Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao năng lực điều trị để giảm ca tử vong do Covid-19

03:12, 16/12/2021

Những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh liên tục ở mức cao, nâng tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 từ 0,9% trên tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội lên 1,14%.

Những ngày gần đây, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh liên tục ở mức cao, nâng tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 từ 0,9% trên tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội lên 1,14%.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hiện còn giường trống có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nhưng không có nhân lực để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ảnh: H.Dung
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hiện còn giường trống có thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nhưng không có nhân lực để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh có sớm chỉ đạo để thực hiện đồng loạt các giải pháp nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân, giảm số ca tử vong.

* Trung bình mỗi ngày ghi nhận 10-12 ca tử vong

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, tính đến ngày 14-12, tổng số ca tử vong do Covid-19 toàn tỉnh là 1.064 ca/tổng số 92.578 bệnh nhân Covid-19.

Từ ngày tỉnh ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 (ngày 9-7-2021) đến ngày
10-10-2021, số ca tử vong là 503 ca. Từ ngày 11-10 (thời điểm tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ) đến ngày 14-12, số ca tử vong là 561. Như vậy, trong giai đoạn đầu, số ca tử vong do Covid-19 dao động trung bình khoảng 6 ca/ngày. Đến giai đoạn sau khi tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, số ca tử vong trung bình 8 ca/ngày, riêng 2 tuần trở lại đây, số ca tử vong tăng cao hơn, trung bình khoảng 10-12 ca/ngày, có những ngày lên đến vài chục ca.

Để nâng cao công suất điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đồng ý việc chi 20 tỷ đồng mua sắm máy thở, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị… để Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai thêm 20 giường hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Trong số các ca tử vong do Covid-19, có đến 92,7% là người từ 50 tuổi trở lên, ghi nhận 4 trường hợp tử vong dưới 18 tuổi, 25 ca tử vong tại nhà, 21 ca tử vong ngoại viện, 40 ca tử vong tại các khu cách ly tập trung, còn lại là tử vong tại các cơ sở điều trị tầng 2, tầng 3. Số bệnh nhân tử vong mà chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 chiếm 51,4%, 23% bệnh nhân đã tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản, còn lại đã tiêm 1 liều vaccine. Tỷ lệ tử vong giai đoạn từ khi tỉnh nới lỏng giãn cách tại tầng 3 của tháp điều trị có xu hướng giảm so với giai đoạn đầu. Số ca tử vong ở tầng 1 chủ yếu tử vong tại nhà, một số trường hợp F0 tự phát hiện nhưng không báo với cơ sở y tế, một số trường hợp F0 có báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời từ các lực lượng chức năng. Đến khi bệnh diễn tiến nặng, không được hỗ trợ xử lý kịp thời dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Đáng lưu ý, thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội không ghi nhận trường hợp F0 nào tử vong tại nhà. Việc quản lý ca bệnh rất tốt, không có tình trạng F0 không được hỗ trợ như hiện nay.

* Quản lý F0 tại nhà chưa tốt, chuyển tuyến chậm

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho hay, trong 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân mắc Covid-19 đến cấp cứu tại bệnh viện tăng đột biến. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đưa vào cấp cứu quá muộn, tình trạng nguy kịch, không còn khả năng cứu chữa nên đã tử vong sau đó. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 tử vong đều kèm theo bệnh nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy thận, béo phì, ung thư, tai biến mạch máu não. Bệnh nền cùng với tuổi cao làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể và dễ tổn thương đa cơ quan khi mắc Covid-19.

Đồng Nai bắt đầu triển khai cách ly F0 tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh vào cuối tháng 10-2021. Từ đó đến nay, số F0 tăng rất nhanh. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện có hơn 58,4 ngàn F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang thực hiện cách ly tại nhà và hơn 103,1 ngàn F0 khác đã hoàn thành cách ly. TP.Biên Hòa vẫn là địa phương dẫn đầu số ca F0 đang cách ly tại nhà với hơn 35 ngàn trường hợp.

Nhân viên y tế của các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.Biên Hòa luôn trong tình trạng quá tải vì số ca F0 cách ly tại nhà đông, tăng nhanh
Nhân viên y tế của các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.Biên Hòa luôn trong tình trạng quá tải vì số ca F0 cách ly tại nhà đông, tăng nhanh

Do số ca bệnh quá nhiều mà lực lượng y tế cơ sở rất mỏng, cộng với áp lực nặng nề về việc cấp giấy nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, cấp quyết định cách ly, hoàn thành cách ly tại nhà… nên nhiều trường hợp F0 dù gọi điện thoại cho trạm y tế nhiều lần nhưng không nhận được hỗ trợ, không được phát các túi thuốc điều trị F0 tại nhà. Chính vì thế, có trường hợp F0 trở nặng nhanh mà người nhà (hoặc không có người nhà) không biết để đưa đi cấp cứu, nhất là việc khó nhận biết dấu hiệu thiếu oxy ở người già dẫn đến tình trạng F0 tử vong tại nhà trước khi được lực lượng y tế hỗ trợ.

Bên cạnh đó, trong 2 tuần qua, tỉnh Đồng Nai thiếu thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác điều trị. Ở tầng 2, tầng 3 của tháp điều trị, hiện nhân lực hỗ trợ của Trung ương đã rút về hết dẫn đến thiếu nhân lực phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, đặc biệt rất thiếu bác sĩ được đào tạo hồi sức tích cực ở tầng 2, tầng 3.

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất kiến nghị Sở Y tế sớm có giải pháp để hỗ trợ nhân lực cho Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng đặt tại bệnh viện. Bởi hiện nay, số ca mắc Covid-19 vào cấp cứu tại bệnh viện rất nhiều. Tầng 3 của bệnh viện hiện vẫn còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhưng không còn nhân lực để vận hành. Nhiều bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện hoặc vào bệnh viện cấp cứu khi tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng, nguy kịch nên dù lực lượng y tế nỗ lực hết sức vẫn không thể cứu được.

* Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, trước tình trạng số ca tử vong do Covid-19 tăng cao mà thuốc kháng virus lại hết, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cấp cho tỉnh 1 triệu viên thuốc kháng virus Molnupiravir. Tuy nhiên, mới đây tỉnh chỉ được cấp 100 ngàn viên thuốc kháng virus. Số thuốc này sẽ được ưu tiên sử dụng cho những F0 trên 50 tuổi, có bệnh nền, ưu tiên cho người bệnh điều trị tại tầng 1 để hạn chế tối đa tình trạng bệnh chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Mặc dù tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh được tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản đã đạt 97%, nhưng 3% người dân còn lại chưa được tiêm vẫn còn khá nhiều. Bởi vậy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo rà soát, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm chắc danh sách những người chưa được tiêm, chưa tiêm đủ 2 liều vaccine đang sinh sống trên địa bàn, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền để tổ chức tiêm vét cho người dân, đảm bảo không bỏ sót người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine trên địa bàn quản lý.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đề nghị các địa phương cần nâng cao năng lực của trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, theo dõi, quản lý F0 tại nhà. Đảm bảo người chăm sóc F0 và nhân viên phụ trách theo dõi F0 tại nhà nắm vững và nhận biết được các dấu hiệu bệnh nhân chuyển nặng để kịp thời xử lý theo quy định.

Các huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn và nâng cao năng lực các khu điều trị F0 của huyện, thành phố để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ. Giao cán bộ trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa khu vực làm lãnh đạo khu điều trị F0, phụ trách chuyên môn. Huấn luyện, đào tạo nhân viên y tế để đánh giá, phân loại nguy cơ đúng, phân tầng hợp lý, nhận biết và xử lý sớm các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Các trường hợp có nguy cơ từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền cần được theo dõi, điều trị tại các khu điều trị F0 cấp huyện hoặc bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị Covid-19 thuộc tầng 2. Tầng 1, tầng 2 cần chuyển tuyến kịp thời, an toàn cho người bệnh có dấu hiệu nặng, nguy kịch. Củng cố các đội điều trị cơ động phản ứng nhanh. Các bệnh viện tuyến trên nếu không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nặng do hết giường điều trị thì cử đội cơ động về hỗ trợ tuyến dưới điều trị tại chỗ.

Để có thêm nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị cần huy động y tế tư nhân, đội ngũ tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch để giảm tải cho nhân viên y tế công lập. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại để đảm bảo nhân lực khi tình hình dịch bệnh tăng cao. Sở Y tế kiến nghị tỉnh quan tâm chế độ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế các tuyến tham gia công tác phòng, chống dịch để động viên tinh thần và hạn chế tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước về công tác điều trị và tiêm vaccine phòng Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh của người dân. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang trước dịch bệnh. Tập trung thực hiện tốt nguyên tắc 5K + vaccine + công nghệ + điều trị.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều