Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho hoạt động của trạm y tế lưu động

03:11, 13/11/2021

Tính đến nay, toàn tỉnh có 124 xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp (KCN) đã thành lập được trạm y tế lưu động nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng; quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà;…

Tính đến nay, toàn tỉnh có 124 xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp (KCN) đã thành lập được trạm y tế lưu động nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng; quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà; phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp bệnh nặng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân…

Trạm y tế lưu động P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) được đặt tại trạm y tế cố định của phường, nhân lực chuyên môn không tăng thêm. Ảnh: H.DUNG
Trạm y tế lưu động P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) được đặt tại trạm y tế cố định của phường, nhân lực chuyên môn không tăng thêm. Ảnh: H.DUNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu những xã, phường còn lại và 29 KCN phải khẩn trương thành lập các trạm y tế lưu động. Đến ngày 15-11, đơn vị nào chưa thành lập được trạm y tế lưu động thì bí thư xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước bí thư huyện, thành phố và Tỉnh ủy.

* Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện nay tỉnh đã thực hiện cách ly F0, F1 tại nhà nhằm giải phóng các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, nên việc thành lập các trạm y tế lưu động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là rất cần thiết. Tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn mà các địa phương, KCN tiến hành thành lập số lượng trạm y tế lưu động phù hợp, đảm bảo mỗi trạm y tế lưu động phụ trách
50-100 trường hợp F0 được cách ly trong địa bàn khu dân cư xã, phường, thị trấn hoặc phụ trách 500-1.000 trường hợp F0 cần được cách ly trong KCN, cụm công nghiệp.

Về vấn đề nhân lực, Sở Y tế yêu cầu mỗi trạm y tế lưu động ở khu dân cư phải có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và nhân viên y tế của trạm y tế cố định và huy động thêm lực lượng từ các cơ sở y tế tư nhân hoặc nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn.

Đối với trạm y tế trong KCN, mỗi trạm phải có tối thiểu 1 nhân viên biên chế thuộc trung tâm y tế hoặc trạm y tế phụ trách trưởng trạm, còn lại là nhân viên y tế của các công ty trong KCN. Số lượng tối thiểu từ 5 nhân viên y tế trở lên.

Đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà dưới sự giám sát, quản lý của các trạm y tế lưu động, ngân sách nhà nước sẽ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 theo quy định của pháp luật. Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT mắc các bệnh khác không bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 theo quy định hiện hành của pháp luật về BHYT.

Ngoài nhân viên y tế tham gia trạm y tế lưu động, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động nhân lực khác trên địa bàn như: Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết của trạm y tế lưu động. Địa điểm đặt các trạm y tế lưu động ở khu dân cư có thể là nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm văn hóa - thể thao…

Ở các KCN, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các đơn vị quản lý hạ tầng KCN chọn 1 cơ sở phù hợp để bố trí trạm y tế lưu động.

Các trạm y tế lưu động sẽ được trang bị xe lăn hoặc xe đẩy, cáng khiêng; dụng cụ đo nhiệt độ, huyết áp, ống nghe, máy đo SpO2 (tối thiểu 10 cái), có ít nhất 2 bình oxy loại 5 lít, túi oxy và 2 đồng hồ đo áp suất oxy, 2 mặt nạ thở oxy và các phụ kiện cần thiết khác để sử dụng oxy cho người bệnh. Có đầy đủ đồ bảo hộ, găng tay, cồn khử khuẩn, kính chắn giọt bắn; các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR; có ít nhất 2 số điện thoại thường trực để tiếp nhận thông tin từ gia đình có người nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà. Máy tính tại trạm phải có kết nối internet để sử dụng phần mềm chuyên dụng trong theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe các trường hợp nhiễm Covid-19…

* Khối lượng công việc tăng nhiều

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho biết, từ khi triển khai cách ly F0 tại nhà đến nay, cả 30 phường, xã của TP.Biên Hòa đều đã thành lập trạm y tế lưu động. Do khối lượng công việc rất lớn mà lực lượng y tế cơ sở không đảm bảo nên thành phố đã huy động thêm nhân lực là các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn cùng tham gia. Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế tư nhân huy động được không đủ để phân chia cho cả 30 trạm y tế lưu động toàn thành phố.

BS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng trạm y tế P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, trạm y tế lưu động của phường do trưởng trạm y tế quản lý chung. Ngoài ra, còn có 1 y sĩ, điều dưỡng của trạm cố định, 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng của phòng khám tư nhân và 27 người khác là lực lượng của các khu phố, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ.

Công việc của trạm y tế lưu động rất nhiều. Đó là tổng hợp danh sách người nhiễm Covid-19 trên địa bàn phụ trách; danh sách những F0, F1 đang cách ly tại nhà trên địa bàn. Hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà; phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời nếu ca F0 đang cách ly tại nhà có chuyển biến nặng; báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn phụ trách.

Ngoài ra, bác sĩ, nhân viên y tế của các trạm y tế lưu động còn có nhiệm vụ tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người nghi ngờ nhiễm Covid-19; xét nghiệm định kỳ để sàng lọc, tầm soát Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố. Sau đó, thông báo và trả kết quả xét nghiệm, tư vấn cho các trường hợp dương tính; hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm nhanh tại nhà và cách xử lý khi test nhanh dương tính…

Bên cạnh đó, nhân viên y tế của trạm còn tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn; sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng, tư vấn chuyển tuyến các trường hợp không đủ điều kiện tiêm chủng tại cộng đồng đến tiêm tại các cơ sở y tế; truyền thông về Covid-19, về chăm sóc sức khỏe cho người dân; khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn, hạn chế chuyển lên tuyến trên do tác động của dịch Covid-19.

BS Hoàng Trọng Đại, Trưởng trạm y tế P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) tâm sự, từ ngày 18-10 đến nay, toàn phường có hơn 500 F0 cách ly tại nhà. Trong đó, 217 trường hợp đã hoàn thành cách ly, còn khoảng 300 trường hợp đang tiếp tục được cách ly theo dõi tại nhà trên địa bàn phường. Do khối lượng công việc nhiều mà trạm y tế chỉ có 6 người gồm: 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 dược sĩ, 1 điều dưỡng, 1 cán bộ dân số nên phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, áp lực rất lớn.

Theo quyết định củng cố nhân sự tham gia Trạm y tế lưu động P.Tân Phong của UBND TP.Biên Hòa, trạm y tế lưu động của phường gồm có BS Hoàng Trọng Đại phụ trách chung; các thành viên là các nhân viên y tế hiện có của trạm y tế cố định và các thành viên thuộc các hội, đoàn thể, công an, dân quân, trưởng các khu phố… trên địa bàn phường. Riêng về hoạt động chuyên môn, Trạm y tế lưu động P.Tân Phong không được tăng cường thêm bác sĩ, điều dưỡng nào từ bên ngoài. “Nhiều tháng qua, chúng tôi phải thực hiện “3 tại chỗ” để chống dịch, không có thời gian nghỉ ngơi khiến sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. Mục đích của trạm y tế lưu động rất tốt, song cần phải có kế hoạch dài hơi, trong đó phải bổ sung nhân lực cho trạm để anh em có thể thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ. Một phường có đến 60 ngàn dân, trạm y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ phòng, chống dịch Covid-19 đến các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng… mà chỉ có 1 bác sĩ và 5 nhân viên y tế là không đủ” - BS Đại đề xuất.

* Cần quan tâm hơn chế độ đối với nhân viên y tế

Để hỗ trợ lực lượng y tế tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định các lực lượng y tế (không hưởng lương) và các lực lượng khác được huy động tham gia trạm y tế lưu động sẽ được chi trả phụ cấp chống dịch theo quy định của Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ. Mức phụ cấp từ 150-300 ngàn đồng/người/ngày tùy theo nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân.

Tuy nhiên, theo khảo sát trên địa bàn TP.Biên Hòa, không phải trạm y tế lưu động nào cũng huy động được lực lượng y tế tư nhân tham gia. Và cũng không phải bác sĩ, điều dưỡng của phòng khám tư nhân nào cũng chịu gắn bó lâu dài với trạm y tế lưu động. Có những trạm y tế, lực lượng y tế tư nhân vào ngày hôm trước, hôm sau đã rút đi với nhiều lý do, trong đó có vấn đề về thu nhập, thù lao. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn đối với các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc cố định tại các trạm y tế.

BS Hoàng Trọng Đại cho hay, tính cả thời gian ông công tác trong quân đội đến nay là gần 37 năm, riêng tại Trạm y tế P.Tân Phong là 5 năm. Tuy nhiên, mức thu nhập cả lương, phụ cấp của ông chỉ được khoảng 8 triệu đồng; 1 điều dưỡng thâm niên 3 năm làm việc tại trạm có mức thu nhập 4,3 triệu đồng, bao gồm cả 40% tiền phụ cấp độc hại và 1 y sĩ làm việc 2 năm chỉ có mức thu nhập hơn 3 triệu đồng. “Mức thu nhập này là rất thấp, chưa tương xứng với công sức mà chúng tôi bỏ ra” - BS Đại bộc bạch.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều