Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông - vận tải

03:01, 06/01/2022

Chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng và là động lực chủ đạo cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, giao thông - vận tải là một trong những lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý...

 

[links()]Chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng và là động lực chủ đạo cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, giao thông - vận tải (GT-VT) là một trong những lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý nhằm mang lại sự tiện ích, thuận lợi và an toàn cho người dân.

Đồ họa thể hiện thông tin ngành GT-VT đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trên một số lĩnh vực quan trọng. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)
Đồ họa thể hiện thông tin ngành GT-VT đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trên một số lĩnh vực quan trọng. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)

Chuyển đổi số ngành GT-VT giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển giao thông thông minh…

* Tạo cơ hội đột phá cho ngành GT-VT

Bộ GT-VT vừa phê duyệt chương trình Chuyển đổi số Bộ GT-VT đến năm 2025, định hướng đến 2030 với 3 trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Bộ GT-VT sẽ tập trung vào Chính phủ số, kinh tế số và sẽ triển khai theo hướng chiến lược ngành, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp (DN) hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện. Hướng tới số hóa từ Trung ương đến địa phương từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng.

Theo Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ GT-VT, để đạt được các mục tiêu trên, ngành GT-VT xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Trong đó, việc rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành GT-VT.

Bộ GT-VT sẽ rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử.

Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GT-VT Lê Thanh Tùng cho hay, chuyển đổi số là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng CNTT để giảm bớt các thủ tục và chi phí. Bộ GT-VT đã đặt ra các nhóm giải pháp chính gồm: xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, quản lý phương tiện giao thông, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình…

Đối với các thủ tục hành chính về quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải hiện nay được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GT-VT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.

Tại Đồng Nai, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GT-VT và các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước chuyển đổi số trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh giao Sở GT-VT chủ trì thực hiện các nội dung về nâng cấp hạ tầng CNTT; lựa chọn cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 25-9-2021 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đồng Nai đang đẩy mạnh lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường nhằm giúp các lực lượng chức năng kịp thời xử lý vi phạm và hỗ trợ tích cực trong giải tỏa, phân luồng giao thông. Ảnh: THANH HẢI
Đồng Nai đang đẩy mạnh lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường nhằm giúp các lực lượng chức năng kịp thời xử lý vi phạm và hỗ trợ tích cực trong giải tỏa, phân luồng giao thông. Ảnh: THANH HẢI

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT về tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân và DN, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua 2 giai đoạn. Đồng Nai là một trong 12 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm công tác này.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho biết, việc đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, sau đó có thông báo đến trung tâm hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại. Từ đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây.

Ngoài thủ tục trên, Sở GT-VT đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải hành khách: bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng)…

* Nhiều hiệu quả trong quản lý giao thông

Thời gian qua, Bộ GT-VT và Bộ Công an đã triển khai một loạt dự án nhằm ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông. Trong đó, Bộ GT-VT đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô. Riêng Bộ Công an đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, xây dựng hệ thống camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm ngày càng tăng trên các tuyến cao tốc và quốc lộ. Đây chính là cơ sở để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông ở nước ta hiện nay.

Theo Bộ GT-VT, đến thời điểm này đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tiến tới đồng loạt chuyển từ thu phí thủ công sang công nghệ tại tất cả các trạm thu phí đường bộ. Trong ảnh: Thu phí điện tử không dừng tại Trạm thu phí Dầu Giây trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Theo Bộ GT-VT, đến thời điểm này đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tiến tới đồng loạt chuyển từ thu phí thủ công sang công nghệ tại tất cả các trạm thu phí đường bộ. Trong ảnh: Thu phí điện tử không dừng tại Trạm thu phí Dầu Giây trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo Công an tỉnh, việc lắp đặt camera giao thông đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, tạo cơ sở để cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, giảm bớt việc ra đường của cán bộ cảnh sát giao thông. Từ đây, cảnh sát giao thông không cần phải tiếp xúc với tài xế, tránh tiêu cực, tham nhũng ngầm, nâng cao trách nhiệm, bảo vệ danh dự của người cảnh sát giao thông.

Bên cạnh đó, việc quản lý hình ảnh từ camera giao thông là cơ sở để “phạt nguội” các vi phạm giao thông. Đến nay, qua hệ thống camera giám sát giao thông trên quốc lộ 1 và các tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt trực tiếp ngoài đường và gửi thông báo chiếm trên 80% tổng số vụ phát hiện, góp phần ngăn chặn vi phạm và hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Trong lĩnh vực vận tải, thời gian qua, việc quản lý phương tiện được đẩy mạnh thông qua quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát hình ảnh. Quy định này giúp cơ quan chức năng, DN vận tải có thể kiểm tra tốc độ phương tiện, thời gian lái xe liên tục của tài xế…

Sở GT-VT đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình trong tháng 10 và 11-2021. Chỉ trong hơn 2 tháng qua, toàn tỉnh có gần 15 ngàn phương tiện không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình về trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cụ thể, phát hiện lái xe của gần 1,2 ngàn phương tiện vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày xe hoạt động trong tháng; gần 600 phương tiện trong tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1 ngàn km xe chạy theo quy định.

Hệ thống các camera giám sát giao thông trên đường Võ Thị Sáu (đoạn qua P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Hệ thống các camera giám sát giao thông trên đường Võ Thị Sáu (đoạn qua P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho biết, ngay khi có kết quả báo cáo của các đơn vị liên quan, Sở GT-VT đã có văn bản đề nghị các DN, HTX kinh doanh vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát các lái xe của phương tiện vi phạm trên qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo và có biện pháp xử lý vi phạm. Từ đó, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các điều kiện về hoạt động kinh doanh vận tải khi tham gia hoạt động theo quy định.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều