Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần 'nuôi lớn' cánh đồng mẫu lớn

08:02, 28/02/2022

Chủ trương xây dựng cánh đồng lớn của Bộ NN-PTNT từng được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu để sản xuất nông nghiệp thoát khỏi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát để chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng hóa lớn.

Chủ trương xây dựng cánh đồng lớn của Bộ NN-PTNT từng được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu để sản xuất nông nghiệp thoát khỏi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát để chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng hóa lớn.

Thực tế, chủ trương này cũng dựa trên những yêu cầu cấp bách về thị trường, nhắm vào việc tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế, xuất phát từ nguyên nhân sản xuất nhỏ lẻ làm cho chi phí sản xuất cao, tư duy manh mún gây khó khăn cho cơ giới hóa, cách làm tự phát khiến chất lượng nông sản không đồng đều.

Nhìn rộng ra, nhiều nước như: Philippines, Thái Lan, Indonesia… cũng thực hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn với quy mô lên đến hàng trăm ngàn ha trồng xoài, dứa, chuối… và các loại nông sản khác. Quy mô lớn cho phép họ áp dụng bài bản, đồng đều các giải pháp công nghệ lên cánh đồng như: thuê trực thăng phun thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng nhà máy sơ chế và chế biến sâu ngay trên cánh đồng, mạnh dạn nhận những đơn hàng xuất khẩu “khổng lồ” với lời cam kết đồng đều về chất lượng và mẫu mã hàng hóa. Sản xuất lớn cũng làm cho chi phí giảm, giá thành giảm và giá bán cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm cùng loại do có thể mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… với giá “sỉ” từ nhà cung cấp.

Vậy nên, xét trên phương diện quốc gia, để nông nghiệp phát triển bền vững, xuất khẩu nông sản có giá trị cao và ổn định thì khó lòng tìm được phương hướng nào tốt hơn là đầu tư cánh đồng mẫu lớn.

Mong muốn và mục tiêu là vậy, song khi áp vào thực tế, mô hình này gặp rất nhiều thách thức. Khó khăn dễ thấy nhất là tập quán sở hữu đất đai manh mún, quy hoạch phân tán khiến việc tập trung hàng trăm, hàng ngàn ha để thiết kế nên mô hình cánh đồng mẫu lớn cực kỳ khó khăn. Việc liên kết hàng trăm nông dân đang sở hữu đất sản xuất, khiến họ đồng lòng hướng về một mục tiêu chung càng khó khăn hơn bởi “chín người mười ý”, người này muốn trồng xoài, người khác lại muốn trồng thanh long hay trồng chuối. Các yếu tố khác thuộc “hạ tầng” để nuôi lớn các cánh đồng (tiếp cận vốn, ưu đãi về thuế, ưu đãi đất đai, giải pháp công nghệ…) cũng chưa đồng bộ, khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần chưa muốn đầu tư. Ngoài ra, một thực tế khác là nhiều năm nay giá đất nông nghiệp tăng mạnh, nông dân bỏ sản xuất, cắt đất để bán cho nhà đầu tư khiến mục tiêu này càng khó khăn hơn. Do đó, không chỉ tại Đồng Nai mà nhiều địa phương khác như: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Phước… đều đã và đang xảy ra hiện tượng các dự án cánh đồng lớn càng ngày càng… nhỏ lại theo thời gian và theo sự biến động của thị trường.

Khó khăn đã rõ, song thành thật mà nói, khó có chủ trương, cách làm nào hiệu quả hơn việc xây dựng những vùng sản xuất lớn, nếu vẫn giữ mục tiêu nâng cao giá trị và hạ giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vậy nên, cái cần nhất chính là những giải pháp đồng bộ, từ tư duy đến chính sách (đất đai, vốn, công nghệ, thị trường…) nhằm xây dựng nên một hệ sinh thái đủ mạnh “nuôi lớn” các cánh đồng.

Kim Ngân

Tin xem nhiều