhóm mua chung, góp phần tăng tương tác cho khách hàng.

Ông Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc Chi nhánh bưu chính Viettel Đồng Nai cho biết, người dân có thể cài đặt ứng dụng Voso trên điện thoại thông minh để đặt hàng và theo dõi đơn hàng. Các mặt hàng được bán với giá bình ổn gồm các loại nông sản: khoai tây, cà rốt, cà tím, khoai lang, chanh, sả… bán theo combo (khoảng 5kg củ quả) từ 80-120 ngàn đồng/combo. Tùy vào khu vực, vị trí khách hàng đặt đơn hàng, đơn vị sẽ có phương án giao hàng phù hợp, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

* Người tiêu dùng thuận tiện hơn

Các dịch vụ “đi chợ hộ”, đặt hàng trực tuyến được nhiều người dân lựa chọn để hạn chế ra đường, tập trung đông người, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều ứng dụng đặt mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

Anh Hoàng Duy (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, anh thường đi các chợ gần nhà, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua sắm từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả đến hàng tiêu dùng... Sau mấy lần dịch bệnh bùng phát, anh chuyển sang mua hàng online nhiều hơn. “Ngoài các ứng dụng giao đồ ăn, các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Shopee Food…, hiện các nhà bán lẻ, cửa hàng truyền thống cũng tích cực ứng dụng công nghệ để kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua bất kỳ loại thực phẩm, hàng hóa nào, chỉ cần biết sử dụng, kết nối internet trên điện thoại thông minh để đặt hàng. Do đó, dù dịch bệnh căng thẳng, cùng với các biện pháp siết chặt đi lại nhưng tôi vẫn có thể an tâm ở nhà chống dịch, không lo tích trữ nhiều hàng hóa, thực phẩm như thời gian đầu giãn cách xã hội” - anh Duy cho biết thêm.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, các kênh bán hàng trực tuyến của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đã phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua. Lượng đơn hàng trực tuyến ngày càng tăng, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, mang lại nhiều tiện ích cho người dân… Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ động các phương án chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu; kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm của địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại điện tử…  

Hoàng Hải

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích