Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội để mở rộng hợp tác và đầu tư

09:11, 11/11/2021

EVFTA đang mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư từ EU và các nước khác để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19...

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) còn mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư từ EU và các nước khác để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Gần 2 năm qua, dịch bệnh gây nhiều cản trở nhưng dòng vốn EU vào Đồng Nai vẫn tăng khá cao.

Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) đã đầu tư vào tỉnh hơn 400 triệu USD cho lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm, cà  phê
Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) đã đầu tư vào tỉnh hơn 400 triệu USD cho lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm, cà phê. Ảnh: K.MINH

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến đầu tháng 10-2021, EU đã đầu tư vào Việt Nam 2.250 dự án, chiếm gần 6,6% số dự án doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên cả nước với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 22,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ hơn 5,5% trong tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

* Đầu tư vào nhiều lĩnh vực

Nguồn vốn tới từ 26/27 quốc gia thuộc EU, trải dài trong 18 lĩnh vực kinh tế tại 52 tỉnh, thành của Việt Nam. Dẫn đầu các nước trong EU đầu tư vào Việt Nam là Hà Lan, tiếp đến lần lượt là Pháp, Đức. Nguồn vốn đầu tư của các DN EU thường tập trung vào ngành công nghiệp công nghệ cao và có xu hướng tăng vào các ngành dịch vụ, năng lượng sạch, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Carsten Schittek, Trưởng ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã ngăn cản nhiều nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam, nhưng thời gian tới khi dịch bệnh được khống chế tốt, việc đi lại giữa các nước thuận lợi, sẽ có nhiều DN từ EU vào Việt Nam đầu tư để hưởng các lợi thế từ EVFTA. Thời gian qua, Việt Nam có nhiều chính sách mới phù hợp với xu hướng phát triển của EU là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Xu hướng này sẽ giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư FDI để mở rộng xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Tại Đồng Nai, các DN châu Âu chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Đến đầu tháng 11-2021, các DN ở EU đã đầu tư vào tỉnh 70 dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 2,85 tỷ USD, tăng gần 150 triệu USD so với cuối năm 2020. Các DN của EU đa số đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản xuất thiết bị, linh kiện cho ô tô, máy công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm… Có 4 quốc gia trong EU đầu tư lớn vào tỉnh là Thụy Sĩ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Các nhà máy sản xuất của DN EU tại Đồng Nai đa số có ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nên sử dụng ít lao động. Đơn cử như: Tập đoàn Bosch, Schaeffler, Nestlé, Meggitt…

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (100% vốn Thụy Sĩ) chia sẻ: “Các nhà máy của Nestlé đầu tư vào Đồng Nai và các tỉnh, thành khác đều được ứng dụng công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường thế giới. Gần 2 năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến Nestlé Việt Nam nhưng tập đoàn vẫn quyết định tăng đầu tư vào Đồng Nai thêm 132 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất cà phê lớn và hiện đại nhất khu vực”. Đây là dự án đầu tư lớn của EU vào Việt Nam trong hơn 10 tháng của năm 2021.

* Thúc đẩy DN trong nước phát triển

DN EU khi đầu tư vào Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác rất chú trọng trong tìm nguồn cung ứng đầu vào trong nước. Mục tiêu là để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do có thể hưởng những ưu đãi về thuế quan.

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: “Các DN của EU đầu tư vào Việt Nam đa số có công nghệ hiện đại, đòi hỏi các nhà cung ứng nguyên phụ liệu trong nước cũng phải có đầu tư tương đương, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, lao động. Do đó, những DN tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng buộc phải đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để làm chủ công nghệ”.

Cũng theo ông Chung, những đòi hỏi trên của DN EU góp phần thúc đẩy công nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng xanh, khi DN trong nước trở thành đối tác của DN EU cũng dễ dàng liên kết, xuất khẩu sản phẩm sang những nước khác.

Thu hút đầu tư từ châu Âu tăng cao sẽ góp phần mở rộng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường trên và những thị trường khác. Sức hút từ EVFTA rất lớn, không chỉ riêng với các nước tham gia hiệp định mà cả những quốc gia khác cũng tăng đầu tư vào Việt Nam để nắm bắt lợi thế trên như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19 và đang trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. EU là đối tác lớn của Đồng Nai, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để các DN EU có thể đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào tỉnh, kết nối cung - cầu giữa DN EU và DN Đồng Nai để tăng tiêu thụ hàng hóa nội địa và xuất khẩu”.                                                                     

Khánh Minh

Tin xem nhiều