Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách an sinh kịp thời đến với người lao động

11:11, 17/11/2021

Hơn 4 tháng qua, các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã cơ bản đi vào cuộc sống...

Hơn 4 tháng qua, các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã cơ bản đi vào cuộc sống. Theo Bộ LĐ-TBXH, các gói hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn được dư luận xã hội và người thụ hưởng đánh giá cao.

Người lao động bị mất việc làm nhận hỗ trợ tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.My
Người lao động bị mất việc làm nhận hỗ trợ tại P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.My

* Giải ngân hỗ trợ khoảng 60 ngàn tỷ đồng

Thống kê của Bộ LĐ-TBXH cho thấy, trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, ngừng sản xuất, kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Trước thực trạng này, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều chính sách, gói hỗ trợ khác nhau.

Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã giao Bộ đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm, thứ bảy, chủ nhật để hỗ trợ NLĐ. Đến nay, 3 nhóm chính sách triển khai đã giải ngân khoảng 60 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ trên 40 triệu lượt NLĐ và trên 500 ngàn người sử dụng lao động.

Công nhân LÊ THỊ MAI, làm việc tại Công ty TNHH Dongsung Vina Printing (TP.Biên Hòa), một trong những lao động được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 cho biết, chị rất vui và phấn khởi khi nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Theo chị Mai, sự hỗ trợ này về giá trị tuy không nhiều nhưng động viên rất lớn tinh thần NLĐ đang gặp khó khăn trong đại dịch. Từ đó, NLĐ sẽ tin tưởng, gắn bó với DN và địa phương.

Theo Bộ trưởng, các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không thể nào thông thoáng hơn, trong đó Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 116. Bộ trưởng lấy ví dụ, tại Nghị quyết 116, NLĐ không phải kê khai bất kỳ nội dung gì, tự động cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản ATM cho NLĐ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi dịch bùng phát, Bộ đã tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền và Quốc hội ban hành khẩn trương chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động để chia sẻ với doanh nghiệp (DN) cùng phát triển. Đối việc chi trả chậm ở một số địa phương, Bộ trưởng cho hay, do giãn cách xã hội kéo dài và số lượng người phục vụ quá lớn, khâu tổ chức thực hiện và lực lượng cơ sở còn nhiều vấn đề nên các chính sách còn khuyết điểm như: một số người nhận hỗ trợ chậm, một số người chưa được nhận, thậm chí có trường hợp phát nhầm, nhận nhầm.

Đối với vấn đề dư luận bất bình về việc trục lợi chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các quy định đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương, người đứng đầu của các ngành được phân công. Tất cả địa phương đều quan tâm đến việc điều tra, giám sát các gói chính sách hỗ trợ. Ông thừa nhận, việc trục lợi có xảy ra, nhưng về cơ bản các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

* Tăng cường hỗ trợ NLĐ

Tại Đồng Nai, ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho trên 400 ngàn lao động bị ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và cuộc sống. Tỉnh cũng như các cấp, các ngành đã tập hợp các nguồn lực để lập danh sách, rà soát, xét duyệt chi hỗ trợ kịp thời cho NLĐ. Qua đó, giúp NLĐ từng bước ổn định đời sống, vượt qua khó khăn để trở lại với công việc sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Sở LĐ-TBXH, thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt số tiền trên 2.059 tỷ đồng, trong đó đã chi hỗ trợ cho các đối tượng với số tiền trên 1.967 tỷ đồng.

Cụ thể, đã hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch tại 1.522 đơn vị sử dụng gần 138 ngàn lao động với kinh phí hỗ trợ trên 467 tỷ đồng; hỗ trợ NLĐ ngừng việc tại 898 đơn vị sử dụng hơn 172 ngàn NLĐ với số tiền trên 213 tỷ đồng; hỗ trợ cho 733.695 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc và các đối tượng đặc thù với số tiền trên 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho biết, thực hiện Nghị quyết 68, toàn công ty đã có trên 8 ngàn NLĐ mang thai và nuôi con nhỏ được hỗ trợ với số tiền 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, trên 23 ngàn lao động bị ảnh hưởng việc làm được nhận hỗ trợ kịp thời từ chính sách nhân văn này. Cùng với đó, hàng ngàn lao động của công ty đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ATM.

“Chúng tôi thấy các chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất nhân văn, đã kịp thời chia sẻ khó khăn với NLĐ. Đa số NLĐ đều phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ. Từ đó, giúp họ vượt qua khó khăn, yên tâm trở lại làm việc, gắn bó với DN” - ông Trường bày tỏ.

Còn đại diện Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty có trên 1 ngàn lao động ngừng việc 14 ngày trở lên, lao động nuôi con nhỏ và mang thai đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Các khoản hỗ trợ đã được chuyển vào tài khoản ATM của NLĐ. Công ty rất phấn khởi khi NLĐ được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng để ổn định cuộc sống.        

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong thời điểm xảy ra làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, các DN trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ duy trì cho hơn 134 ngàn/615 ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, chiếm tỷ lệ gần 22%. Đến nay, trên 92% DN khôi phục hoạt động sản xuất với gần 500 ngàn lao động trở lại làm việc, đạt trên 82%. Đặc biệt, ở ngành giày da, DN trở lại hoạt động tốt, các đơn hàng đang dồi dào nhằm phục vụ thị trường Giáng sinh và Tết Dương lịch 2022. Theo các DN, nếu dịch bệnh được kiểm soát ổn định, không xảy ra các ca F0 trong công ty thì thời gian phục hồi sản xuất của các công ty có thể chỉ mất 2-3 tháng. Hiện các DN đang tập trung tuyển thêm lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất.

Thảo My

Tin xem nhiều