Báo Đồng Nai điện tử
En

Mòn mỏi chờ đợi, cầu vẫn nằm trên giấy

11:01, 12/01/2022

Được đánh giá là một trong những dự án quan trọng, nhưng sau gần 2 thập kỷ kể từ khi có chủ trương thực hiện, đến nay cầu Cát Lái vẫn còn nằm trên giấy...

[links()]Được đánh giá là một trong những dự án quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng sau gần 2 thập kỷ kể từ khi có chủ trương thực hiện, đến nay cầu Cát Lái vẫn còn nằm trên giấy trong sự chờ đợi mỏi mòn của người dân 2 địa phương.

Tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp lễ, Tết thường xuyên xảy ra ở hai đường dẫn vào phà Cát Lái. Ảnh: Q.Nhi
Tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp lễ, Tết thường xuyên xảy ra ở hai đường dẫn vào phà Cát Lái. Ảnh: Q.Nhi

* Huyết mạch giao thông chưa được khơi thông

Cầu Cát Lái được quy hoạch xây dựng bắc qua sông Đồng Nai, nối Q.2 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) với H.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cầu Cát Lái không chỉ được đánh giá có vai trò quan trọng đối với Đồng Nai khi đây là “cú hích” cần có để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch, cây cầu này còn được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo TEDI, phà Cát Lái hiện đang khai thác trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là mất an toàn cho giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở hai đường dẫn vào phà, đặc biệt là đường Nguyễn Thị Định với mật độ rất lớn các xe tải nặng, xe container ra - vào cảng Cát Lái. Đồng thời, mạng lưới giao thông hiện tại kết nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai chưa đảm bảo năng lực khai thác, chưa theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông. Ùn tắc trên các tuyến đường kết nối TP.HCM và Đồng Nai đều ở tình trạng thường xuyên như trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1K qua cầu Hóa An và quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Đồng Nai nói riêng và của khu vực nói chung.

Phát biểu tại hội thảo Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ được tổ chức vào tháng 11-2020 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, với tầm quan trọng của mình, cầu Cát Lái phải được triển khai xây dựng trong năm 2020.

Trên thực tế, nhận thức được tầm quan trọng của cầu Cát Lái, ngay từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu Cát Lái với sứ mệnh kết nối đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Năm 2019, khi Thủ tướng Chính phủ chính thức giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái, Đồng Nai đã đặt mục tiêu khởi công dự án này trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cầu Cát Lái vẫn còn nằm trên giấy.

* Thông đường cho sân bay Long Thành

Dựa trên nhu cầu thực tế, việc xây dựng cầu Cát Lái để thay thế cho phà Cát Lái hiện tại là rất cần thiết. Sau khi xây dựng, cầu Cát Lái sẽ hình thành nên tuyến giao thông kết nối tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực; đồng thời, đảm bảo mục tiêu thay thế bến phà hiện hữu đã quá tải, không đảm bảo năng lực thông hành. Từ đó, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án cũng mở ra cơ hội khai thác quỹ đất dọc tuyến, thúc đẩy sự giao thương giữa các địa phương trong khu vực, đặc biệt là giữa các khu công nghiệp, cảng biển... trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Đặc biệt, việc sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái cũng là yêu cầu cấp thiết để có thể khai thác tối đa hiệu quả của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi siêu dự án này hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2025.

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông đường bộ kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM bao gồm 2 trục chính là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường tỉnh 25C thông qua cầu Cát Lái.

Với tình trạng quá tải của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây như hiện nay, việc sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái để hình thành trục kết nối giao thông thứ 2 giữa sân bay Long Thành và TP.HCM là rất cấp bách. Bởi theo như yêu cầu của Chính phủ, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ không được phép chậm tiến độ và phải hoàn thành xây dựng, khánh thành vào đầu năm 2025. Như vậy, quỹ thời gian để các dự án giao thông kết nối có thể hoàn thành xây dựng “đúng nhịp” với tiến độ dự án Sân bay Long Thành là không còn nhiều.

Theo TEDI, hiện các tuyến đường bộ kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai đều đang khai thác trong tình trạng quá tải. Cụ thể, đối với tuyến quốc lộ 1K, cầu Hóa An với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra; đối với tuyến quốc lộ 1, cầu Đồng Nai với quy mô 8 làn xe đang khai thác với lưu lượng 216 ngàn PCU/ngày đêm, vượt xa năng lực thiết kế là 96 ngàn PCU/ngày đêm, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng; tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65 ngàn PCU/ngày đêm vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm.

Quỳnh Nhi

 

Tin xem nhiều