Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy cho trẻ về quyền trẻ em

11:01, 09/01/2022

Để thực hiện được quyền trẻ em, hơn ai hết, trẻ cần biết về quyền của mình. Việc tuyên truyền Luật Trẻ em và các quyền của trẻ cần được thực hiện thường xuyên, rộng khắp...

Để thực hiện được quyền trẻ em, hơn ai hết, trẻ cần biết về quyền của mình. Việc tuyên truyền Luật Trẻ em và các quyền của trẻ cần được thực hiện thường xuyên, rộng khắp với những hình thức hấp dẫn hơn.

Học sinh tham gia Diễn đàn trẻ em được tổ chức tại Trường tiểu học Phú Điền (H.Tân Phú) vào ngày 3-7-2020
Học sinh tham gia Diễn đàn trẻ em được tổ chức tại Trường tiểu học Phú Điền (H.Tân Phú) vào ngày 3-7-2020

Phát triển công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý học đường được xem là những giải pháp hiệu quả để trang bị cho trẻ kỹ năng để giải quyết căng thẳng, khủng hoảng của bản thân.

* Tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em

Kể từ khi Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua (năm 2016), các sở, ngành như: Sở LĐ-TBXH, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn… đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các quyền trẻ em.

Trong đó, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện Luật Trẻ em và các quyền trẻ em. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh đến nhiều trường học để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có nhiều nội dung về Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em… Các chương trình này đã thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Hằng năm, Sở LĐ-TBXH phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói. Đây là cơ hội để trẻ em được nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân; đồng thời cũng chính là cơ hội để người lớn, các tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em lắng nghe, tìm giải pháp.

Chị Nguyễn Ngọc Thảo An, Phó bí thư Thành đoàn Biên Hòa, Chủ tịch Hội đồng Đội (HĐĐ) TP.Biên Hòa cho biết, HĐĐ TP.Biên Hòa đã tuyên truyền Luật Trẻ em bằng nhiều hình thức như: loa thông tin, bản tin măng non, tuyên truyền trên fanpage, phát tờ rơi, đăng tải nhiều video clip, phim ảnh… Bên cạnh đó, HĐĐ TP.Biên Hòa còn tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi như: hội thi Thiếu nhi Biên Hòa vui khỏe an toàn, hội thi Thiết kế sản phẩm tuyên truyền Luật Trẻ em, mô hình Hộp thư điều em muốn nói, Tổ tư vấn học đường... Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HĐĐ TP.Biên Hòa cũng có nhiều hoạt động phù hợp thông qua hình thức trực tuyến.

Hiện nay, HĐĐ TP.Biên Hòa đang tổ chức hội thi Thiết kế sản phẩm truyền thông tuyên truyền Luật Trẻ em. Theo đó, các đơn vị dự thi sẽ thực hiện các video clip có hình thức hấp dẫn nhằm tuyên truyền có hiệu quả Luật Trẻ em. Các video clip này sẽ góp phần tăng cường hiểu biết của học sinh, phụ huynh và xã hội về quyền trẻ em.

* Phát triển công tác xã hội trong trường học

Thực trạng nhiều trẻ bị vi phạm quyền trẻ em: bị bạo hành, xâm hại tình dục… đặt ra nhiều thách thức cho cả xã hội. Để giải quyết những vấn nạn này, vai trò của nhà trường là rất lớn. Các hoạt động như: tư vấn tâm lý học đường, các CLB nhằm hỗ trợ học sinh… tuy đã có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Ông Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường đa số là kiêm nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng truyền tải thông điệp, thậm chí còn thiếu nhiệt tình đối với mảng hoạt động này. Vì vậy, việc quan tâm đến chất lượng và thúc đẩy phát triển hoạt động tư vấn tâm lý học đường là điều rất quan trọng”.

Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng là việc mà các trường học cần phải chú trọng. Mới đây nhất, ngày 7-1, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện một số giải pháp nhằm trang bị kỹ năng sống và bảo vệ học sinh, trẻ em. Trong đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị chủ động và tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên trong nhà trường và gia đình của học sinh, trẻ em về các quyền của trẻ em, trách nhiệm việc thực hiện quyền của trẻ em và bảo vệ trẻ em; công tác tư vấn, hỗ trợ gia đình người học về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, kỹ năng kiềm chế cảm xúc bản thân trong quá trình dạy trẻ học tập…

Bên cạnh đó, phát triển công tác xã hội trường học cũng là một vấn đề đang được đặt ra. Công tác xã hội có thể là cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường nhằm giải quyết những căng thẳng, khủng hoảng của trẻ…

Để thực hiện điều này, ngày 7-1, Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn về Phát triển công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, Sở GD-ĐT yêu cầu 100% trường học phải  triển khai hiệu quả công tác xã hội trường học gắn với thực hiện công tác tư vấn tâm lý và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Khi triển khai hoạt động này, học sinh sẽ được tăng cường nâng cao kiến thức và kỹ năng để học sinh tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội. Bản thân cha mẹ học sinh cũng sẽ được hỗ trợ để hiểu, chia sẻ, đồng hành với trẻ.       

Tường Vi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích