Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội nào cho công nghiệp chế tạo Đồng Nai?

03:02, 10/02/2022

Ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò chủ lực trong phát triển công nghiệp của Đồng Nai. Lĩnh vực này hiện đang thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),...

[links()]Ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò chủ lực trong phát triển công nghiệp của Đồng Nai. Lĩnh vực này thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành một trong 5 ngành nghề quan trọng nhất trong phát triển kinh tế.

Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) sản xuất các loại van xuất khẩu. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) sản xuất các loại van xuất khẩu. Ảnh: H.Giang

Đồng Nai là nơi có công nghiệp chế tạo phát triển nhưng vẫn còn nhiều DN gia công cho các nhãn hàng trên thế giới, giá trị gia tăng chưa cao. Tuy nhiên, trong đó có những DN có thương hiệu riêng, tự thiết kế mẫu mã để cung ứng cho đối tác trong và ngoài nước. 

* Mở rộng sản xuất và tiêu thụ

Công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai phát triển khá đa dạng với nhiều ngành nghề khác nhau như: cơ khí, điện tử, linh kiện máy móc... Có nhiều tập đoàn FDI đã đầu tư vào tỉnh ở những ngành nghề trên như: Bosch, Hansol Technics, Intops, Posco, Schaeffler, Nok, Meggitt… Nhiều tập đoàn, DN FDI sau một thời gian đầu tư vào tỉnh thành công đã tăng vốn, mở rộng sản xuất và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh thu hút vài chục dự án mới của DN FDI vào lĩnh vực chế tạo. Các quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu trong đầu tư vào công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU).

Ông Kemichiro Abe, Chủ tịch Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều DN Nhật Bản đã đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo ở Đồng Nai. 2 năm nay, tuy dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến đầu tư giữa hai bên nhưng các DN Nhật Bản vẫn đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào tỉnh. Tới đây, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, giao thương giữa hai nước trở lại bình thường, sẽ có nhiều DN Nhật Bản đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo”.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của công nghiệp chế tạo tại Đồng Nai đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng hơn 29% so với năm 2020. Một số ngành trong công nghiệp chế tạo từ lâu đã trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng năm 2021 có kim ngạch xuất khẩu hơn 2,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 42,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 15,3%... Thị trường tiêu thụ của sản phẩm công nghiệp chế tạo của Đồng Nai hiện phủ sóng đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn tập trung vào một vài thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Doanh nghiệp FDI Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm ngành cơ khí, chế tạo của Đồng Nai. Ảnh: V.Thế
Doanh nghiệp FDI Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm ngành cơ khí, chế tạo của Đồng Nai. Ảnh: V.Thế

Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (thuộc Tập đoàn Hansol Technics - Hàn Quốc) chia sẻ: “Sau vài năm đầu tư thành công vào Khu công nghiệp Amata ở TP.Biên Hòa, đầu năm 2021, công ty đã tăng thêm 100 triệu USD thực hiện một dự án mới tại Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2. Nhà máy mới sẽ sản xuất, gia công, lắp ráp module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử với quy mô khoảng 10,8 triệu sản phẩm/năm. Sản phẩm của công ty chủ yếu cung ứng cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu”.

Nhiều ngành khác thuộc công nghiệp chế tạo cũng được mở rộng sản xuất và xuất khẩu; dù dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, giúp nền công nghiệp của tỉnh phát triển ổn định. Đồng thời, thị trường tiêu thụ dần được mở rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác để giảm rủi ro cho DN khi tập trung quá nhiều vào một vài thị trường.

* Hỗ trợ DN trong nước phát triển

Tại Đồng Nai, giữ vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp chế tạo là các DN FDI đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi họ đến Đồng Nai đầu tư đã góp phần thúc đẩy các DN có vốn đầu tư trong nước cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, gồm gia công một số công đoạn cho sản phẩm hoặc sản xuất một số linh kiện thiết bị máy móc cho DN FDI. Nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam được thành lập và trở thành đối tác cung ứng đầu vào cho sản xuất của nhiều DN FDI trong và ngoài tỉnh.

Ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho hay: “Năm 2016, tôi thành lập Công ty Quyết Thắng, chuyên sản xuất những thiết bị phễu rung, mâm rung, sàng rung, bộ điều khiển rung, máy cấp phôi… để cung cấp cho các DN FDI có nhu cầu tự động hóa ở một số khâu trong sản xuất nhằm giảm lao động, chi phí mà vẫn tăng công suất. Sau khi sử dụng thành công sản phẩm của công ty, một số DN FDI đã đặt hàng với số lượng lớn, vì thế tôi tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng trong nước, xuất khẩu”.

Công ty TNHH FICT Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang
Công ty TNHH FICT Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Cũng theo ông Bình, ngày càng có nhiều DN FDI tại Việt Nam tìm đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng đặt hàng, vì lắp đặt sản phẩm của công ty vào dây chuyền sản xuất sẽ giúp DN giảm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng xuống thấp và giảm 3-6 lao động/công đoạn. Chỉ sau 1-2 năm, DN có thể thu hồi vốn bỏ ra mua thiết bị của Quyết Thắng.

Trong những năm qua, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn Đồng Nai được thành lập để cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI thuộc ngành công nghiệp chế tạo. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập Chi hội Ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai với hơn 30 thành viên, chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện cung ứng cho DN FDI trong và ngoài tỉnh và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh hơn 7 tỷ USD và chủ yếu vào sản xuất công nghiệp. Ngành nghề được DN Hàn Quốc đầu tư nhiều là sản xuất cơ khí chế tạo, điện tử và linh kiện, sản phẩm đầu vào cho ngành dệt may. Các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh đều muốn tìm nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu của DN Hàn Quốc sẽ được kết nối để hợp tác và nhận được nhiều đơn đặt hàng”.

Trong 5-6 năm qua, nhiều DN Đồng Nai đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việt Nam đã tham gia ký kết nhanh và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đây là cơ hội cho Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước tăng thu hút nguồn vốn FDI.

Các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn tìm nguồn nguyên, phụ liệu trong nước để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, khi xuất khẩu sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp DN chủ động được sản xuất, giảm bớt được chi phí và những rủi ro về thời gian vận chuyển. Những vấn đề trên mở ra thêm cơ hội để thúc đẩy DN trong nước trên lĩnh vực công nghiệp chế tạo phát triển.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều