Để phục hồi sản xuất trong thời gian tới, doanh nghiệp, nông dân mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, cũng như có nhóm giải pháp để sản xuất nông nghiệp sớm phục hồi...
Để phục hồi sản xuất trong thời gian tới, doanh nghiệp, nông dân mong muốn được tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như có nhóm giải pháp để sản xuất nông nghiệp sớm phục hồi và đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Nông dân H.Cẩm Mỹ trồng chanh dây xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên |
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào chiều 5-10, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phục hồi sản xuất trong khó khăn và tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
* Nhiều giải pháp hỗ trợ
Để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra 7 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện gồm: theo dõi sát tình hình sản xuất, mùa vụ, diễn biến thị trường để tuyên truyền, hỗ trợ người dân tái sản xuất, tiêu thụ nông sản; chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án huy động nguồn lực trên để sẵn sàng kịp thời hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển nông sản không bị ùn ứ; ưu tiên phân bổ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nguồn nhân lực trong các cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, thu hoạch, vận chuyển, chợ đầu mối, doanh nghiệp chế biến để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại ổn định; tăng cường công tác tuyên truyền gắn với kịch bản phát triển, phục hồi kinh tế sau giãn cách xã hội theo từng cấp độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19…
Trong đó, giải pháp triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được ban hành để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời gian tới. Việc kết nối, tiêu thụ không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản, sản phẩm chăn nuôi được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng đứt gãy trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn huyện. Huyện đã phối hợp với Sở Công thương, Sở NN-PTNT và các đơn vị khác trong hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Kết quả, hơn 2,6 ngàn tấn củ đậu, 11 tấn thanh long, hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại... trên địa bàn đã được tiêu thụ, giảm bớt khó khăn cho nông dân.
* Sản xuất theo chuỗi
Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cũng như giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao trong thời gian qua, giải pháp giảm giá thành sản xuất mang tính quyết định đến sức cạnh tranh của nông sản và đảm bảo cho lợi nhuận của nông dân. Trong đó, chỉ có liên kết mới đảm bảo cho sự thông suốt của chuỗi sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Đây cũng được cho là giải pháp để giảm giá thành sản xuất hiệu quả.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) cho rằng, dịch Covid-19 là cơ hội để điều chỉnh sản xuất, tính toán giá trị gia tăng trên từng diện tích đất sản xuất, không chỉ để tăng thu nhập mà còn phải quan tâm đến vấn đề môi trường, đến phát triển nông dân, nông thôn. Trên tinh thần đó, doanh nghiệp không chỉ tổ chức liên kết với các HTX mà còn tổ chức liên kết rộng hơn và chuỗi liên kết này phải đảm bảo tất cả trong một thể thống nhất từ quy hoạch sản xuất đến tổ chức sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ thành một mô hình. Trong mô hình đó, cần tính toán đồng bộ, tác động từ nhiều khâu làm sao cho chi phí giảm, giá thành rẻ, chất lượng và nông sản truy xuất được nguồn gốc.
Lê Quyên