Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó

11:12, 08/12/2021

Trong thời gian dài dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp vận tải đã phải vận dụng mọi khả năng để có thể vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp vận tải cần những chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động trong đại dịch. Trong ảnh: Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: V.Nguyên
Các doanh nghiệp vận tải cần những chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động trong đại dịch. Trong ảnh: Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: V.Nguyên

[links()]Trong thời gian dài dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp (DN) vận tải đã phải vận dụng mọi khả năng để có thể vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều quy định ban hành còn có rào cản khiến cả DN lẫn người lao động khó tiếp cận.

* Khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ

Ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với số tiền 26 ngàn tỷ đồng. Theo Nghị quyết 68/2021/NĐ-CP, trong số 12 nhóm chính sách thì có 7 chính sách hỗ trợ tiền mặt một lần cho người lao động trực tiếp bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19.

Đặc biệt, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% được xem là liều thuốc trợ lực kịp thời giúp DN và người lao động vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, triển khai chính sách này như thế nào đang là vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm.

Ông Hoàng Văn Tấn (đại diện một DN vận tải ở H.Trảng Bom) cho biết, không chỉ công ty ông mà nhiều DN khác đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Thậm chí, đã có DN phải bán tài sản trả nợ, nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ không hề đơn giản, thuận lợi.

Theo ông Tấn, đối với ngân hàng, trường hợp đồng ý cho DN vay nợ, chậm nộp, giảm lãi suất thì phải thành lập quỹ trích lập dự phòng. Gói hỗ trợ cũng chỉ áp dụng đối với những DN dừng hoạt động để cách ly y tế, người lao động bị cách ly, giãn cách xã hội, số lượng xe dừng hoạt động 100%. Thực tế, khác với vận tải khách, vận tải hàng hóa có những thời điểm phương tiện vẫn hoạt động, nhưng công suất chỉ đạt 40-50%. DN muốn được hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại nhưng không thể đăng ký thực hiện.

“Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là vô cùng cần thiết, nhưng cho đến nay, rất ít DN tiếp cận được. Như với hoạt động ngân hàng, DN mong muốn phải giảm lãi hơn nữa, nhưng quy định chỉ giảm từ 2-3%, bằng với lãi suất huy động hiện nay. Mặt khác, các ngân hàng nên cơ cấu lại nợ của DN đến thời điểm này, cho trả chậm, giảm lãi suất và bỏ điều kiện trích lập quỹ dự phòng” - ông Tấn nói.

* Duy trì các biện pháp hỗ trợ

Mới đây, Bộ GT-VT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ GT-VT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh như: giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31-12-2021 và không thu phí dừng, đậu, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31-12-2021.

Bộ GT-VT cũng đang sửa đổi Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo dự thảo, mức phí, lệ phí áp dụng trong 35 lĩnh vực: môi trường, ngân hàng, xây dựng, chứng khoán, du lịch, sở hữu công nghiệp, GT-VT… giảm 10-50% so với mức thu được ban hành tại các thông tư gốc. Thời gian giảm phí, lệ phí từ ngày 1-1 đến 30-6-2022. Trong lĩnh vực GT-VT, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải khách giảm 30%; xe tải, ô tô tải chuyên dùng, xe đầu kéo chuyên dùng giảm 10%.

Ông Lê Văn Đức,  Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở GT-VT cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động vận tải bị gián đoạn trong thời gian dài khiến DN gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho DN vận tải vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 68/2021/NĐ-CP, người lao động liên hệ địa phương để làm thủ tục xin hỗ trợ. Với DN có phương tiện ngưng hoạt động thì sẽ được miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phía ngân hàng cũng có chính sách xóa nợ để các DN phục hồi sản xuất theo quy định của Chính phủ.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều