Trong khi hầu hết các trường tiểu học đều mong muốn cho học sinh khối 1, 2 đến trường để kiểm tra trực tiếp thì phụ huynh vẫn chia làm 2 luồng ý kiến...
Trong khi hầu hết các trường tiểu học đều mong muốn cho học sinh khối 1, 2 đến trường để kiểm tra trực tiếp thì phụ huynh vẫn chia làm 2 luồng ý kiến: nửa muốn con đến trường để được ôn tập trước khi kiểm tra, nửa muốn con ở nhà cho an toàn.
Nhiều học sinh tiểu học cần phải được đến trường ôn tập trước khi kiểm tra. Ảnh: TƯỜNG VI |
Sau thời gian học online kéo dài đến thời điểm này rất nhiều trẻ yếu về kỹ năng đọc, viết và làm toán. Vì vậy, nếu không sớm được đưa đến trường để giáo viên trực tiếp kèm cặp, các em khó có thể được đánh giá hoàn thành nội dung học tập.
* Rất nhiều học sinh cần được học trực tiếp
Để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ 1, Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc đã yêu cầu tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thống kê số lượng học sinh cần đến trường để ôn tập trước khi kiểm tra. Kết quả, có hơn 5.400/22.852 em thuộc danh sách này. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm đã lấy ý kiến phụ huynh về việc cho con đến trường ôn tập trước khi kiểm tra. Kết quả, có khoảng 4.500/5.400 phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Ngoài ý kiến của phụ huynh, việc có cho học sinh đến trường hay không còn phụ thuộc vào ý kiến của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, thị trấn.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho hay: “Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lớp 1, 2 có thể kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Dù kiểm tra bằng hình thức nào thì để giúp các em hệ thống nội dung kiến thức đã học, nhà trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn biên soạn đề cương ôn tập theo chương bài, chủ đề… Các trường có thể sắp xếp thời gian để học sinh yếu kém, đặc biệt là học sinh lớp 1, 2 đến trường để giáo viên hỗ trợ củng cố các lỗ hổng kiến thức thời gian qua trước khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1”. |
Nếu không được đến trường để giáo viên trực tiếp ôn tập, số học sinh trên khó có thể qua được kỳ kiểm tra, bởi đây đều là những học sinh mà giáo viên đánh giá là chưa hoàn thành nội dung học tập. Các em không thể theo kịp bạn bè sau thời gian học online kéo dài. Thậm chí, rất nhiều học sinh lớp 1 đến thời điểm này chưa đọc và viết được. H.Xuân Lộc dự kiến cho học sinh kiểm tra trước ngày 21-1. Như vậy, các em còn khoảng 4 tuần để chuẩn bị. Nếu có thể đến trường để giáo viên trực tiếp kèm cặp thì may ra còn có thể đuổi kịp chương trình.
Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) có đến 234/581 học sinh người dân tộc thiểu số (đa số là dân tộc Chăm). Các em gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học online, trong khi đó, nhiều phụ huynh không biết chữ nên không thể hỗ trợ giáo viên để chỉ bảo thêm cho con. Qua khảo sát, trường có 114 học sinh chưa hoàn thành môn Tiếng Việt. Ngoài ra, còn có gần 130 học sinh gặp khó khăn trong quá trình học online cần được đi học trực tiếp. Tổng cộng, trường có 241/581 học sinh cần đến trường để ôn tập trước khi kiểm tra nhưng chỉ có 205 phụ huynh đồng ý.
Thầy Phạm Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết về phương án cho học sinh đến trường ôn tập để trình UBND xã. Chúng tôi rất mong được UBND xã chấp thuận và phụ huynh đồng thuận để cho học sinh đi học”.
Cũng là trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số nhưng Trường tiểu học Lạc Long Quân (xã Xuân Phú, H. Xuân Lộc) có nhiều thuận lợi trong tổ chức kiểm tra học kỳ. Trường này chỉ có 10 lớp với tổng cộng 273 học sinh. Vì vậy, nhà trường quyết định tổ chức kiểm tra trực tiếp cho tất cả các lớp. Theo đó, mỗi lớp (sĩ số từ 25-28 học sinh) được chia làm 2, 3 phòng để kiểm tra. Dự kiến, trong 3 ngày là nhà trường sẽ hoàn thành tổ chức kiểm tra cho cả 5 khối.
* Còn nhiều băn khoăn
Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) đã xây dựng kế hoạch cho học sinh khối 1, 2 đến trường để ôn tập 1 tuần trước khi kiểm tra. Các phương án phòng, chống dịch đã được xây dựng cụ thể nhưng đa phần phụ huynh không đồng ý. Vì vậy, trong tuần sau nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp phụ huynh trực tuyến để lắng nghe chia sẻ của phụ huynh.
Cô Đào Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Đối với khối 3, 4, 5, nhà trường tổ chức kiểm tra online. Riêng đối với khối 1, 2 chúng tôi rất muốn kiểm tra trực tiếp để nắm rõ được năng lực của học sinh, đồng thời cũng làm cơ sở để đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Nếu phụ huynh đồng ý, hợp tác đưa trẻ đến trường thì chúng tôi sẽ chia mỗi lớp làm 2, huy động thêm giáo viên bộ môn đến trường để ôn tập cho học sinh, quản lý các em và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch… Tuy vậy, nếu phụ huynh không đồng ý thì trường buộc phải kiểm tra online”.
Chị Lê Thị Tuyết Loan (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) có 2 con đang học tiểu học (lớp 2 và lớp 4). Theo đánh giá của cá nhân chị, qua học online, các con tiếp thu được khoảng 80% lượng kiến thức mà cô giáo dạy. Trải qua thời gian dài học online, các bé đã quen với nề nếp học tập, thao tác máy… Vì vậy, vợ chồng anh chị hầu như không cần phải hỗ trợ các con.
“Tôi khá hài lòng với việc học của con nên vẫn chưa muốn các bé đến trường. Năm nay kiến thức chậm một chút thì năm sau có thể bù lại. Sức khỏe của bé mới là quan trọng” - chị Loan chia sẻ thẳng thắn.
Cũng đồng tình với chị Loan, chị Trần Thị Hà (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nếu dịch bệnh được kiểm soát cũng mong con được học tại trường nhưng hiện tại ngoài cộng đồng đang có quá nhiều F0. Tôi lo là lỡ bé đi học bị dính F0 rồi về lây cho ông bà. Vì vậy, nếu trường tổ chức cho các bé đi học, tôi sẽ cho bé nghỉ ở nhà thêm 2-3 tuần đợi xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp”.
Tường Vi