Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư

11:01, 03/01/2022

Trong tình hình mới hiện nay, chính sách, chủ trương, đường lối đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần phải được triển khai một cách quyết liệt hơn, cụ thể hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm để triển khai hiệu quả.

[links()]Trong tình hình mới hiện nay, chính sách, chủ trương, đường lối đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cần phải được triển khai một cách quyết liệt hơn, cụ thể hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm để triển khai hiệu quả.

Giá chuối xuất khẩu giảm mạnh vì xuất khẩu gặp khó. Trong ảnh: Thu hoạch chuối tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên
Giá chuối xuất khẩu giảm mạnh vì xuất khẩu gặp khó. Trong ảnh: Thu hoạch chuối tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên

Chính sách phát triển phải thể hiện tầm nhìn xa qua quy hoạch, định hướng lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu và phát triển dựa vào khoa học công nghệ, nhất là đầu tư cho khâu bảo quản, chế biến...

* Đồng bộ trong đầu tư

Để giải bài toán đầu ra cho nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp (DN), HTX, nông dân đều bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về vốn, công nghệ và nhiều chính sách ưu đãi trong xây dựng chuỗi liên kết… để duy trì và khôi phục sản xuất trong khó khăn.

Các DN cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan quan tâm đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là tạo điều kiện để DN, hiệp hội các ngành hàng gặp gỡ, tiếp cận các tập đoàn, trung tâm thương mại lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản của các nước để kết nối, mở rộng kênh xuất khẩu.

Tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành Nông nghiệp đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước. Tuy nhiên, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành Nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, Bộ NN-PTNT cần tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững. Thủ tướng nên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN-PTNT trong vấn đề quản lý đất đai; trao thêm quyền điều phối cho Bộ NN-PTNT trong những vấn đề liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản”.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, nhiều địa phương đang quan tâm đến chuyển đổi số như là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, các sàn thương mại điện tử đã thực sự phục vụ cho ngành Nông nghiệp, giúp các hộ nông dân xây dựng thương hiệu như một DN, cung cấp thông tin đến từng cây, từng con. “Trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành Nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành Nông nghiệp trong chuyển đổi số” - ông Hùng khẳng định.

* Chú trọng khâu bảo quản, chế biến

Đầu tư cho logistics, bảo quản, chế biến nông sản được cho là giải pháp hữu hiệu của bài toán khó nông sản ùn ứ, dội chợ liên tục xảy ra trong thời gian qua vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Nhiều DN kinh doanh nông sản, nhất là mặt hàng trái cây tươi bày tỏ mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư các khu sơ chế, bảo quản công nghệ cao để bảo quản nông sản, trái cây tươi khi xảy ra ùn ứ vì hầu như các sản phẩm của Việt Nam đều theo mùa vụ; đặc biệt, cần đầu tư hệ thống kho lạnh quy mô lớn tại các cửa khẩu xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc để giải quyết được ách tắc trong trường hợp thông quan bị chậm trễ.

Ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam nhận xét, hiện xuất khẩu rau quả chế biến rất thuận lợi so với sản phẩm tươi và Việt Nam đã có một số sản phẩm cạnh tranh tốt khi xuất khẩu vào thị trường các nước. Mong Chính phủ quan tâm có nhiều giải pháp thiết thực hơn trong thúc đẩy, thu hút đầu tư chế biến.

Dưới góc độ DN, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (tại xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, hơn bao giờ hết ngành chế biến đang ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong khâu ổn định đầu ra cho nông sản. Vụ sản xuất vừa qua, DN đã đưa vào chế biến được từ 30-50 tấn trái sầu riêng tươi/ngày. Trong giai đoạn trái sầu riêng rộ vụ thu hoạch, gặp khó khăn về đầu ra, DN đã mua cả ngàn tấn sầu riêng của nông dân Đồng Nai trong vòng 20 ngày. Chính vì vậy, ngay cả thời điểm rộ vụ thu hoạch trong giai đoạn thị trường tiêu thụ gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nông dân trồng sầu riêng của Đồng Nai vẫn bán được giá tốt, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức chung của thế giới được gói gọn trong 4 từ: biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ và những thách thức, khó khăn riêng của ngành như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Bộ NN-PTNT định hướng phát triển trong giai đoạn tới là phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

   Lê Quyên

 

Tin xem nhiều